“Phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ giúp tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, là bước đệm để xây dựng Việt Nam thành trung tâm chế biến của thế giới”.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
|
Cơ sở chế biến chè đa phần quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu |
PV: Ông đánh giá như thế nào về công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản của Việt Nam?
- TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại. Từ năm 2005 đến 2012, thủy sản xuất khẩu (XK) tăng từ 634 ngàn tấn lên 1.400 ngàn tấn, xay xát gạo quy mô công nghiệp tăng từ 8 triệu tấn lên 10 triệu tấn quy gạo…
Bên cạnh đó, hệ thống chế biến công nghiệp phát triển cả về số lượng, công suất và công nghệ. Năm 2013, cả nước có trên 6.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động… Một số ngành hàng XK sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như các cơ sở chế biến nông sản của Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Số doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này còn ít, đầu tư cho nâng cấp và chuyển đổi khoa học công nghệ hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện quy trình chế biến còn nhiều hạn chế…
Vì vậy, các sản phẩm sơ chế, các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn còn chiếm một tỷ trọng lớn trong XK nông sản; giá thấp và thường xuyên phải đối diện với rủi ro tác động tiêu cực từ thị trường thế giới.
|
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn |
PV: Theo ông, đâu là thách thức và cơ hội đối với ngành chế biến nông sản của Việt Nam trong tương lai?
- TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Thách thức lớn nhất ở đây là xây dựng thương hiệu chất lượng cao cho nông sản Việt Nam, bắt đầu từ chế biến nông sản để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản của thế giới.
Cụ thể, thực tế, nông sản Việt Nam đang có một loạt những lo ngại về an toàn thực phẩm. Không những vậy, phần nhiều nông sản XK của Việt Nam là “vô hình” đối với đa số người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài…
Cơ hội là cùng với quá trình phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng và chi tiêu lương thực thực phẩm dần chuyển sang lương thực thực phẩm có giá trị cao hơn. Tỷ trọng GDP của công nghiệp chế biến nông sản có thể tăng lên và tiến đến chiếm tỷ lệ cao hơn trong GDP so với nông nghiệp cơ bản. Việt Nam có thể kỳ vọng các dịch vụ công nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp chiếm gấp đôi hoặc nhiều hơn GDP nông nghiệp trong thập kỷ tới, khi thu nhập tiếp tục tăng lên và các hình thái tiêu dùng lương thực phẩm thay đổi hơn nữa.
PV: Để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông, thời gian tới cần phải có những chính sách quan trọng gì?
- TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Trước tiên, chúng ta phải định hướng phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp là tiền đề xây dựng Việt Nam thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
Theo đó, chúng ta cần phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà Việt Nam có lợi thế sản xuất, có nguyên liệu và thu hút nhiều lao động như chế biến gỗ, hạt điều, thủy sản…kết hợp với tổ chức sản xuất nguyên liệu, quy hoạch các vùng nguyên liệu chuyên canh có cơ sở hạ tầng và hình thức tổ chức sản xuất gắn bó với nhà máy chế biến hoặc các kênh nhập khẩu nguyên liệu ổn định để đảm bảo quy mô sản xuất lâu dài.
Phát triển từ sơ chế đến chế biến sâu đối với những ngành hàng cho đến nay vẫn XK nguyên liệu thô như lúa gạo, cà phê, cao su… Nghiên cứu khả năng đầu tư những ngành công nghiệp chế biến có giá trị cao mà Việt Nam có tiềm năng phát triển và có thị trường như rau quả, thủy sản…
Khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phế phụ phẩm, áp dụng công nghiệp hiện đại, làm ra các sản phẩm có giá trị cao, mở ra hướng mới về phát triển thị trường bằng việc áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt như cấp và cho thuê đất, vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế… để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển công nghiệp chế biến.
Phát triển quy trình chế biến hoàn chỉnh cho những ngành hàng vẫn XK nguyên liệu thô như lúa gạo, rau quả, cà phê, hạt tiêu… từ khâu phân loại, bảo quản đến chế biến thô, chế biến công nghiệp và chế biến sâu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Sau khi tinh chế, giá trị của nông sản có thể tăng từ 4 - 10 lần so với sản phẩm thô. Công nghiệp chế biến góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, làm giảm sự phụ thuộc vào yếu tố thời gian và khoảng cách đối với tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. |
Theo Thời báo Tài chính