Vật tư nông nghiệp:Càng “siết” càng rối

18/06/2010

AGROINFO - Làm sao để hạn chế tối đa thuốc trừ sâu rởm, phân bón giả, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng gây thiệt hại cho người nông dân? Làm sao để sản xuất ra thịt, trứng và rau củ quả đảm bảo VSATTP là những bài toán vẫn chưa có lời giải. Và dường như, càng quản, càng siết chặt bao nhiêu, lại càng rối bấy nhiêu.

Tưởng chặt hóa như không

Thời gian gần đây, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rởm... lại gia tăng, gây tác hại nghiêm trọng tới nông nghiệp. Các ngành chức năng cũng như cơ quan quản lý đã ráo riết vào cuộc, kiểm tra, lấy mẫu, phân tích rồi xử phạt, nhưng  kết quả dường như không có biến chuyển. Vi phạm vẫn ngày một gia tăng và thủ đoạn thì tinh vi hơn trước.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón trong 6 tháng đầu năm 2010 từ 9 tỉnh, thành phố cho thấy, qua kiểm tra 268 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, lấy 383 mẫu phân bón để giám sát chất lượng, kết quả, 138/383 mẫu không đạt, 61/268 cơ sở vi phạm.

 
 Vật tư nông nghiệp, càng quản càng rối. (Ảnh minh họa: Internet)

Đáng lo ngại là kết quả giám sát chất lượng thịt tại một số tỉnh, thành và chất lượng thuốc thú y của Cục Thú y thời gian qua. Theo đó, hiện cả nước có khoảng 17.129 cơ sở giết mổ (CSGM), tuy nhiên, chỉ có 617 CSGM tập trung, chiếm tỷ lệ 3,6%, còn lại là các CSGM nhỏ lẻ. Đặc biệt, trong hơn 17.000 CSGM trên cả nước, chỉ có 7.281 CSGM được cơ quan thú y kiểm soát. Đó cũng là giải thích cho kết quả giám sát, kiểm tra các mẫu thịt được lưu hành tại một số tỉnh, thành thời gian qua. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại Hà Nội, đã lấy 69 mẫu thịt lợn để kiểm tra, kết quả cho thấy, 4/69 mẫu nhiễm Salmonella (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm), 37/69 mẫu nhiễm Saureus (tụ cầu khuẩn) vượt quá giới hạn cho phép. Kết quả kiểm tra trên 69 mẫu thịt gà cũng cho thấy, 6/69 mẫu nhiễm Salamonella và 41/69 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép.

Còn, tại TP Hồ Chí Minh, con số này thấp hơn, trong số 72 mẫu thịt được kiểm tra chỉ có 7 mẫu bị nhiễm 2 loại vi khuẩn trên. Lý giải về sự khác biệt này, ông Thành cho hay, tỷ lệ kiểm soát trong giết mổ ở khu vực TP Hồ Chí Minh đạt mức cao, chiếm đến 97% số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ. Bởi vậy, ông Đàm Xuân Thành cho rằng, các tỉnh, thành phía Bắc vẫn thiếu sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, quy hoạch các CSGM.

Cần hành động không thể nói suông

Tuy nhiên, tại cuộc họp rà soát quản lý vật tư nông nghiệp diễn ra vào sáng 16-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, những vụ vi phạm bị phát hiện, những mẫu phân bón, thuốc trừ sâu... kém chất lượng nêu trên chỉ là bề nổi.  Do vậy, Bộ trưởng tỏ ra lo ngại trước thực trạng sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu giả đang gia tăng trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, cũng như kết quả giám sát các mẫu thịt đang lưu thông trên thị trường hiện nay. “Việc phát hiện vi phạm trên chỉ như muối bỏ bể, chỉ là một trong số hàng trăm lô hàng, cửa hàng vi phạm trên cả nước. Hậu quả từ những lô thuốc BVTV, thuốc thú y giả là con người phải gánh chịu” - Bộ trưởng lo lắng.

Lý giải về việc gia tăng các vụ việc vi phạm về vật tư nông nghiệp, ông Bùi Sỹ  Doanh - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện có quá nhiều cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Ví dụ với riêng thuốc BVTV đã có tới 1.000 hoạt chất được đăng ký sử dụng, với 2.700 tên thương mại, 25.000 đại lý kinh doanh. Do vậy, gây khó khăn cho công  tác quản lý cũng như giám sát, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các địa phương rất mỏng.

Không đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chất lượng vật tư nông nghiệp chúng ta đã nói đến rất nhiều song dường như không hề có chuyển biến. Cần quy rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào. Thuốc BVTV rởm tung hoành thì trách nhiệm phải thuộc về Cục trưởng Cục BVTV.  Do vậy, Cục BVTV phải xác định trách nhiệm đến từng cán bộ và có từng hành động cụ thể chứ không thể nói suông được”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật, quy định trong quản lý vật tư nông nghiệp chúng ta đã có, tuy nhiên, đã xuất hiện sự chồng chéo. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát cần xử lý hàng hóa vi phạm tận gốc, không thể duy trì việc xử lý vi phạm theo kiểu “hớt ngọn” như thời gian qua. “Nếu phát hiện hàng hóa vi phạm phải truy đến nơi sản xuất. Nếu tiếp tục vi phạm lần 2, lần 3 thì phải xử lý nghiêm, rút giấy phép kinh doanh”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, trong  thời gian tới, cần phải phân cấp về cho địa phương quản lý gian lận, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Bởi các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành có đi kiểm tra thực chất cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, không mang lại kết quả nhiều.


Phạm Khánh (Theo ANTĐ)

Tin khác