Tham dự diễn đàn có đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi và nông dân trên địa bàn các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình...
Tiềm năng kinh tế lớn
Mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng thụ tinh nhân tạo triển khai tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: B.T.N
TS Nguyễn Trung Kiên - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng căn cứ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đa dạng trong và ngoài nước, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chăn nuôi bền vững.
|
Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các tỉnh miền Bắc có số đầu gia súc, gia cầm, các sản phẩm chăn nuôi và giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước. Trong đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng tập trung nhiều chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm; các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc ngoài chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm thì chăn nuôi trâu chiếm tỷ trọng cao nhất so với các vùng khác.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và giá thực tế, ước tính tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi của các tỉnh miền Bắc năm 2015 là 122,94 ngàn tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của cả nước. Trong cơ cấu giá trị các sản phẩm chăn nuôi của miền Bắc, giá trị của thịt lợn xuất chuồng chiếm cao nhất là 69,3%, tiếp đến là thịt gia cầm 15,4%; trứng gia cầm 6,9%; thịt bò 4,2%; thịt trâu 2,9% và sữa bò 1,2% (trong đó cơ cấu tương ứng của cả nước là 64,9%; 14,6%; 6,3%; 8,8%; 2,6% và 2,8%).
Tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ về giá trị thịt lợn chiếm 70,9%, thịt gia cầm 15,8% và trứng gia cầm 8,4%, cao hơn trung bình của cả nước (cả nước tương ứng là 64,9%; 14,6%; 6,3%). Tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ giá trị thịt trâu 7,0% và thịt gia cầm 14,7% là cao hơn trung bình của cả nước - tương ứng là 2,6% và 14,6%.
Nâng cao chất lượng chăn nuôi
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong những năm vừa qua hoạt động khuyến nông triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc, hạn hán tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và xâm hạn mặn tại các tỉnh vùng ĐBSCL... Đầu tư công của Chính phủ cho hoạt động khuyến nông cũng hạn chế.
Tuy nhiên, bà Hạnh khẳng định, với tinh thần làm việc trách nhiệm, nỗ lực, các hoạt động trong những năm vừa qua do Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã có tác động tích cực nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc gia cầm. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2013 trung tâm đã triển khai và quản lý 10 dự án khuyến nông trung ương lĩnh vực chăn nuôi, quy mô gần 520.000 con, với 6.029 hộ tham gia. Các dụ án đã tập huấn kỹ thuật cho 23.816 lượt người trong và ngoài mô hình; tổ chức cho 12.443 lượt người tham quan mô hình. Nhiều dự án đã được nhân rộng như “Chăn nuôi bò cái sinh sản”; “Phát triển kỹ thuật chăn nuôi và vỗ béo gia súc lớn”; “Cải tạo đàn trâu”...
Giai đoạn 2012 - 2016 có 7 dự án được triển khai, với quy mô 249.193 con, 7.714 hộ tham gia, trong đó có những dự án như: “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ”; “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ”...
TS Nguyễn Trung Kiên - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng căn cứ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đa dạng trong và ngoài nước, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chăn nuôi bền vững. Trong đó, phải tập trung nâng cao hiệu quả chăn nuôi về các mặt, chất lượng, độ an toàn và đảm bảo trơn tru trong khâu tiêu thụ. Cần phải xây dựng tính minh bạch trong hệ thống thông tin thị trường, đặc biệt là cập nhật và hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuân chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nuôi trồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...