Rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần thu hút đầu tư

14/12/2015

Thực hiện chủ trương “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013.

Mục tiêu của đề án tập trung vào duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn và phát triển bền vững. Các nội dung đột phá chính của tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tăng cường hàm lượng KHCN thay vì khai thác tài nguyên, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, thu hút đầu tư doanh nghiệp, phát triển liên kết chuỗi giá trị nối kết giữa sản xuất và thị trường...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát (giữa) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) - Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (trái) chủ trì Hội thảo

Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo xây dựng và ban hành 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực (Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Chế biến nông lâm thủy sản và muối) và 6 kế hoạch chuyên đề thực hiện các giải pháp, đó là: (1) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách; (2) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; (3) Đổi  mới và tăng cường công tác khoa học công nghệ; (4) Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (5) Đổi mới cơ cấu, cơ chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và (6) Kiện toàn hệ thống, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ngành. Giải pháp đột phá tập trung vào 2 khâu chính yếu là tổ chức lại sản xuất – kinh doanh theo chuỗi giá trị và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đối với tất cả các khâu trong chuỗi.

Tuy nhiên sau 2 năm thực hiện, một số yếu kém, bất cập đã bắt đầu bộc lộ. Nhiều địa phương triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành còn chưa đồng bộ, chưa quyết liệt; nhận thức về tái cơ cấu còn chậm và chưa đầy đủ ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực; hình thức tổ chức sản xuất chậm được đổi mới; hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao; sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế... Các cơ chế chính sách cũng thể hiện những khó khăn vướng mắc cần phải tích cực tháo gỡ để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương này. Có thể kể đến một số nhóm chính sách lớn như: đất đai, tài khóa, tiền tệ và thương mại.

Với nhu cầu cấp thiết đó, ngày 12/12/2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo ”Đánh giá cơ chế, chính sách phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần thu hút đầu tư” nhằm rà soát xác định những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các nhóm chính sách lớn trong thời gian qua và tổng quan các bài học kinh nghiệm thực hiện và giải quyết vấn đề cho các nhóm chính sách đất đai, tài khóa, tiền tệ, thương mại của các nước khác trên thế giới cũng như thực tiễn của Việt Nam để đề xuất các giải pháp chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo 

Trong hội nghị, các diễn giả và chuyên gia đã trình bày báo cáo, góp ý và đưa ra những gợi ý quan trọng. Một số kết luận quan trọng từ hội thảo:

Không thể đổi mới nền nông nghiệp và tái cơ cấu thành công nếu không có sự đổi mới tương đồng ở tầm vĩ mô trong các nhóm chính sách lớn.

Đối với đất đai: thị trường đất đai là vấn đề lớn cần phải thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng chính sách đất lúa cần linh hoạt, vừa đảm bảo ANLT, vừa tăng thu nhập của người nông dân.

Đối với tín dụng: cần có chính sách khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay nhiều hơn trong nông nghệp. Cần nghiên cứu chính sách phát triển cho vay theo chuỗi, tổng kết chính sách hiện hành, phát triển hình thức cho thuê tài chính như là một kênh quan trọng để huy động cho nguồn lực nông nghiệp nông thôn, phát triển bảo hiểm nông nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo 

Về chi tiêu công: cần tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu về chi tiêu công, từ đó tổng kết, gợi ý chính sách và báo cáo với Chính phủ.

Về thuế và phí: cần tiến hành tổng kết, đánh giá sâu hơn để thấy được tác động của thuế phí, có đề xuất điều chỉnh lại. Cần sử dụng thuế phí như một động lực để khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực, nhưng không quay trở lại hình thức bao cấp.

Về chính sách thương mại, cần nghiên cứu sâu hơn về mức độ bảo hộ thực trong nông nghiệp. Với quan điểm mở cửa thị trường và hội nhập vào nền kinh tế thế giới là xu thế tất yếu, nông nghiệp Việt Nam chỉ có con đường là nâng cao khả năng cạnh tranh để hội nhập, tận dụng cơ hội, tạo việc làm nhiều hơn cho người dân.

Để có thể đưa các gợi ý chính sách này sớm thành hiện thực thì cần một khung chính sách đồng bộ, không nhỏ lẻ rời rạc, cần có kết nối chính sách liên ngành và nội ngành.

Bộ Nông nghiệp mong đợi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan trong và ngoài nước trong việc tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đề xuất đổi mới chính sách, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên thực tiễn.

IPSARD


Tin khác