Ngân hàng Thế giới duyệt 320 triệu USD tín dụng không lãi để Việt Nam cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng

22/07/2008

Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt hai khoản tín dụng từ Hiệp hội phát triển Quốc tế cho Việt Nam: Khoản tín dụng xóa đói giảm nghèo lần thứ 7 (PRSC 7) trị giá 150 triệu USD, và cho Dự án Phát triển Giao thông Đồng bằng phía bắc trị giá 170 triệu USD.

Là một phần của một hoạt động hàng năm, PRSC 7 cung cấp hỗ trợ ngân sách trực tiếp để giúp Chính phủ thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội (SEDP) 2006-2010. PRSC 7 được phê duyệt cũng là công nhận những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh doanh, hòa nhập xã hội, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và quản trị nhà nước hiện đại, cũng là bốn trụ cột của SEDP 2006-2010.

Trong lĩnh vực phát triển kinh doanh: Khoản tín dụng này công nhận Chính phủ đã lập cơ chế thu thập thông tin và tư vấn để xác định ảnh hưởng về xã hội và môi trường từ việc gia nhập WTO. Chính phủ cũng đã đánh giá quy mô và bản chất của việc cho vay và các loại giao dịch khác của các bên liên quan đến các Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty. Trong việc cải cách tài chính, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa của hai Ngân hàng Thương mại Quốc doanh và hoàn thành quá trình cổ phần hóa của một trong hai số đó. Chính phủ cũng đã áp dụng hệ thống định giá dựa trên thị trường để tính dự toán các khoản đầu tư xây dựng công.

Về hòa nhập xã hội, PRSC 7 cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc sửa đổi học phí tại cấp trung học và đại học, phản ánh thị trường đúng hơn, và cải thiện chính sách để bảo vệ người nghèo. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm Y tế nhằm giảm rủi ro và tạo ra động cơ thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ đã được trình lên Quốc hội xem xét. Chương trình bảo hiểm tự nguyện cho nông dân và khu vực phi chính thức đã được đưa ra, nhằm hỗ trợ người nghèo có thể tham gia bảo hiểm. Chính phủ cũng đã xác định trách nhiệm thực hiện Luật Bình đẳng giới và giám sát bình đẳng giới

Về quản lý tài nguyên thiên nhiên, đã có hướng dẫn về phát triển rừng dựa trên lập kế hoạch sử dụng và giám sát đất có sự tham gia. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý tổng hợp lưu vực sông đã rõ ràng hơn.

Về quản trị nhà nước hiện đại, khoản tín dụng này công nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra các tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư công và các cơ chế giám sát cung cấp tài chính và thực hiện dự án. Cũng đồng thời công nhận Việt Nam đã đưa ra quy định về nội dung và thời gian công bố báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, bao gồm báo cáo kiểm toán các đơn vị và thực hiện yêu cầu kê khai tài sản của cán bộ cấp cao và gia đình, với các điều khoản phạt nếu không thi hành.

Nhiều nhà tài trợ khác cũng đã thông báo ý định đóng góp cho PRSC 7, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Úc, Canađa, Đan Mạch, Ủy ban châu Âu (EC), Pháp, Đức, Ai-len, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh, và Hà Lan, với tổng trị giá lên đến 317 triệu đô-la Mỹ.

Mục tiêu của Dự án Phát triển Giao thông Đồng bằng phía bắc là tăng tính hiệu quả, bền vững môi trường và an toàn của cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông, thông qua việc giải quyết các vấn đề về hạ tầng và tổ chức, tại hai hành lang đường thủy chính của khu vực miền bắc Việt Nam. Dự án nhằm giảm tai nạn trên hai tuyến đường thủy này, và giảm ô nhiễm môi trường từ cải thiện hoạt động của các bến sông. Dự án bao gồm ba phần chính: Đầu tư cho nhiều loại hình giao thông trên tuyến (147,1 triệu USD), đầu tư cho phà (4,6 triệu USD) và hỗ trợ thể chế cho Bộ Giao thông, Cơ quan quản lý đường thủy, và các tỉnh (5,1 triệu USD).

Ngân hàng Thế giới cũng dự kiến sẽ cam kết khoảng 5 tỉ USD từ nguồn IDA và IBRD để hỗ trợ Việt Nam trong ba năm tới.

Để biết thêm thông tin, xin mời vào trang web www.worldbank.org.vn


(worldbank)

Tin khác