Luật Hợp tác xã 2003 những điều cần bàn (kỳ II)

10/07/2006

Thực ra trong nội dung của Luật Hợp tác xã 2003, cũng giống như luật năm 1996, không hề có một quy định nào nói đến việc chuyển đổi các “hợp tác xã kiểu cũ” sang “hợp tác xã kiểu mới”. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức và cách hiểu khác nhau trong đó theo chúng tôi quan trọng nhất chính là các nghị quyết mang tính định hướng

Thực ra trong nội dung của Luật Hợp tác xã 2003, cũng giống như luật năm 1996, không hề có một quy định nào nói đến việc chuyển đổi các “hợp tác xã kiểu cũ” sang “hợp tác xã kiểu mới”. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức và cách hiểu khác nhau trong đó theo chúng tôi quan trọng nhất chính là các nghị quyết mang tính định hướng| của Đảng về vai trò của kinh tế tập thể, của kinh tế hợp tác và của mô hình “hợp tác xã kiểu mới”, đã làm hình thành nên một “phong trào” chuyển đổi các hợp tác xã kiểu cũ sang các hình thức hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã. Vậy thực chất của việc chuyển đổi này là gì? Mặc dù trong tay chúng tôi còn thiếu những nghiên cứu đánh giá có tính tổng thể về hoạt động chuyển đổi này song dựa trên những nghiên cứu đã có mà chúng tôi tiếp cận được, dựa trên các số liệu được công bố chính thức của các cơ quan chức năng và trên cơ sở phân tích có thể rút ra một số nhận xét và câu hỏi sau đây:

- Thứ nhất, chúng ta đều biết rằng hầu như tất cả những hợp tác xã được thành lập trong thời kì kinh tế kế hoạch hóa trước đây đều là những “hợp tác xã toàn xã”, nghĩa là tất cả các gia đình trong một xã đều là thành viên của hợp tác xã. Điều này đặc biệt phổ biến ở miền Bắc và miền Trung, những nơi mà các đợt cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong khu vực nông nghiệp đã được tiến hành một cách “triệt để” nhất, với việc hình thành nên các “hợp tác xã bậc cao”. Việc ra nhập các hợp tác xã toàn xã này trong giai đoạn trước đây, như chính các cơ quan quản lý thừa nhận và các nghiên cứu đã chỉ ra, là trái với nguyện vọng của người nông dân, chủ yếu dựa trên việc tập thể hóa một cách gượng ép, nếu không muốn nói là “cưỡng bức”, tư liệu sản xuất của hộ gia đình. Phân tích dưới góc độ khoa học, thì việc hợp tác hóa đã không xuất phát từ nhu cầu hợp tác của người nông dân, nhu cầu hợp tác này lại do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định (nếu ta coi quan hệ hợp tác là một hình thức của quan hệ sản xuất) chứ không phải do các quyết định mang tính hành chính xuất phát từ các mục tiêu chính trị quyết định.

Như vậy, nếu đặt ra việc tiếp tục duy trì những hợp tác xã toàn xã này thì vấn đề cơ bản cần phải xét đến là: (1) Xác định xem chúng có xuất phát từ nhu cầu hợp tác của người dân hay không. Muốn biết được điều này thì không có cách nào khác là phải hỏi chính người nông dân và các nhóm xã hội khác ở nông thôn bởi hợp tác xã là tổ chức của họ, được xây dựng nên vì họ và bởi chính họ. (2) Xác định xem nhu cầu hợp tác của người dân ở từng địa bàn cụ thể đã đạt đến mức độ/trình độ nào để từ đó có hình thức và cấp độ tổ chức hợp lý, chứ không phải là việc thay đổi hình thức tổ chức thuần túy dựa trên quy mô như cũ. Chỉ cần một phép tính cơ bản về quy mô kinh tế-xã hội trung bình của một xã (chẳng hạn theo đơn vị là hộ gia đình) và phân tích tính chất phát triển của hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay sẽ thấy được ngay mức độ tương thích giữa nhu cầu hợp tác với hình thức và quy mô tổ chức quan hệ kinh tế hợp tác mà chúng ta đang duy trì.

- Thứ hai, cho dù là đã chuyển đổi sang “hợp tác xã kiểu mới” thì câu hỏi đặt ra là cơ sở kinh tế-xã hội của các hợp tác xã này là gì? Nói cách khác, trong khi hầu như tất cả các tư liệu sản xuất đã được giao về cho hộ gia đình (dù còn ở mức hạn chế) thì những hợp tác xã này sẽ hoạt động trên cơ sở gì? Các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước đều nêu rất rõ mục tiêu hoạt động của các hợp tác xã này: làm các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho kinh tế hộ gia đình. Nói cách khác, đó là các hợp tác xã dịch vụ. Có thể thấy rất rõ hai điểm hạn chế sau đây liên quan đến chức năng của hợp tác xã mà chúng ta đang hướng tới: (1) Nếu chỉ làm dịch vụ thì rõ ràng là chưa thấy hết, chưa phát huy đầy đủ vai trò của kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã nói riêng. Bởi lẽ bản chất của kinh tế hợp tác nói chung và các hợp tác xã nói riêng không chỉ dừng lại ở việc làm dịch vụ. (2) Mặt khác, các hợp tác xã này sẽ cạnh tranh như thế nào với các loại hình kinh tế khác để có thể cung cấp được những dịch vụ có tính cạnh tranh cao trong điều kiện của nền kinh tế thị trường? Một hợp tác xã nếu được xây dựng mà không xuất phát từ chính nhu cầu thiết thân của những thành viên của nó, và lại không được tổ chức ở một quy mô hợp lý thì khó có thể hoạt động dịch vụ được hiệu quả cho chính các thành viên của nó chứ chưa nói cho cộng đồng nói chung.

Bảng 2. Hoạt động dịch vụ của HTX Nông nghiệp

Vùng, miền

Tổng số HTX

Thủy lợi

Tiêu thụ

Điện

Khuyến nông

Tín dụng nội bộ

Khác

Bắc Trung Bộ

1591

1464

10

914

828

137

997

ĐBSCL

764

370

17

9

106

65

29

ĐHSH

3463

3236

16

1840

2154

102

2560

DH Nam Trung Bộ

707

636

11

418

263

237

191

Đông Bắc

1010

630

61

348

308

67

324

Đông Nam Bộ

282

107

13

19

37

54

51

Tây Bắc

305

191

6

20

102

10

117

Tây Nguyên

200

69

28

31

56

24

62

Tổng

8322

6703

162

3599

3854

696

4331

Tỉ lệ

80,5%

2%

43,2%

46,3%

8,4%

52%

(Nguồn: Cục HTX&PTNT, Bộ NN&PTNT, 2006, đã dẫn.)

Bảng trên cũng cho thấy rất rõ rằng “chủng loại” dịch vụ mà các hợp tác xã nông nghiệp cung ứng rất nghèo nàn, tập trung chủ yếu vào những dịch vụ thiếu tính cạnh tranh như thủy lợi (trên 80%), điện (trên 43%), hoặc mang tính chất “bao cấp” như khuyến nông (trên 46%). Trong khi đó, những dịch vụ cơ bản nhất cho hoạt động nông nghiệp của hộ gia đình liên quan đến đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi, kiến thức sản xuất… và đầu ra như tiêu thụ nông sản, chế biến và bảo quản nông sản, … lại hoàn toàn bỏ trống.

Vậy vì sao những "hợp tác xã kiểu cũ” này vẫn được khuyến khích chuyển đổi sang hình thức “hợp tác xã kiểu mới? Ai được hưởng lợi từ chính sách này và đặc điểm, mức độ hưởng lợi từ chính sách đó ra sao? Theo chúng tôi ở đây có ba giả định:

Thứ nhất, đứng về phía người dân và các hộ gia đình, có thể nói rằng việc duy trì hay không duy trì các hợp tác xã kiểu cũ (hay đã được chuyển đổi sang kiểu mới) này trong giai đoạn hiện nay không có ảnh hưởng gì nhiều lắm đến đời sống của họ. Lý do là hầu như tất cả mọi tư liệu sản xuất đã được trả về cho hộ gia đình, và chính hộ gia đình phải tự lo mọi khâu sản xuất từ đầu vào cho đến đầu ra. Hợp tác xã không còn có khả năng quyết định các hoạt động kinh tế của hộ gia đình. Nhưng cũng sẽ không hề bất ngờ nếu người dân tại các vùng hợp tác xã toàn xã này vẫn cứ đăng ký là thành viên của hợp tác xã. Tại sao lại như vậy? Tâm lý của người dân ở chỗ này là: Nếu như sự tồn tại hay không của hợp tác xã không có ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống của họ, thì họ vẫn có thể hi vọng nhận được một “cái gì đó” từ các hợp tác xã này nếu như vẫn còn là thành viên hợp tác xã. Nói cho chính xác thì người ta vẫn hi vọng nhận được cái gì đó từ nhà nước thông qua hợp tác xã. Không ai dại gì ra khỏi hợp tác xã, nếu như việc đó cũng không mang lại điều gì, trong khi lại vẫn có thể nhận được hỗ trợ điều gì đó khi đăng ký là thành viên hợp tác xã. Chính ở điểm then chốt này mà chúng ta phải đặt câu hỏi về bản chất thực sự của những hợp tác xã kiểu cũ (hay đã được chuyển đổi thành hợp tác xã kiểu mới) này? Đó là hợp tác xã với tư cách là một tổ chức kinh tế-xã hội của người dân, trước hết là của nông dân, hay một hình thức quản lý và hỗ trợ của nhà nước? Chức năng nào trong số các chức năng kinh tế, chức năng xã hội hay chức năng hành chính mới là chức năng cơ bản của hợp tác xã? Không trả lời được câu hỏi này, không thể có hợp tác xã thực sự.

Thứ hai, đứng về phía chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở các địa phương, việc duy trì các hợp tác xã kiểu cũ và/hoặc chuyển đổi chúng về mặt hình thức sang hợp tác xã kiểu mới góp phần củng cố tổ chức kinh tế-xã hội ở địa phương (theo nghĩa quản lý chặt hơn) và, cũng như người dân, duy trì một kênh nhận được sự hỗ trợ của nhà nước nhiều hơn. Đương nhiên, đây chỉ là một giả thuyết song chúng tôi cũng cho rằng nó có thể là môt hiện tượng phổ biến. Liệu có điểm gì khác biệt nếu như chúng ta thay đổi tên gọi của các hợp tác xã này hoặc chuyển giao các chức năng chính mà chúng đang đảm nhiệm (thủy lợi, điện, thu thuế, quản lý đất sản xuất, thủy lợi nội đồng, v.v..) cho những bộ phận quản lý hoặc chuyên môn khác ở cấp địa phương (như khuyến nông, thủy nông, phòng thuế, phòng địa chính v.v..)? Chúng tôi cho là không.

Thứ ba, đứng về phía nhà nước, có thể vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa mục đích phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, với tư cách là một hình thức tổ chức của kinh tế tập thể, với cách thức xây dựng hình thức tổ chức kinh tế tập thể này. Thay vì để cho người dân tự quyết định đâu là hình thức và cấp độ tổ chức kinh tế hợp tác phù hợp với nhu cầu, năng lực của họ thì chúng ta vẫn duy trì một hệ thống tổ chức kinh tế hợp tác mà bản thân chúng vốn giả định rằng năng lực và nhu cầu hợp tác của các thành viên đã đạt đến một trình độ nhất định, mặt khác, việc thành lập các hợp tác xã trước đây là không xuất phát từ nguyện vọng của người dân.

Cũng có thể giả định rằng đang tồn tại một sự lúng túng trong việc xây dựng một mô hình lý thuyết về kinh tế hợp tác phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường và trong việc giải quyết các vấn đề về hệ thống tổ chức kinh tế-xã hội trong nông nghiệp, nông thôn mà thời kì kinh tế kế hoạch hóa trước đây để lại. Một cách tất yếu, giải pháp cho tình thế “lưỡng nan” này là phải cố gắng “chuyển đổi” và duy trì hệ thống hợp tác xã kiểu cũ sang “kiểu mới” vừa để tránh tạo một khoảng trống quá lớn về mặt thể chế trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và cũng là để “thỏa mãn” cho những vấn đề lý thuyết gặp phải trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” của khu vực này. Chúng tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng “mục tiêu kép” của các luật hợp tác xã như đã nói ở trên.

Nhưng hệ quả của thực trạng này, nếu chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, là nó đang góp phần duy trì một cách dai dẳng hơn những “ấn tượng” không mấy thiện cảm của người dân nói chung và người nông dân nói riêng về mô hình hợp tác xã của thời kì tập thể hóa trước đây, về kinh tế tập thể, v.v… Những “ấn tượng” này còn tồn tại bởi cơ sở “tồn tại xã hội” của chúng vẫn tiếp tục được duy trì-những hợp tác xã kiểu mới được chuyển đổi mà không thực sự xuất phát từ nhu cầu hợp tác của người nông dân, không giúp ích được gì nhiều cho kinh tế hộ gia đình. Điều này, đến lượt nó, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chính mục tiêu xây dựng kinh tế hợp tác và hợp tác xã như là những hình thức chủ yếu của thành phần kinh tế tập thể mà chúng ta đang cố gắng tạo dựng. Những ảnh hưởng này không dễ gì tính toán được và dường như chưa có nghiên cứu nào phân tích khía cạnh này.

(Nguồn: Cục HTX&PTNT, Bộ NN&PTNT, 2006, đã dẫn.)

Ngô Vi Dũng

Theo dòng sự kiện:

Luật Hợp tác xã 2003 những điều cần bàn (Kỳ I)

Tin khác