Chỉ hạ giá nông sản thì không đủ sức cạnh tranh

04/08/2006

TP - Khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, trong một "sân chơi" lớn, nếu chỉ hạ giá nông sản thì nông nghiệp nước ta sẽ không đủ sức cạnh tranh... Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, TS Đặng Kim Sơn về những vấn đề nêu trên. TP - Khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, trong một "sân chơi" lớn, nếu chỉ hạ giá nông sản thì nông nghiệp nước ta sẽ không đủ sức cạnh tranh... Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, TS Đặng Kim Sơn về những vấn đề nêu trên.|

Mới đây, vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO về thương mại toàn cầu  tiếp tục thất bại. Vấn đề nhạy cảm nhất trong vòng đàm phán Doha là xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản (riêng Việt Nam đã cam kết bỏ ngay khi gia nhập WTO). Liệu cam kết này có quá cao so với sức chịu đựng của hàng nông sản Việt Nam khi thời điểm nước ta trở thành thành viên WTO không còn xa? 

TS Sơn nói: Hiện mức trợ cấp xuất khẩu của Việt Nam đối với nông sản rất thấp. Bởi vậy, trước mắt, cam kết của Việt Nam về bỏ trợ cấp xuất khẩu không có tác động xấu nào đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, cam kết này sẽ có những tác động về lâu dài. Đây sẽ là thách thức đáng kể cho nền sản xuất nông nghiệp tương lai.

Vậy, trước mắt, đâu là những thử thách chính của nông nghiệp Việt Nam?

Với việc hỗ trợ và bảo vệ cho nông nghiệp ở các nước giàu đang chuyển dần từ hàng rào thuế sang hàng rào tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh và các yêu cầu về môi trường, xã hội khác, việc cạnh tranh trên thị trường đang chuyển dần từ giá cả sang chất lượng và các giá trị gia tăng.

Đây là thế yếu của các nước nghèo và các nước đang phát triển. Bởi vậy, thử thách chính của nông nghiệp Việt Nam là phải thay đổi toàn diện cách thức tổ chức sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Trong xu thế này, việc mở rộng sản xuất, hạ giá nông sản để cạnh tranh chưa đủ mà cần phải hình thành những hệ thống liên kết nối liền sản xuất với chế biến, kinh doanh, đảm bảo các tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi ở từng khâu, nâng cao giá trị của sản phẩm ở từng khâu, chia đều lợi nhuận và rủi ro ở tất cả các bước cho mọi đối tượng tham gia, nhất là chú ý đến quyền lợi của người nông dân, người sản xuất. Đấy chính là cách đối phó hữu hiệu với thử thách này.

Ông từng đánh giá, trước ngưỡng cửa WTO tình trạng bỏ trống thị trường về máy móc thiết bị phục vụ cho nông nghiệp, giống vật nuôi, cây trồng phục vụ cho sản xuất, hàng hóa tiêu dùng phục vụ cho nông dân  là vấn đề đáng báo động?

Những nền kinh tế công nghiệp hóa thành công ở Đông Á đều đẩy mạnh giai đoạn công nghiệp hóa ban đầu bằng phát triển hàng hóa công nghiệp phục vụ cho thị trường nông thôn, song song với nâng cao thu nhập của nông dân để phát triển thị trường này và ngược lại, lấy thị trường này để tạo tích lũy cho công nghiệp trước khi xuất khẩu.

Cần chấm dứt nhanh tình cảnh 75% thị phần cơ giới ở nông thôn Việt Nam hiện nay là máy móc cũ hoặc chất lượng thấp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Cần có ô tô Việt Nam chạy ở nông thôn thay cho xe công nông, xe “đầu ngang” của Trung Quốc, mô tô Việt Nam chuyên chở ở miền núi thay cho xe Minsk của Bêlarút, cần có động cơ nhỏ để nông dân Nam Bộ chạy xuồng ba lá thay cho máy Cô-le của Mỹ, ku-bô-ta của Nhật… Những việc này nằm trong tầm tay của công nghiệp Việt Nam.

Hội nhập là xu thế tất yếu, nhưng một cuộc cạnh tranh hoàn toàn không cân sức: Một bên là các hộ tiểu nông Việt Nam với quy mô từ 0,3 – 0,5 ha/hộ chia thành 5-9 mảnh ruộng nhỏ. Bên kia là các hộ sản xuất từ 3 - 5 ha của Thái Lan, từ 30 - 50 ha của châu Âu… với công nghệ và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hơn, thưa tiến sĩ?

Tình trạng sản xuất manh mún, nhất là ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, là một hệ thống sản xuất lạc hậu đã tồn tại hàng nghìn năm... Rõ ràng, mở rộng quy mô sản xuất là nhu cầu bức thiết và sống còn trong tương lai. Đây là việc làm không dễ dàng.

Việt Nam đã ban hành chính sách về phát triển kinh tế trang trại, đang khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, khuyến khích chuyện liên kết “4 nhà”, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, cho phép thuê, mướn, liên doanh, liên kết dồn điền, đổi thửa để mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn nên tính đến một quyết sách mạnh mẽ hơn, đủ sức đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng bế tắc mà những nền kinh tế châu Á khác đã không còn cơ hội vượt qua nổi.

Xin cảm ơn tiến sĩ.

 

(Theo Tiền Phong)


Tin khác