Những số liệu gần đây cho thấy người nông dân Việt Nam đang rất “đói” thông tin. Họ thiếu thốn thông tin nhiều mặt, không chỉ về xã hội, giải trí mà còn cả về khoa học kỹ thuật, thị trường...
Bày tỏ về khao khát đọc báo, anh Trần Mộng Thu, thôn 12, xã biên giới vùng cao Ia Ruê, huyện Ea Súp, Đăk Lăk tha thiết: “Báo chí chỉ có mặt tại các cơ quan nhà nước. Người dân “nghiền đọc báo” cũng chẳng biết mua ở đâu”. Cho dù hiện nay, cả nước đã có gần 700 đầu báo và tạp chí nhưng vì nhiều lý do, báo chí truyền thông vẫn chưa đến được với nông dân. Với những chương trình hỗ trợ của nhà nước, nhiều đầu báo đã đến thôn bản, nhưng chủ yếu nằm ở... nhà trưởng thôn, hoặc ủy ban xã chứ chưa vào được từng nhà người nông dân.
|
Báo chí mói đến được UBND xã hoặc nhà trưởng thôn chứ chưa vào được nhà của người dân |
Những con số “biết nói”
Theo khảo sát mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) thuộc Bộ NN&PTNT, ở các địa phương hiện nay, thường chỉ có vài nơi cung cấp báo chí: một là UBND xã hoặc Trưởng thôn, hai là điểm Bưu điện văn hoá xã. Ngoài ra, người dân cũng tự mua báo đọc, nhưng không nhiều. Số liệu điều tra của IPSARD cho thấy, có tới 67% nông dân được hỏi trả lời chưa bao giờ đọc báo.
Trong khi đó, nhu cầu của nông dân về các thông tin, nhất là thông tin khoa học kỹ thuật, giá cả thị trường vẫn rất cao: Kết quả điều tra ở Lào Cai cho thấy có tới gần 78% số người được hỏi cho rằng, họ rất mong muốn được cập nhật thông tin thị trường vật tư và 73% cho rằng họ đang “khát” thông tin kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Không chỉ ở miền núi, mà ngay cả các huyện ngoại thành Hà Nội, hoặc TP. Cần Thơ, kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ tương tự.
Đối với truyền hình, đây là kênh thu hút nhiều nhất sự theo dõi của người dân nông thôn. Tuy nhiên, thông tin kiến thức, thị trường trên các kênh còn tản mạn. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu IPSARD, tổng thời lượng phát sóng các nội dung trên các kênh của VTV về nông nghiệp chỉ có khoảng 40 phút/ngày, quá ít ỏi so với lượng thông tin dành cho các đối tượng khác, nhất là khi nhu cầu tiếp nhận, đào tạo nghề của nông dân ngày càng cao... Riêng về Internet vẫn là kênh xa lạ với đại đa số nông dân. Có tới 72,4% nông dân được hỏi không biết internet là gì. Ở một số tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng, tỷ lệ này còn tới trên 90%.
Cần có kênh truyền thông tập trung
Trong nỗ lực hỗ trợ người dân nông thôn, nhất là khu vực miền núi xoá đói giảm nghèo bằng thông tin, Chính phủ đã có dự án hỗ trợ 21 đầu báo và tạp chí đến tận thôn bản. Đài THVN, Đài TNVN cũng đã mở một số mục chuyên cho khu vực này, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Báo in thì có hạn, đa số nông dân chưa sẵn sàng bỏ tiền mua, hoặc chưa có thói quen đọc báo. Trong khi đó, truyền hình lại dành quá ít “đất” cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Chưa kể, nội dung các chương trình cho nông dân cũng chưa hoàn toàn “trúng” nhu cầu của bà con...
Sau khi nghiên cứu thực trạng nông dân và truyền thông, kết hợp với khảo sát cách làm truyền thông cho nông dân ở Trung Quốc và Mỹ, nhóm chuyên gia nghiên cứu truyền thông nông nghiệp nông thôn đang hướng tới đề xuất thành lập một kênh truyền thông tập trung, thường xuyên cho nông dân. Ngoài việc phát huy các thế mạnh sẵn có của mạng truyền thông hiện nay (báo, đài, tổ chức đoàn thể, tài liệu chuyên ngành...), việc ra đời một hoặc một số kênh truyền hình dành riêng cho nông dân là điều rất cần thiết, đặc biệt, trong bối cảnh cả nước ta đang thực hiện Nghị quyết của Đảng về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” hiện nay.Cho dù, quãng đường đến đích này còn nhiều việc phải làm, nhưng với gần 70% dân số đang “khát” thông tin từng ngày, việc này không thể không thực hiện.
Lam Giang – Hoàng Ngân
Đọc bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam Điện tử