Theo Viện Qui hoạch Thủy lợi miền Nam, để nâng cấp hệ thống đê biển và đê cửa sông tại Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, cần đầu tư 2.310 tỷ đồng.
Trong số đó kinh phí đầu tư cho việc đầu tư nâng cấp đê biển hơn 1.420 tỷ đồng, đê cửa sông gần 890 tỷ đồng.
|
Cần nhiều vốn để nâng cấp đê biển |
Theo qui hoạch, có gần 620km đê biển và hơn 740km đê cửa sông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được nâng cấp hoặc xây dựng mới theo quy cách với chiều rộng đê 6m để kết hợp giao thông, mái trong 2-3m, mái ngoài 3-4m, lưu không 10m phía đồng và 50m phía biển; bên ngoài đê là rừng phòng hộ để bảo vệ và giảm sóng.
Chiều dài đê cửa sông là 30km cho sông lớn và từ 10-15km cho các sông nhỏ. Các công trình dưới đê được xây dựng vừa bảo đảm phòng chống thiên tai, vừa bảo đảm kiểm soát mặn, giữ ngọt, tiêu úng, thoát lũ, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và các nhu cầu khác, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, ổn định sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Theo dự báo, nếu không chủ động ứng phó, đến cuối thế kỳ này, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng cao sẽ làm từ 15.000-20.000 km2 tại Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, trong đó có 9/13 tỉnh bị ngập gần như hoàn toàn, làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn lớn.
Trong khi đó, độ cao, sức chịu đựng của hệ thống tuyến đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa đáp ứng yêu cầu ngăn nước biển dâng và sức tàn phá của sóng biển với cường độ mạnh. Đoạn đê biển đi qua huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân ở tỉnh Cà Mau và huyện Hòn Đất ở tỉnh Kiên Giang thuộc tuyến biển Tây, kéo dài từ Cà Mau đến Kiên Giang dài khoảng 260km hiện bị xói lở nghiêm trọng.
Chỉ tính tại Cà Mau, có gần 20 điểm đê biển sạt lở tổng chiều dài hơn 2.500m. Đê biển tỉnh Sóc Trăng dài hơn 70km nhưng nước biển đã “nuốt chửng” nhiều đoạn thuộc các huyện Vĩnh Châu, Cù Lao Dung. Ở tỉnh Bạc Liêu, đê biển dài 56km song chỉ chịu được bão cấp 9, còn bão cấp 10-12 thì vỡ đê là khó tránh khỏi.
Tuyến đê phòng hộ ven biển Kiên Giang dài gần 100km (từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương) có trên 60 điểm bị sạt lở, trong đó, tuyến đê đi qua các xã Tây Yên, Vân Khánh thuộc huyện An Biên; xã Thổ Sơn, Bình Sơn, Bình Giang thuộc huyện Hòn Đất bị đứt đoạn nhiều nhất với trên 20 đoạn, có nơi đoạn đê bị đứt rộng từ 6-10m. Riêng tuyến đê Biển Đông trên địa bàn Cà Mau dài hơn 150km đến nay chưa xây dựng.
Theo Thế Đạt (TTXVN/Vietnam+)