Cà phê Việt Nam “một mình một chợ” vẫn rớt giá

04/12/2015

Tại Diễn đàn “Triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015” do Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức, hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan đến ngành cà phê đã được đề cập.

Mặc dù Việt Nam vẫn giữ vị trị thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng tính đến tháng 11/2015 xuất khẩu cà phê tụt giảm cả về lượng và giá trị. Theo ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu được 1,13 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, giảm 28% về lượng và 30% về giá trị.

Nhiều vấn đề nóng về cây cà phê được thảo luận tại diễn đàn

Hiện nay, giá cà phê hạt của Việt Nam ở mức 33.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 2 năm nay. Việc giá cà phê xuống thấp dưới 35.000 đồng/kg từ nửa năm nay khiến nông dân không có lãi. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2015, đã có khoảng 30.000ha cà phê, chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã được bà con nông dân chuyển sang trồng hồ tiêu và các loại cây ăn quả.

Theo thông tin từ phía các nhà quản lý và các doanh nghiệp, hiện nay các nước có sản phẩm cà phê cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam như Brazil, Colombia, Indonesia, đã hầu như bán hết hàng. Sản phẩm cà phê của Việt Nam trên sàn giao dịch Luân Đôn và trên thị trường thế giới hiện nay được ví như “một mình một chợ”. Tuy vậy, không những giá cà phê của nước ta không tăng mà còn bị giảm thê thảm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, nguyên nhân do thị trường nước ngoài đưa tin đồn Việt Nam còn lượng tồn kho quá lớn, thậm chí được mùa trong niên vụ năm nay. Mặc dù Vicofa đã cảnh báo thông tin đó không chính xác nhưng trên thị trường thế giới vẫn đang đi theo xu hướng này. Bên cạnh đó, việc các nước như Brazil, Colombia phá giá đồng tiền nên góp phần thúc đẩy tình hình xuất khẩu của các nước này tăng mạnh. Điều này đã giúp thị phần xuất khẩu cà phê của Brazil tăng từ 31% trong năm 2014 lên 33% vào năm nay; Colombia cũng tăng từ 9% lên 11%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên là do giá cà phê trong nước luôn cao hơn giá cà phê trên thị trường thế giới. Trong khi đó, chúng ta chủ yếu xuất khẩu cà phê ở dạng thô nên sức cạnh tranh thấp.

“Một mình một chợ” nhưng cà phê Việt Nam vẫn bị rớt giá

Ông Nam lo ngại, khi giá cà phê đang xuống, diện tích tái canh đang giảm dần vì người dân không còn mặn mà. Vấn đề đặt ra là nếu không có giải pháp thì có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa, trong niên vụ tới 2015-2016, giá không đột biến cao nhưng ngành cà phê sẽ đứng trước khó khăn do biến đổi khí hậu. Ông Hải đánh giá, sản lượng niên vụ này thấp hơn 15-20% so với niên vụ 2014-2015, đạt khoảng 1,3-1,4 triệu tấn và chất lượng cũng giảm hơn vụ trước.

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, các chuyên gia kinh tế đề nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê trong nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo bà con nông dân cố gắng giữ lại cà phê mới thu hoạch trong một thời gian nữa, không nên bán ồ ạt cà phê nhân vào thời điểm này. Bà con nông dân cũng nên tái canh diện tích cao su theo đúng mùa vụ, không nên chuyển đổi sang trồng loại cây khác.

Ông Hải cho rằng, những khó khăn hiện nay đòi hỏi từ người nông dân, doanh nghiệp đến những người làm các khâu dịch vụ, xuất nhập khẩu đều phải làm tất cả các biện pháp để đảm bảo được quy chuẩn quốc tế. Điều quan trọng nhất là phải làm sao đảm bảo được chất lượng nhưng phải hạ giá thành thì cà phê của chúng ta mới tham gia được vào thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, việc thực hiện tái canh cây cà phê hiện nay cần phải xác định được diện tích tái canh cà phê ở các mức độ luân canh khác nhau, lập cơ sở dữ liệu cho tái canh.  

Ông Đức cho rằng, tái canh cà phê là vấn đề lớn có khó khăn về kỹ thuật, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Đây là thách thức lớn về kỹ thuật, nguồn vốn và tổ chức sản xuất. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt dự án giống cà phê cho Viện KHKT NLN Tây Nguyên để chuyển giao nhanh giống đầu dòng cho các địa phương, bên canh đó, nhiều địa phương đã xây dựng vườn đầu dòng, vườn ươm…

Để việc tái canh cà phê đạt hiệu quả, ông Đức đề nghị: Các địa phương cần thành lập ban chỉ đạo tái canh cà phê đồng thời tổ chức một số hội nghị tổng kết các mô hình tái canh cà phê để các địa phương, doanh nghiệp rút kinh nghiệm nhân rộng để tái canh cà phê có hiệu quả hơn. Biên soạn bộ tài liệu phát triển cà phê bền vững; trong đó có tài liệu cho tập huấn tái canh cà phê; Phê duyệt Đề tài nghiên cứu nguyên nhân chính gây chết cà phê tái canh và đề xuất giải pháp khắc phục để cập nhật quy trình tái canh…

Về vấn đề chế biến, đại diện Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, bà Võ Thị Lý cho rằng, hiện trạng chế biến cà phê Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế:  Liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ còn lỏng lẻo, khó quản lý chất lượng nguyên liệu, tổn thất cao. Các nhà máy chế biến cà phê nhân có công suất hoạt động thực tế rất thấp so với thiết kế dẫn đến lãng phí vốn đầu tư. Chế biến cà phê bột phát triển ồ ạt, tự phát, công suất thực tế thấp, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm

Theo bà Lý, các nhà máy sản xuất cà phê rang xay hiện nay mới chỉ đạt 36.000 tấn/năm (bằng 70% so với công suất thiết kế), dự kiến đến năm 2020 đạt 50.000 tấn/năm (trên 90% công suất thiết kế).

“Các nhà máy cần nâng cao công suất thực tế và chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm cà phê, đồng thời tăng tỷ lệ sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao (cà phê hòa tan rất thấp: 5% so với tổng lượng sản phẩm cà phê)”. Bà Lý đề nghị.

Theo Đề án tái canh cà phê, từ 2014 - 2020 tái canh khoảng 120 ngàn ha, trong đó, tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha, tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng: 45.600 ha, tái canh 22.600 ha, ghép cải tạo 23.000 ha; Đắk Lắk: 29.600 ha, tái canh 27.600 ha, ghép cải tạo 2.000 ha; Đắk Nông: 24.500 ha, tái canh 22.000 ha, ghép cải tạo 2.500 ha; Gia Lai: 17.800 ha, tái canh 15.300 ha, ghép cải tạo 2.500 ha; Kon Tum: tái canh 2.500 ha.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác