Sản xuất khoai tây giống còn phụ thuộc nhiều vào tiền tài trợ?!

17/12/2007

AGROINFO-Ngày 12/12/2007 tại Hà Nội, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp phối hợp với Tổ chức Hợp tác Kĩ thuật Đức (GTZ), tổ chức hội thảo lập kế hoạch hoạt động năm 2008 cho dự án “Thúc đẩy sản xuất khoai tây tại Việt Nam ”. Hội thảo nhằm tổng kết lại các hoạt động thúc đẩy sản xuất khoai tây tại Việt Nam trong năm 2007 và thảo luận, xây dựng những kế hoạch hoạt động trong năm 2008.

Tải file báo cáo kết quả hoạt động năm 2007, thảo luận lập kế hoạch 2008.

Dự án “Thúc đẩy Sản xuất Khoai tây” tại Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2000 tại 9 tỉnh miền Bắc: Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Tây, Nam Định, Hải Phòng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh và Bắc Giang. Thông qua hoạt động của dự án, 2 năm trở lại đây với mô hình sản xuất khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô và bảo quản giống bằng kho lạnh, Việt Nam đã sản xuất được từ 3500 đến 4000 tấn giống đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho nông dân sản xuất khoai thương phẩm, giúp họ thu nhập cao hơn 6,45 triệu đồng/ha so với dùng giống không đạt tiêu chuẩn.

Mở đầu hội thảo, bà Chi Mai - điều phối viên dự án đã báo cáo tóm tắt những kết quả dự án đạt được trong năm 2007, bao gồm các hoạt động tập huấn sản xuất khoai tây giống theo hướng bền vững, khuyến khích và hỗ trợ các HTX, Sở Nông nghiệp các địa phương tự kiểm định và quản lý chất lượng giống...Trong khuôn khổ hoạt động, dự án cũng đã hỗ trợ tích cực cho hội thảo “Khuyến khích sản xuất khoai tây đông”, tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý dự án...

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến hoạt động của các đối tác dự án sau khi dự án kết thúc vào năm 2009. Hiện tại, đại diện nhà tài trợ GTZ đang tích cực thực hiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất khoai tây giống bền vững cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp các tỉnh thuộc dự án. Phía dự án đã hỗ trợ kho lạnh, tập huấn các kĩ thuật kiểm định đồng ruộng, kiểm tra virus trước khi xuất kho...Một vấn đề quan trọng được đặt ra là làm thế nào để các đơn vị hưởng lợi từ dự án chủ động hơn trong việc tiếp nhận các kĩ thuật sản xuất, duy trì và mở rộng theo đúng các quy trình công nghệ sản xuất giống tiên tiến nhất sau khi dự án kết thúc? Thực tế triển khai dự án khoai tây cho thấy, trong năm 2007, phía nhà tài trợ đã thực hiện giảm dần các khoản hỗ trợ theo lộ trình, do vậy mà kết quả hoạt động của dự án năm 2007 đã gặp phải một số khó khăn như việc nhân giống củ bi, chất lượng giống kém hơn so với năm trước, công tác tập huấn cho nông dân chưa đồng bộ, chưa đúng thời gian, thời lượng, lúng túng trong vấn đề thị trường... Điều này cho thấy, các đơn vị hưởng lợi vẫn chưa chủ động trong việc nắm bắt, ứng dụng các tiến bộ khoa học được chuyển giao. Đây có lẽ không chỉ là vấn đề của riêng dự án thúc đẩy sản xuất khoai tây giống mà còn là tình trạng chung, phổ biến của rất nhiều các dự án chuyển giao công nghệ khác có nguồn vốn được tài trợ.

Trên cơ sở báo cáo 2007, các ý kiến đóng góp cho hoạt động của dự án năm 2008 xoay quanh một số vấn đề cụ thể như làm thế nào để sản xuất giống bền vững; vấn đề sản xuất hàng hoá, đầu ra, thông tin thị trường...và đề xuất sớm thành lập Hiệp hội sản xuất khoai tây Việt Nam. Đại diện nhà tài trợ GTZ hoan nghênh những thành quả đạt được của dự án trong năm 2007 và cho rằng cần phải chủ động hơn nữa, có sự liên kết tốt hơn nữa giữa các cá nhân, đơn vị đang tham gia dự án để có thể đảm bảo tốt mục tiêu của dự án. Phía GTZ cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho dự án thúc đẩy sản xuất khoai tây (giống?) tại Việt Nam trong thời gian tới.


Tin khác