Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, chợ nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy vậy, DN lại chưa mặn mà với việc nàỵ dù đã có nhiều chính sách khuyến khích.
Thạc sĩ Phạm Hoàng Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn đã trao đổi với DĐDN về vấn đề này.
>> Bài viết trên ĐĐDN Online
>> Link 2
>> Link 3
- Thưa bà, hiện nay có chính sách Nhà nước và địa phương nào về phát triển chợ ?
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách về phát triển chợ nói chung, chợ nông thôn nói riêng:
Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Quyết định của UBND các tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
|
Hiện nay, trên cả nước có 8.300 chợ, nhưng số chợ kém hiệu quả và hoạt động không hiệu quả chiếm 2,3% |
- Theo bà, cần chú ý những vấn đề gì trong việc phát triển chợ nông thôn ?Để chợ nông thôn phát triển, cần cả một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, phát triển thương mại không có nghĩa là làm ồ ạt, mà trong quá trình xây dựng, đầu tư, cần chú ý đa dạng hoá nhiều loại hình và cấp độ, đặc biệt chú ý kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.
Mặt khác, cần chú ý xây dựng và phát triển mạng lưới chợ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, quy mô giao dịch, chuỗi cung ứng hàng hoá, điều kiện giao thông, nguồn lực và văn hoá của địa phương. Việc phát triển chợ nông thôn phải phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, phân bố mạng lưới chọ tương thích với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các ngành kinh tế. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển chợ, đẩy nhanh xã hội hoá trong đầu tư phát triển chợ. Việc phát triển mạng lưới chợ phải phù hợp với phát triển kinh tế hàng hoá, cải cách cơ chế lưu thông hàng hoá, đảm bảo sự ổn định, lâu dài.
Ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng cao, các sản phẩm nông sản chủ yếu được cung ứng theo hai loại hình chuỗi cung ứng :
Hình thức 1: người sản xuất (chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ), bán cho các đầu mối thu gom, đầu mối thu gom mang tiêu thụ tại chợ trung tâm huyện, chợ trung tâm tỉnh, hoặc bán cho các nhà máy chế biến (trường hợp sắn, ngô).
Hình thức 2: người sản xuất, bán cho các đầu mối thu gom, đại lý buôn bán. Các đại lý buôn bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng (trường hợp của gạo và các loại đặc sản của địa phương: Nếp Tú Lệ, Gạo Séng Cù, Ớt Mường Khương...).
Hình thức 3: người sản xuất tự tiêu thụ tại chợ (trường hợp các loại rau quả).
Hình thức 4: người sản xuất bán cho thương lái, hoặc HTX. Các đối tượng này bán cho DN chế biến, hoặc bán cho các DN uỷ thác xuất khẩu tại tỉnh.
- Nhưng thực tế là vai trò của chợ nông thôn trong việc phát triển, nâng cao đời sống người dân cũng chưa được xác định đúng tầm. Theo bà nguyên nhân chủ yếu từ đâu ?
Do đặc thù miền núi chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, mà còn phản ánh nét văn hoá mang đậm bản sắc người bản địa. Thêm vào đó, nhờ việc xây dựng chợ được đầu tư đồng bộ với xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, giao thương. Nguyên nhân thứ ba là do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao còn hạn chế, chưa thể thay thế bởi các cửa hàng bán hàng theo phương thức hiện đại.
Cả nước hiện có khoảng trên 9.000 chợ, trong đó chợ ở nông thôn chiếm 76%; có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ chiếm 40% số người hoạt động thương mại dịch vụ trong cả nước, trong đó người buôn bán cố định tại chợ chiếm khoảng 51%; doanh số bán lẻ của chợ ước đạt khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội; số người thường xuyên trao đổi tại chợ chiếm 80% người tiêu dùng. Tuy nhiên chỉ có 11% chợ kiên cố (chủ yếu tập trung ở đô thị, thị trấn), 31% chợ bán kiên cố, hơn 33% chợ lều lán, gần 25% chợ họp ngoài trời.
Thành phần tham gia kinh doanh tại các chợ nông thôn chủ yếu là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng. Các hộ tự trao đổi hàng hoá với nhau hoặc cung ứng cho các thương lái để tiêu thụ tại các chợ trung tâm hay khu vực lân cận. Các hộ tiểu thương kinh doanh hàng hoá và dịch vụ tại chợ chiếm số lượng ít, chủ yếu là vải sợi, quần áo may sẵn và bách hoá tổng hợp, và dịch vụ ăn uống giải khát.
Nhìn chung, hệ thống chợ nông thôn đáp ứng nhu cầu về phục vụ hàng thiết yếu cho khu vực nông thôn; là nơi tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giải quyết được nhu cầu trao đổi hàng hóa, phân phối lại đến các chợ thành, thị và các tỉnh trong khu vực. Thông qua chợ, người dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế và làm quen với nền kinh tế thị trường. Một số chợ hoạt động rất hiệu quả nhờ được quy hoạch ở vị trí thuận lợi, nơi tập trung đông dân cư, thường là trung tâm các xã, cụm xã, trung tâm thị trấn, thị tứ. Vào những phiên chợ, nhiều sản vật được người dân trao đổi, thương lái cũng tìm đến các chợ để thu mua nông sản của người dân. Ở đâu chợ nông thôn hoạt động tốt, ở đó các hộ dân sinh sống xung quanh được hưởng lợi nhờ kinh doanh, dịch vụ ăn theo.
- Chợ nông thôn hoạt động kém hiệu quả, theo bà, đâu là nguyên nhân chính ?
Theo tôi, có một số nguyên nhân: Thứ nhất, nhiều địa phương đang có nhu cầu đầu tư: ở một số nơi, do nhu cầu mua bán phát sinh, nhưng xa các chợ trung tâm, nên dân cư tự phát họp chợ dọc theo các tuyến giao thông chính của xã, lâu dần phát triển thành chợ, gọi là chợ tạm. Và một số chợ nông thôn hoạt động hiệu quả, nhưng hiện đã xuống cấp, hoặc đang hoạt động quá tải cần cải tạo mở rộng.
Thứ hai, việc xây dựng, phát triển chợ chưa đồng bộ. Một số chợ đã xây nhưng đường giao thông không đồng bộ. Điều kiện giao thông, đi lại khó khăn nên việc trao đổi hàng hóa của nhân dân chưa phát triển mạnh.
Thứ ba, lượng hàng hoá trao đổi tại chợ còn nghèo nàn, thu nhập và sức tiêu thụ của bà con thấp, nên đa số các chợ nông thôn chỉ hoạt động kinh doanh vào buổi sáng, một tuần một đến hai phiên, mỗi phiên diễn ra trong vài giờ, sau đó chỉ còn một số ít hộ tiểu thương kinh doanh suốt thời gian còn lại.
Thứ tư, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân để xây chợ nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, do vốn đầu tư xây chợ lớn, nhưng khả năng hoàn vốn thấp và kéo dài. Chính vì vậy, các nhà đầu tư chỉ chọn những chợ nào có khả năng sinh lợi nhanh (chợ trung tâm huyện) và “từ chối” đầu tư đối với các chợ vùng sâu.
Thứ năm, tổ quản lý chợ hoạt động khó khăn, do doanh thu thu vé chợ thấp hoặc chưa thu được vé chợ, vì vậy gặp khó khăn trong đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.
Các yếu tố trên đã làm cho chợ nông thôn phát triển chậm, chưa khẳng định được vị trí thực sự của nó trong nền kinh tế hàng hoá hiện nay.
- Từ quan điểm cá nhân, bà đánh giá thế nào về định hướng phát triển chợ nông thôn, từ nay đến năm 2020 ?
Mạng lưới chợ vẫn là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu trong thời kỳ từ nay đến năm 2020; mỗi chợ là hạt nhân để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá tổng hợp ở từng khu vực dân cư. Theo tôi, cần chú ý phát triển chợ theo địa bàn và phát triển chợ theo thị trường hàng hoá
Để phát triển chợ nông thôn theo từng địa bàn cụ thể, cần có chính sách phù hợp tình hình kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
Theo đó, nên chú trọng việc đầu tư nâng ứng và phát triển các chợ dân sinh bán lẻ tại các khu dân cư ở thành thị và tại các xã, cụm xã ở nông thôn, miền núi, phục vụ sản xuất và đời sống tại chỗ của nông dân. Trong quá trình này, cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho khu vực chợ. Đầu tư xây dựng chợ gắn với quy hoạch khu vực nông thôn, quy hoạch dân cư nông thôn và quy hoạch phát triển thương mại trên từng địa bàn cụ thể. Khuyến khích tăng số hộ kinh doanh trên chợ và tăng thời gian bán hàng hàng ngày của các hộ.
Thứ hai, nâng cấp, cải tạo và xây mới các chợ ở các xã biên giới, chợ cửa khẩu, chợ nằm trong khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch. Tập trung vào các biện pháp để hình thành thói quen giao lưu hàng hoá qua chợ của người dân miền núi và thu hút người đến tham gia hoạt động chợ; Khuyến khích và hỗ trợ các DN mở rộng mạng lưới đến các chợ biên giới; Gìn giữ và phát huy các đặc trưng văn hoá của các vùng miền núi, biên giới trong hoạt động của mạng lưới chợ biên giới.
Đặc biệt, theo tôi, cần kết hợp phát triển chợ nông thôn với việc xây dựng mạng lưới chợ nông sản, mạng lưới chợ hàng tư liệu sản xuất và mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng. Về định hướng phát triển mạng lưới chợ nông sản, cần xây dựng và hoàn thiện chợ bán buôn nông sản ở các thành phố và ở nơi sản xuất hàng nông sản tập trung của cả nước; chợ bán lẻ nông sản - thực phẩm ở thành thị và nông thôn; chợ phiên giao dịch hàng nông sản dễ bảo quản hoặc là nguyên liệu chế biến. Về định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng tư liệu sản xuất, quan tâm đến việc định hướng lưu thông hàng tư liệu sản xuất qua mạng lưới chợ chủ yếu đối với vật tư dùng cho sản xuất nông nghiệp. Về định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng, quan tâm đến việc mở rộng mạng lưới chợ bán buôn, bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng, phát triển các hệ thống phân phối hiện đại kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng trong mạng lưới chợ ở nông thôn.
Để chợ nông thôn phát triển, nâng cao đời sống người nông dân, cần sự hỗ trợ nhiều từ phía nhà nước và các cấp, ngành. Nhà nước xây dựng/hoặc hỗ trợ xây dựng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật của chợ. Các DN, cá nhân và hộ kinh doanh cùng tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ. Nhà nước ưu tiên tập trung vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng nông sản hàng hoá tập trung, từng bước phát triển thành các sàn giao dịch hàng hoá, chợ đấu giá, trung tâm mua bán hàng hoá theo phương thức giao sau. Đồng thời, Nhà nước cũng có các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các chợ dân sinh thành thị, các khu công nghiệp để cung ứng hàng hoá giá thấp cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; khuyến khích các DN trong nước, nước ngoài tăng cường đầu tư đồng bộ và hiện đại hoá các chợ đầu mối nông sản trên cơ sở áp dụng công nghệ logistics; đầu tư vào các chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ ở các trung tâm kinh tế của các tỉnh; đầu tư vào các chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Vốn xây dựng các chợ dân sinh, chợ biên giới lồng ghép vào các dự án và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, hỗ trợ thêm bằng nguồn vốn ngân sách địa phương để tạo dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài chợ.
- Xin cảm ơn bà!
Mai Anh (Thực hiện)