Nông dân và doanh nghiệp - Vì sao khó hợp tác?

07/07/2006

NNVN đã có bài viết về sự phát triển trở lại của cây thanh hao hoa vàng trên đất Sóc Sơn (Hà Nội). Điều đáng nói, đến nay loại cây này đã phát triển rầm rộ, nông dân và DN vẫn chưa thực hiện hợp đồng liên kết. Nguy cơ đổ bể, mất cân đối cung cầu sẽ rất khó tránh khỏi.

NNVN đã có bài viết về sự phát triển trở lại của cây thanh hao hoa vàng trên đất Sóc Sơn (Hà Nội). Điều đáng nói, đến nay loại cây này đã phát triển rầm rộ, nông dân và DN vẫn chưa thực hiện hợp đồng liên kết. Nguy cơ đổ bể, mất cân đối cung cầu sẽ rất khó tránh khỏi.|

“Chúng tôi rất muốn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhưng chưa có xã, huyện nào giúp dân làm điều này. Không có hợp đồng nhà máy chúng tôi cũng không thể có vùng nguyên liệu ổn định, còn nông dân sản xuất tự phát khó tránh khỏi cung vượt cầu và dư thừa sản phẩm” - Đó là ý kiến của ông Đường Ngọc Hà, TGĐ Cty TNHH Dược phẩm Sao Kim (KCN Quang Minh - Vĩnh Phúc), nói với chúng tôi về quan hệ bạn hàng giữa nhà máy và công ty ông. Là DN gắn bó với sản phẩm cây thanh hao hoa vàng từ năm 1994, ông Hà cho biết đây là lần thứ 2 diện tích cây thanh hao hoa vàng của nông dân tự phát gieo trồng, lên tới vài ngàn ha ở các tỉnh phía Bắc. Thời kỳ đầu từ năm 1994 đến 1997 thị trường trong nước tiêu thụ lượng không đáng kể, thị trường thế giới chưa được khai thông, sản phẩm dư thừa, nhà chế biến và nông dân cùng thua lỗ. Từ năm 1997 cây thanh hao hoa vàng được vực dậy, khi một số DN trong nước ký kết hợp đồng tiêu thụ được với nước ngoài với sản lượng lớn (CtyTNHH dược phẩm Sao Kim là một trong số các DN này, những năm trước đây khi còn ở vị thế độc tôn, sản phẩm của DN này xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 90 % lượng tinh dầu thanh hao cả nước). Theo ông Hà, khi đã có nhà máy, muốn sản xuất bền vững không thể tách khỏi vùng nguyên liệu. Vì thế, DN của ông có đội ngũ nông vụ lớn, không chỉ xuống với các làng xã hướng dẫn nông dân gieo trồng, thu hoạch và sơ chế sản phẩm mà còn sẵn sàng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Song khi đến với các địa phương, ở Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Hoà Bình… lãnh đạo đón tiếp niềm nở, nhưng khi bàn đến chuyện tổ chức sản xuất thu mua thế nào thì vẫn là chuyện của nhà máy và nông dân. Những năm gần đấy cây thanh hao có giá, ở vùng đồi khô hạn không cấy được lúa và rau màu, nhưng trồng thanh hao đều cho năng suất cao có thu nhập gấp 3-5 lần cấy lúa, vì thế không cần vận động, nông dân tự phát theo nhau mở rộng diện tích thanh hao, điều này rất nguy hại vì năng lực của nhà máy ổn định, hợp đồng xuất khẩu với bạn hàng cũng đã ký kết, nhà máy không thể sản xuất dư thừa, có nghĩa là sẽ không thể mua hết sản phẩm tự phát gieo trồng của nông dân. Nếu nông dân ký kết với nhà máy, trong vùng được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, các vùng khác không có ký kết có thể tìm cây trồng khác. Mong muốn này của nhà máy rất khó thực thi bởi theo ông Ngô Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), nơi có trên 150 ha, chiếm gần 60% diện tích canh tác, thì trừ chi phí rồi cây thanh hao có thu nhập gấp 4-5 lần cấy lúa, thế nên bảo dân trồng cây khác không hề đơn giản. Vậy nên dân cứ trồng tự phát, nổi chìm dân tự chịu, cả huyện và xã chưa lần nào tiếp cận với nhà máy để lo đầu ra cho dân. Chúng tôi hỏi ông Đường Ngọc Hà “Nếu xã và huyện đến đặt vấn đề ký hợp đồng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy thì ông có ký hợp đồng không ?” - Chúng tôi mong muốn quá. Vì sẽ có được vùng nguyên liệu gần nhà máy như ở huyện Sóc Sơn này. Mặt khác, có vùng nguyên liệu ổn định sẽ giúp chúng tôi hoàn thành hợp đồng giao hàng, giữ được uy tín của DN. Nhưng đó mới chỉ là ước muốn của nhà sản xuất thôi, thực tế chả có xã nào huyện nào đứng ra kết nối với nhà máy. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với dân nhưng luôn bị phá bởi khi giá cao thì dân bán ra ngoài, khi giá thấp không ai mua thì đổ về nhà máy, vật tư giống vốn đầu tư cho dân không thu được sản phẩm, nhà máy thua thiệt chẳng có ai phân xử.

Câu chuyện về nhà máy chiết suất tinh dầu thanh hao của Cty TNHH Dược phẩm Sao Kim chẳng khác gì các nhà máy chế biến đường, chế biến dứa ở nước ta hiện nay. Xem ra việc hợp tác giữa nông dân và nhà máy vẫn còn nhiều trắc trở.

(Nguồn tin: NNVN)


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC