Cho đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã lan ra ở khoảng 40 xã, phường, thuộc 8 tỉnh, thành phố là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Tổng số gia cầm mắc bệnh và chết tại các địa bàn trên là gần 19.000 con.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm trong tuần tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục thú y Hoàng Văn Năm nhận định, nguy cơ dịch lây lan ở các tỉnh đang có dịch và bùng phát ở các tỉnh khác là rất cao. Theo Tiến sĩ Hans Troedsson, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nguyên nhân khiến cúm gia cầm bùng phát tại nhiều quốc gia là do virus cúm gia cầm trở nên mạnh hơn trong thời tiết lạnh.
Điều đáng nói là mặc dù dịch cúm gia cầm có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan sang người là rất lớn nhưng hiện nay một bộ phận nhân dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn rất lơ là, chủ quan trước đại dịch. Nhiều người dân Bạc Liêu do tiếc rẻ, vẫn "xài" gia cầm chết. Ở một vài nơi khác, khi có dấu hiệu xuất hiện cúm gia cầm, người dân đã chuyển gia cầm sang các địa phương khác để tiêu thụ.
Mặc dù các địa phương này đã vào cuộc rất tích cực và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng so với những năm trước thì sự quyết liệt chưa cao. Hoạt động mua bán gia cầm sống của người dân ở một số địa phương vẫn diễn ra bình thường, nhiều người không quan tâm đến yếu tố an toàn dịch bệnh. Việc quản lý đàn vịt chạy đồng cực kỳ khó khăn, cộng thêm khó kiểm soát việc vận chuyển gia cầm nhiễm bệnh bằng đường thuỷ nên sự lây lan càng nhanh. Bên cạnh đó, việc vận chuyển gà lậu không qua kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Móng Cái hoặc từ các tỉnh về TPHCM vẫn không giảm. Trên các đường mòn nhiều vùng giáp biên mỗi ngày, hàng trăm tấn thịt gà và các sản phẩm gia cầm từ bên ngoài vào vẫn tiếp tục được vận chuyển vào sâu trong các thị trường Việt Nam.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm tái bùng phát và đang có chiều hướng lây lan nhanh, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL, có nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người, ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm; Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người và các cơ quan liên quan yêu cầu ngăn chặn, dập tắt dịch kịp thời.
Đây cũng là yêu cầu cấp bách vào thời điểm này. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra. Đó là tuyên truyền về nguy hại của dịch bệnh đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi; tăng cường các biện pháp giám sát (nhất là các ổ dịch cũ), phát hiện sớm các ổ dịch mới để kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dập dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc xin bổ sung bảo đảm tất cả đàn gia cầm, thủy cầm thuộc diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm phòng. Việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chặt chẽ về vệ sinh thú y; việc giết mổ, vận chuyển gia cầm, nhất là vận chuyển gia cầm ra khỏi vùng có dịch và gia cầm vào đô thị, thành phố lớn được lưu ý. Đặc biệt là phải ngăn chặn kịp thời việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tăng cường công tác kiểm dịch động vật nhập khẩu tại các cửa khẩu... Trước mắt, theo Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát, phải nghiêm cấm nuôi và tái lập đàn gia cầm. Với những đàn gia cầm đã mắc dịch, phải kiên quyết thiêu huỷ. Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ đã được phân công chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Ngay những ngày sau đó, nhiều đoàn công tác Chính phủ đã đến các địa phương kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
Không chỉ ở Việt Nam, dịch cúm gà đã xuất hiện trở lại ở Indonesia và Nhật Bản. WHO cảnh báo rằng đại dịch cúm gia cầm có thể tái xuất toàn cầu năm nay và điểm đầu tiên là một số nước châu Á nói trên. Các vùng tiếp theo bùng phát dịch được cảnh báo có thể là Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus cúm gia cầm đã biến đổi gen và có thể dễ dàng lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, các chuyên gia WHO cảnh báo mối nguy cơ đại dịch toàn cầu là rất lớn bởi virus H5N1 “rất mạnh mẽ”. Nếu không có biện pháp kiên quyết, đồng bộ, liên tục, chắc chắn tác hại của nó không chỉ dừng ở đây và việc dập tắt dứt điểm dịch cúm gia cầm ở Việt Nam sẽ không còn là việc dễ dàng.
Nguồn tin: VOV