1. Thị trường thế giới
Đầu tuần giá cà phê arabica có chiều hướng tăng cao so với phiên giao dịch trước, đạt mức cao nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Ngày 4/5, giá giao tháng 7/2004 đạt 72,2 UScent/lb, tăng 4,15 UScent so với 69,75 Uscent/lb của ngày giao dịch đầu tuần trước. Trên thị trường London, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2004 tăng 30 USD từ 698 USD/tấn của ngày 26/4/04 lên 728 USD/tấn.|
Song mức cao này không duy trì được lâu. Trong những ngày giao dịch cuối tuần, giá giảm dần từng ngày, còn 70,1 UScent/lb đối với cà phê arabica và 710 USD/tấn đối với cà phê robusta.
Ý kiến thống nhất của đại đa số các nhà khí tượng học về hiện tượng El Nino trong năm nay không quá khắc nghiệt, khả năng sương giá ở Braxin lớn đã tạo ra nhu cầu mua củng cố trên thị trường trong thời gian gần đây, ảnh hưởng tích cực tới giá trong các phiên giao dịch đầu tuần.
Tuy nhiên, những ngày giao dịch tiếp theo, nguồn cung lớn từ các nhà sản xuất châu Á đã kìm hãm phần nào đà tăng giá của thị trường. Thêm vào đó, việc chính phủ Braxin điều chỉnh tăng sản lượng thu hoạch niên vụ 2004/05 từ 35,8 triệu bao lên 38,3 triệu bao 60 kg cũng gây tác động tiêu cực dù rằng mức dự báo này còn thấp hơn nhiều so với con số dự kiến 43-45 triệu bao của các thương nhân.
2. Thị trường trong nước
Cùng với xu hướng biến động trên thị trường thế giới, giá cà phê xuất khẩu của Việt nam cũng tăng giảm theo. Giá xuất khẩu cà phê Robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ đầu tuần đạt 627 USD/tấn (FOB, Sài Gòn), tăng cao so với 620-625 USD/tấn của tuần trước và đến cuối tuần giảm còn 625 USD/tấn.
Tại Đắc Lắc, giá thu mua tại cổng trại dao động trong khoảng 9.100 - 9.200 đồng/kg, gần như không đổi so với 9.120 đồng/kg tuần trước. Giá mua tại các công ty xuất khẩu có phần cao hơn, khoảng 9.200-9.300 đồng/kg.
Vào thời điểm này không ai dám mạo hiểm mua vào hay bán ra vì các khách mua nước ngoài dự kiến giá sẽ giảm nên chưa tiến hành giao dịch lớn. Còn các thương gia trong nước cho rằng với mức giá như hiện nay thì không có lãi. Vì thế nhiều nông dân và nhà cung cấp có ý trữ hàng chờ tình hình thị trường được cải thiện. Tuy nhiên, chắc chắn họ sẽ không thể giữ trong kho quá lâu nhất là khi Indonesia - đối thủ cạnh tranh lớn - sắp bước sang giai đoạn thu hoạch đỉnh điểm.
3. Nhận định
Điều chỉnh tăng của chính phủ Braxin về sản lượng thu hoạch niên vụ mới là nhân tố chủ đạo ảnh hưởng tới thị trường trong thời gian qua, khiến giá không thể giữ vững được mức cao đạt được của đầu tuần, dù con số dự báo về sản lượng chính thức của Braxin thấp hơn dự kiến của thị trường.
Các thông tin dự báo thời tiết tại Braxin trong thời gian nước này chuẩn bị bước vào mùa đông tiếp tục thu hút sự chú ý của hầu hết mọi người và chắc chắn đây sẽ là nhân tố có ảnh hưởng tới biến động giá trên thị trường về trung hạn. Thông thường, mùa đông ở Braxin bắt đầu từ ngày 21/6 nhưng nguy cơ sương giá kéo dài từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 hàng năm.
Trong ngắn hạn, giá cà phê robusta vẫn sẽ dao động lên xuống ở mức 700 USD/tấn và sau đó phục hồi dần về dài hạn lên 735-740 USD/tấn. Các đơn chào hàng từ Indonesia và Việt Nam sẽ kìm hãm đà tăng giá của thị trường nhưng khi giá xuống thấp thị trường sẽ được vực dậy bằng nhu cầu mua từ các nhà rang xay và các quỹ hàng hoá.
Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là làm sao giữ được khách hàng mà vẫn có thể nâng giá lên cao. Vụ thu hoạch của Indonesia chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh điểm sẽ là nhân tố bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt nam vì khi đó cung trên thị trường sẽ nhiều hơn. Một số doanh nghiệp trong nước đã chọn cách đầu tư nhiều hơn vào cải tiến chất lượng. Chẳng hạn như theo giám đốc công ty Hưng Bình - một công ty thương mại tại Pleiku, Đắc lắc, mục tiêu chính cảu công ty là nâng cao chất lượng. Hiện công ty đang đầu tư gần 1 triệu USD vào chế biến để giảm tỷ lệ vỡ và đen từ 5% xuống còn 1%. Đây cũng là một hướng đi đúng đắn, cần thiết giúp các doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh và phát triển bền vững.