Có thể nói sự kiện của thị trường thịt và thực phẩm trong 7 tháng đầu năm 2008 là câu chuyện của TACN và nguyên liệu nhập khẩu. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Chỉ riêng trong tháng 6, giá TACN của các hãng đã tăng 4 lần. Do vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, giá TACN đã được điều chỉnh tăng 9 lần, với mức tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thức ăn chăn nuôi tăng là hệ quả của nhiều yếu tố bao gồm cả cầu kéo, chi phí đẩy và tiền tệ.
Chi phí đẩy
Giá thức ăn chăn nuôi tăng do tác động của hàng loạt các chi phí đầu vào sản xuất tăng như chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển… Về nguyên vật liệu, nguồn TACN trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, còn lại là phải nhập khẩu. Do vậy, khi giá cả nguyên liệu trên thế giới tăng tất yếu sẽ tác động tới giá cả sản xuất trong nước. Trong cơ cấu nguyên liệu TACN nhập khẩu 5 tháng đầu năm của Việt Nam từ các nước nhập khẩu chính, khô dầu đậu tương và bột xương thịt, bột cá chiếm hơn 80%. Tính đến tháng 5/2008, Ấn Độ là nước mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất (chiếm hơn 50%). Việc Việt Nam nhập khẩu giá trị khô đậu tương lớn từ Ấn Độ (373.7 nghìn USD khô dầu đậu tương, 20.2 nghìn USD các loại khô dầu khác trong 5 tháng đầu năm 2008) trong khi giá khô đậu tương tại nước này liên tục tăng từ đầu năm 2008 trở lại đây đã góp phần làm giá TACN trong nước tăng cao. Giá khô đậu tương tại Ấn Độ đặc biệt tăng mạnh từ khoảng cuối tháng 5/2008. Đây cũng là thời điểm nhu cầu chăn nuôi tại Việt Nam đang tăng mạnh do các hộ chăn nuôi tái đàn sau đợt dịch bệnh và giá lợn hơi trên thị trường đang ở mức cao.
Nguồn: www.sopa.org
Tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ), tiếp nối xu hướng biến động giá cả của những tháng đầu năm, giá ngô liên tục tăng và đặc biệt tăng mạnh từ đầu tháng 6. Ngoài ra, tình hình sản xuất nông nghiệp tại Achentina tiếp tục bị đình trệ làm cho nguồn cung ngô và đậu tương sụt giảm, trong khi nhu cầu về nguồn cung ngũ cốc để phục vụ cho chăn nuôi tại các nước châu Á tăng cao. Achentina là nước Việt Nam nhập khẩu ngô và khô đậu tương nhiều thứ 2 trong 5 tháng đầu năm 2008 (sau Thái Lan và Ấn Độ). Theo thống kê từ Tổng cục hải quan, Việt Nam đã dùng 9,8 triệu USD cho nhập khẩu ngô và 42,3 triệu USD cho nhập khẩu khô đậu tương từ Achentina trong năm 5 tháng đầu năm 2008. Cùng chung xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới, giá đậu tương trong nước cũng liên tục tăng trong tháng 6. So với tuần cuối tháng 5 thì giá đậu tương tuần cuối tháng 6 đã tăng 20% tại Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, tăng 22% tại Đà Nẵng và 25% tại Hà Nội.
Nguồn:
www.agro.gov.vn
Cầu kéo
Giá thịt lợn hơi liên tục tăng và ổn định trong suốt quý 1 và nửa đầu quý 2 khiến cho nhiều người chăn nuôi có xu hướng tăng đàn. Hơn nữa, việc khôi phục lại đàn gia súc, gia cầm sau đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm và đợt bệnh dịch hồi tháng 4 – tháng 5 đã làm tăng nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi, dẫn đến việc giá tăng. Biến động thị trường tiền tệ
Một trong những lý do khiến giá TACN tăng cao trong thời gian qua là do sự tác động không nhỏ của yêu tố tiền tệ. Lãi suất vốn vay cao, huy động nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất hoặc phải tạm thời đóng cửa.
Nguồn:
www.agro.gov.vn
Về tỷ giá, trong 7 tháng đầu năm 2008, tỷ giá VND/USD có nhiều biến động, cụ thể giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm và tăng liên tục trong 3-4 tháng tiếp theo. Việc tỷ giá VND/USD biến động tăng trong nửa cuối những tháng đầu năm 2008 khi nhu cầu TACN trong nước đang cao và chi phí mua nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu TACN và nguyên liệu. Theo thống kê của Cục chăn nuôi Bộ Nông nghiệp, năm 2006, cả nước có 241 doanh nghiệp sản xuất TACN, năm 2007 giảm còn 214 (giảm 11%) và 6 tháng đầu năm 2008 đã có khoảng 30-40 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa (chiếm khoảng 20%). Điều này làm cho thị phần ngành TACN bị thu hẹp lại, nguồn cung cũng bị ảnh hưởng một phần, khiến giá TACN tăng.
(Trích nội dung “Báo cáo Thị trường thịt và thực phẩm” của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn
Phát hành trong tháng 8/2008)
>>Xem báo cáo tại đây