Lâm Đồng đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách, đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.
Các tỉnh Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn gay gắt khi nhiều tháng qua không có mưa. Tại tỉnh Lâm Đồng, do chủ động nguồn nước và áp dụng nhiều biện pháp cấp bách, đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nên tỉnh này cơ bản đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.
|
Trồng dâu sạch tưới nhỏ giọt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. |
Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã đưa Lâm Đồng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và GloboGap.
Nhiều sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hóa nên xuất khẩu nông sản hiện chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thông qua chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nhiều nông dân và doanh nghiệp làm giàu.
Đây cũng là hướng đi giúp Lâm Đồng thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hiện thu nhập bình quân mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt trên 45 triệu đồng/ha; riêng những vùng trồng rau, hoa trong nhà kính của các doanh nghiệp, hộ dân có thể đạt thu nhập 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Trong thời điểm hạn gay gắt hiện nay, những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ của tỉnh bị ảnh hưởng không nhiều.
|
Trồng cà chua sạch trong nhà kính tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. |
Tại thành phố Đà Lạt và các huyện trọng điểm nông nghiệp công nghệ cao như Đức Trọng, Đơn Dương…, nhiều nông dân và doanh nghiệp đang canh tác mô hình trồng rau, hoa quả trong nhà kính. Đây là mô hình áp dụng công nghệ hiện đại theo hướng tự động hóa và điện khí hóa.
Chính vì vậy, việc cung cấp nguồn điện ổn định là yếu tố quyết định thành công và hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Thời gian qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tăng cường nguồn lực và áp dụng nhiều công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng điện áp, cung cấp điện liên tục và ổn định, đặc biệt, giai đoạn cao điểm mùa khô hiện nay, Điện lực Lâm Đồng tăng cường thêm 100 trạm biến áp; đồng thời vận động nhân dân tưới luân phiên nhằm tránh quá tải lưới điện, đảm bảo đủ điện phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, thực hiện mục tiêu xây dựng Lâm Đồng thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, ngành điện đã chủ động xây dựng các đường dây 110 KV, 22 KV đến các khu vực được quy hoạch; thực hiện phương án cung cấp đủ điện 3 pha cho các hộ dân và doanh nghiệp sản xuất rau, hoa quả bằng công nghệ tưới tiết kiệm, thông gió, chiếu sáng trong nhà kính.
Ông Dũng nói: “Điện ở đây người ta phải dùng liên tục như trồng hoa cúc, các loại rau màu. Nếu mất điện trong vài tiếng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, chúng tôi bố trí người trực cũng như dự phòng các trang thiết bị, xử lý khi sự cố xảy ra một cách nhanh nhất. Khi ngừng, giảm cung cấp điện phải thông báo ngay cho người dân, doanh nghiệp chủ động sản xuất hợp lý”.
Với hệ thống nhà lồng kính rộng trên 100 ha, chiếm một nửa diện tích đất trồng hoa hiện có, Công ty Hoa Dalat Hasfarm tại huyện Đơn Dương hiện là một trong những khách hàng thân thiết của Điện lực Lâm Đồng.
Điện đã tham gia trong tất cả các công đoạn sản xuất của công ty từ việc đóng mở nhà kính, việc bơm tưới nước tự động, việc vận hành hệ thống thông gió, chiếu sáng, hệ thống kho lạnh… Tổng chi phí điện cho sản xuất của đơn vị trung bình trên 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Vũ Quốc Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Hoa Dalat Hasfarm cho biết, đây là doanh nghiệp sản xuất theo quy trình tự động hóa, sử dụng nhiều thiết bị cảm ứng. Do vậy chất lượng điện áp những năm trước đây là vấn đề đau đầu của công ty, nhưng nay nguồn điện cung cấp rất ổn định.
Ông Việt nói: “Trước đây tần suất cắt điện xảy ra liên tục, doanh nghiệp hao tổn rất nhiều chi phí để chạy máy phát điện dự phòng. Nhưng thời gian gần đây, tần suất cắt điện rất ít. Khi xảy ra các sự cố về điện được xử lý nhanh gọn, điện đóng lưới rất kịp thời. Qua đó, chi phí của doanh nghiệp phải bỏ ra để chạy máy phát điện dự phòng được giảm nhiều”.
Bên những luống cà chua chín mọng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, có giá bán từ 50.000 – 80.000 đồng/1kg, bà Lê Thị Vũ, chủ trang trại liên kết trồng rau, quả trong nhà kính ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cho hay: Cũng trên mảnh đất này, trước đây canh tác tự nhiên nên hiệu quả kinh tế thấp, nhiều vụ mất trắng chỉ biết kêu trời.
Từ ngày xây dựng nhà lồng, sử dụng hệ thống tưới phun sương và tưới tiết kiệm bằng ống đẳng áp, tuy phải đầu tư vốn khá lớn nhưng yên tâm không bị thời tiết đe dọa hay sâu bệnh phá hại. Vì vậy, thu nhập của gia đình bà tăng lên đáng kể.
Bà Vũ nói: “Mạng lưới điện phục vụ rất tốt cho nhu cầu của nông dân. Nguyên cả hệ thống này, nếu không có điện tốt mình không thể sản xuất được theo những quy trình công nghệ cao. Nếu mất điện các cây trồng trong nhà kính sẽ héo, sẽ hỏng sản phẩm. Nhờ điện lực cung cấp nguồn điện tốt nên tôi mới làm được công nghệ này”.
Với tổng diện tích trên 300.000 ha đất nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 55.000 ha trồng rau sạch, sản lượng đạt 2,5 triệu tấn mỗi năm, chiếm 11% lượng rau cả nước.
Lâm Đồng hiện là địa phương chiếm đến 45% sản lượng hoa cắt cành cả nước với hơn 2,7 tỷ cành mỗi năm, trong đó 74% dành cho xuất khẩu. Những con số trên đây đã khẳng định hiệu quả của việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng, đặc biệt trong giai đoạn hạn diễn biến gay gắt hiện nay./.
Theo Kinh tế nông thôn