Sản xuất nông sản theo VietGap: Muối bỏ bể!

15/09/2010

(LĐ) - VietGap đã có cuộc chinh phục khó khăn các vườn cây, thửa ruộng vùng ĐBSCL. Các "Hai Lúa" bao đời trồng trọt theo kinh nghiệm cha truyền con nối không thật mặn mà với khái niệm VietGap khó hiểu và khó áp dụng.

Thế nhưng, ở những nơi mà VietGap đứng chân được, hiệu quả do nó mang lại đã giúp nhiều hộ nông dân khá lên.

VietGap từ lạ thành quen

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Thành Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) hiện là mô hình HTX sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGap (giống như VietGap) thành công nhất ĐBSCL. Hiện lúa sản xuất ra ở đây có năng suất cao hơn, giá bán cũng cao hơn so với sản xuất bình thường. Sản phẩm HTX làm ra không đủ bán cho thị trường nội địa, trong khi khách hàng nước ngoài thì đăng ký trước cả năm. TS Lê Hữu Hải - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cai Lậy - cho biết, 4 tiêu chí cơ bản của GlobalGap là: An toàn cho người tiêu dùng; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường; truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là sản xuất ra lúa sạch, chất lượng cao, bán được giá cao, nông dân có lãi cao. Để thực hiện GlobalGap, HTX và người nông dân phải tuân thủ 214 điểm kiểm soát. Tất cả đều phải trải qua tập huấn, hướng dẫn, từ cán bộ Phòng NNPTNT huyện, Ban chủ nhiệm HTX đến các hộ xã viên.

 
 Xoài Hòa Lộc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Nam - ông Trương Văn Bảy - cho biết thêm: Để đưa được Global Gap vào HTX là cả một cuộc vận động lớn. Ban đầu không xã viên nào chịu làm thí điểm vì mỗi hộ phải đầu tư 23,5 triệu đồng để xây dựng 4 hạng mục cơ bản đúng chuẩn là sân phơi, nhà vệ sinh, kho thuốc trừ sâu và hầm biogas. Rồi phải thay đổi toàn bộ tập quán sống để thực hiện nghiêm ngặt 214 điểm kiểm soát. Sau thời gian dài kiên trì vận động, đến cuối năm 2008 có 15 hộ xã viên đồng ý làm thí điểm trên 11,4ha. Chỉ sau 1 vụ lúa, với kết quả “nhãn tiền”, nông dân ồ ạt xin thực hiện GlobalGap, đến nay diện tích đã tăng lên gấp 10 lần ban đầu.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Chủ nhiệm HTX - ông Nguyễn Văn Ngàn - cho biết, ban đầu ai cũng nghi ngờ về khả năng thành công của mô hình này. Tuy nhiên, sau gần 2 mùa vụ thực hiện dè dặt, những lợi ích Global Gap mang lại rất rõ, nhờ đó đến nay đã có trên 60ha được chứng nhận.

Tương tự, 30ha khóm đầu tiên ở HTX Quyết Thắng (xã Tân Lập, huyện Tân Phước, Tiền Giang) đã được chứng nhận VietGap. Ở tỉnh Bến Tre, gần 30ha bưởi da xanh đầu tiên (ấp Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) thực hiện VietGap đang gây tiếng vang trong toàn vùng. Ông Huỳnh Văn Sang - Phó Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) - cho biết, đang ráo riết xây dựng VietGap cho xoài cát Hòa Lộc, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 20,5ha đầu tiên được cấp chứng nhận.

Như muối bỏ bể

Vào vụ hè thu 2010, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Nam – ông Trương Văn Bảy - bất ngờ nhận đơn đặt hàng từ Mỹ 5.000 tấn gạo GlobalGap với giá thật cao. Dù đơn đặt hàng quá hấp dẫn, nhưng ông đành từ chối. Với hơn 100ha đang có, mỗi năm HTX Mỹ Thành Nam sản xuất khoảng 1.700 tấn lúa GlobalGap, tương đương khoảng 1.000 tấn gạo. Số hàng ít ỏi ấy không đủ cung cấp cho các siêu thị trong nước. Người dân TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) muốn ăn gạo Global Gap cũng tìm không ra. “Thị trường mênh mông, nhưng HTX không thể tăng nhanh diện tích, vì không khéo sẽ làm mất thương hiệu nếu không bảo đảm chất lượng cam kết” - ông Bảy nói.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Dù đạt quy trình sản xuất theo GlobalGap 2 - 3 năm qua, nhưng diện tích quá khiêm tốn (chỉ khoảng 60ha), sản lượng thấp, nên không thể nhận đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài, đành bán quẩn quanh trong nước. Phải chờ đến cuối năm 2011 mới có thêm 100ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap, trong khi diện tích canh tác loại đặc sản này tới 2.500ha.

Tại Bến Tre, một lão nông tên Sáu Hớn (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách) tự bỏ tiền túi, áp dụng thành công quy trình GlobalGap trên vườn chôm chôm 6,4ha của mình. Thế nhưng đã hơn 1 năm qua, tỉnh Bến Tre cũng có chừng ấy diện tích chôm chôm GlobalGap. Lượng chôm chôm ít ỏi của ông Sáu Hơn không thể đi ra thị trường thế giới, mà chỉ xuất hiện cầm chừng trong một vài siêu thị. Trong khi đó, hàng ngàn hécta chôm chôm trong vùng, dù trúng mùa, nhưng rớt giá, dội chợ.

Theo Kỳ Quan (Lao động)


Tin khác