|
Thực hiện Luật 71, nông dân không được lợi, còn doanh nghiệp phân bón kêu thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Doãn Hùng, TGĐ Cty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, theo Luật 71, vì phân bón không chịu thuế VAT, toàn bộ thuế VAT đầu vào sản xuất mặt hàng này như máy móc, vận chuyển, vật tư, chi phí lao động và xây dựng nhà xưởng… không được khấu trừ.
Lợi bất cập hại
“Theo tính toán, với mức bình quân khoảng 6,5-7% thuế VAT không được khấu trừ, DN buộc phải đẩy vào giá thành, giá phân bị đẩy cao hơn và nông dân phải gánh chịu. Vì thế, việc giảm 5% thuế VAT cho nông dân chỉ có ý nghĩa hình thức”- ông Hùng nói. TGĐ Đạm Hà Bắc cũng cho rằng, tác động của Luật 71 cũng như việc phân bón nhập khẩu gia tăng khiến DN này giảm 30-40% công suất, giá bán urê giảm 20%. Tính cả năm 2015 và nửa đầu năm 2016, Đạm Hà Bắc thiệt hại gần 900 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do Luật 71 là 15%.
Về tác động của Luật 71, ông Phạm Quang Tuyến, TGĐ Cty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao cho biết, sản lượng mỗi năm của công ty tới 1,3 triệu tấn. Ước tính sản lượng năm nay giảm 20% so với năm ngoái, lợi nhuận không còn. “Thông thường, lợi nhuận của chúng tôi đến thời điểm này phải được 200 tỷ, nhưng nay chưa được 100 tỷ đồng, bán bao nhiêu mất lợi nhuận bấy nhiêu. Tiền nộp thuế cũng giảm, đúng là đau đủ đường”- ông Tuyến nói.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), việc bỏ 5% thuế VAT của Luật 71 đã khiến phân bón nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh. Năm 2015 (năm Luật 71 bắt đầu có hiệu lực), cả nước nhập khẩu trên 650.000 tấn urê, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. Còn 7 tháng đầu năm 2016, lượng urê nhập về khoảng 500 nghìn tấn, tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Lượng phân bón nhập về tăng vọt khiến nhiều DN sản xuất trong nước phải giảm công suất tối đa… Như Đạm Ninh Bình công suất từ 550.000 tấn giảm còn 150.000 tấn nhưng hàng không bán được. Thiệt hại năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 là trên 2.040 tỷ đồng (trong đó có thiệt hại do Luật 71 là 15%). Tương tự, DAP Đình Vũ và Lào Cai cũng thiệt hại mỗi đơn vị trên 120 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt các DN sản xuất phân bón trong nước cũng thất thu, thiệt hại như: Đạm Phú Mỹ, Urê Cà Mau, Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền, Tiến Nông Thanh Hóa, Phân bón Quế Lâm, Phân lân Văn Điển…
Từ góc độ đại diện cho nông dân, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, nông dân không chỉ chịu cảnh “ma trận” của phân bón giả, kém chất lượng, mà còn bất lợi do tác động Luật 71. Ông Môn nói: “Nông dân vẫn phải mua phân bón giá cao hơn và không được hưởng lợi như mục tiêu ban đầu khi xây dựng luật”. Hội Nông dân Việt Nam đã có công văn gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung Luật 71 với mặt hàng phân bón.
Báo cáo không chuẩn?
Những tác động tiêu cực của Luật 71 với nông dân, cũng như DN đã rõ, nhưng theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký FAV: “Trong công văn (số 7083) của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ và Tổ điều hành thị trường trong nước hồi cuối tháng 5/2016 lại không trung thực”.
Trích dẫn công văn, ông Thúy cho biết, Bộ Tài chính nói rằng, từ ngày 1/1/2015 (tức từ khi Luật 71 có hiệu lực), nông dân được giảm giá thanh toán 2% trên giá bán của thương nhân. Cũng theo Bộ Tài chính, giá bán của DN sản xuất phân bón sau ngày 1/1/2015 tăng ở khâu sản xuất chỉ ở mức 0,71% (theo số liệu thống kê của cơ quan thuế tính cho cả giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2014). Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức nông dân được giảm 2% ở khâu bán buôn, bán lẻ. “Vì vậy, dù cộng hết thuế VAT đầu vào vào giá bán của DN sản xuất phân bón và DN nếu vẫn giữ mức lợi nhuận tuyệt đối như trước ngày Luật 71 có hiệu lực thì nông dân vẫn được hưởng lợi nhiều” - ông Thúy trích công văn.
Tuy nhiên, theo ông Thúy, thực tế giá phân bón từ đầu năm 2015 đến tháng 6 năm 2016 (thời điểm Bộ Tài chính lấy thông số giá phân bón cho nông dân), giá phân bón thế giới giảm mạnh. Trong đó, giá urê giảm trên 40%, DAP giảm hơn 25%...; còn trong nước, giá urê giảm 20% và phân kali, DAP giảm 18%...
Vì thế, trong công văn gửi Thủ tướng hồi tháng 6 năm nay, FAV cho rằng: “Bộ Tài chính mượn giá phân bón thế giới và trong nước giảm ngẫu nhiên để báo cáo Chính phủ và Quốc hội tại công văn 7083 là Luật 71 vẫn có lợi là không đúng sự thật”. FAV đề nghị, nên sửa đổi Luật 71 cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bù đắp sự thiệt thòi của nông dân và giảm thiểu thiệt hại cho DN.
FAV đặt vấn đề: Tại sao Bộ Tài chính lấy tình hình thực hiện thuế VAT về phân bón từ năm 2009-2014, trước 6 năm Luật 71 ra đời, không lấy tình hình khách quan từ năm 2015 đến tháng 6/2016 là lúc giá phân bón thế giới và giá phân bón trong nước hạ để báo cáo. Dẫn đến, đầu tháng 4/2016, Chính phủ và Quốc hội đã thông qua việc không sửa đổi Luật 71. “Các bộ ngành báo cáo sai sự thật thì Chính phủ và Quốc hội điều hành đất nước sao được”- ông Thúy nói.
Theo lãnh đạo FAV, sau công văn hiệp hội này gửi Thủ tướng, ngày 11/8/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất phương án xử lý các kiến nghị của FAV và báo cáo Thủ tướng xem xét trước ngày 30/8/2016. “Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có một báo cáo nào về vấn đề trên”- ông Thúy nói.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế: Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng
Ngày 23/10, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Phân bón và việc Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng trước 30/8/2016, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: “Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng lâu rồi”.
Theo ông Thi, về thuế VAT phân bón, trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính giải thích cho các bộ ngành 2 lần. Liên quan đến kiến nghị của DN về sửa đổi Luật 71, vì hiện DN không được khấu trừ đầu vào sản xuất, nên có thể đẩy giá thành sản xuất phân bón cao lên, ông Thi cho rằng, luật do Quốc hội quy định và “cái này có lợi cho người dân”. “DN không được khấu trừ, nhưng tổng thể cuối cùng là người nông dân được lợi”- ông Thi nói.
Ông Thi cũng cho rằng, không thể một hai DN đầu tư sai công nghệ, chi phí tài chính... lại đi đề nghị nhà nước giảm thuế. “Cái này chúng tôi đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương”, ông Thi nói.
|
Theo Tiền Phong