Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tăng trưởng xanh

09/03/2012

Một trong những điều kiện thuận lợi của Việt Nam trong bối cảnh thế giới có xu hướng chuyển từ tăng trưởng "nóng” sang tăng trưởng xanh là tận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước để chọn ra mô hình và hướng đi đúng đắn trong việc phát triển đất nước theo hướng tăng trưởng “xanh”.

Tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững
Trong khi bối cảnh thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bùng nổ dân số, suy thoái kinh tế, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường thì tăng trưởng xanh là giải pháp tối ưu để cả thế giới trong đó có Việt Nam vượt qua các thách thức trên. Tuy nhiên, tình trạng phụ thuộc vào lẫn nhau khiến cho không ít quốc gia trên thế giới không thể chọn ra được cho mình một mô hình tăng trưởng xanh hợp lý.
Tăng trưởng xanh cần phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội
 
Tại hội thảo “Tăng trưởng xanh – xu thế tất yếu cho Việt Nam” được tổ chức tại Quảng Ninh vào tháng 02/2012, PGS. TS. Bùi Tất Thắng đã đưa ra một khái niệm tăng trưởng xanh là một nền sản xuất xanh, hệ thống công nghệ khoa học kĩ thuật tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu đầu vào và hạn chế lượng khí thải độc hại với môi trường, thay đổi nhận thức trong lối sống cũng như cung cách làm việc hòa trộn với thiên nhiên.
Trên thế giới, các quốc gia đi trước Việt Nam về vấn đề này có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, dù với cách tiếp cận nào đi chăng nữa thì nội dung tăng trưởng xanh vẫn bao gồm các nội dung chủ yếu như PGS.TS Bùi Tất Thắng đã nêu. Nhưng về cơ bản để phát triển tăng trưởng xanh cần sự chung tay của cả xã hội. Trong “Dự thảo khung chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050” cũng nêu rõ tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Về vấn đề này, theo quan điểm cá nhân của TS. Nguyễn Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, một trong những người đi tiên phong trong việc đưa phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam thì không chỉ là việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, chống ô nhiễm môi trường mà đồng thời còn phải giải quyết các vấn đề xã hội, việc làm, đói nghèo, phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội. Tất cả những vấn đề đó phải được lồng ghép với nhau thì mới được gọi là phát triển bền vững, phát triển xanh. “Xanh” không chỉ là môi trường mà còn là phải “xanh” cả về xã hội.
Theo TS. Nguyễn Trí Dũng, trước hết đó phải là một mô hình tăng trưởng dựa trên các nguyên tắc của phát triển bền vững, các mục tiêu phải hướng đến cân bằng giữa các yếu tố là tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội. Chỉ có hài hòa các yếu tố trên thì mới có một tăng trưởng xanh hoàn hảo.
Kế thừa, tận dụng sự hỗ trợ từ quốc tế
Trên thế giới, một số quốc gia đã tiến hành tăng trưởng xanh từ thập niên 70, sau khủng hoảng năng lượng năm 1973. Nhưng đối với Việt Nam, việc tiếp cận tăng trưởng xanh còn quá chậm mặc dù cách đây 10 năm trong chiến lược phát triển từ 2001-2010 cũng đã đề cập tới vấn đề này. Là một nước đi sau, thách thức của Việt Nam là không nhỏ khi mà công nghệ còn lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và thải ra nhiều khí thải. Chẳng hạn, tại Mỹ, cam kết tới năm 2020 sẽ sử dụng 25% lượng điện sản xuất từ năng lượng sạch, Trung Quốc là 16% trong khi tại Việt Nam con số này chỉ 3,5% vào năm 2010 và đến năm 2015 là 4,5%, đến năm 2020 tiến tới 6%.
Tuy nhiên, thuận lợi của một nước đi sau có thể tận dụng các bài học và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các nước tiên tiến trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Mô hình tăng trưởng xanh tại Ninh Thuận, là một tỉnh có xuất phát điểm thấp nên vấn đề đặt ra là phải chọn ra được một hướng đi có tốc độ phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo tính bền vững. Theo TS. Nguyễn Trí Dũng, muốn làm được điều này trước hết cần phải tham khảo kinh nghiệm, mô hình của chuyên gia nước ngoài, định vị đúng cái gì là thế mạnh của mình, tranh thủ tiềm năng của mình để khai thác hiệu quả cho nhanh. Để bền vững cần phải phát triển bền vững từ con người. Xác định con đường đi đúng để thẳng tiến theo tư duy và cách tiếp cận do chuyên gia nước ngoài đề xuất.  
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, một trong những quốc gia hàng đầu về tăng trưởng xanh, năm 2008 đã chi tới 38,1 tỷ USD dùng để chuyển dịch nền kinh tế “nóng” sang nền kinh tế xanh. Trong chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh, các-bon thấp” của Hàn Quốc xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 3,78% vào năm 2013 và hơn gấp đôi lên đến 6,08%  vào năm 2020; đồng thời đề ra mục tiêu trung hạn giảm phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ xuống còn 30% vào trước năm 2020.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có thể tranh thủ sự hợp tác từ nước bạn Lào và Campuchia khi cả hai cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia.
Được biết trong giai đoạn 2011-2012, Đan Mạch viện trợ cho Việt Nam 135 triệu USD tập trung vào 3 lĩnh vực chính của tăng trưởng xanh là sử dụng hiệu quả nguồn nước, tiếp cận nước sạch cho hộ nghèo; phát triển năng lượng gió và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Vậy làm thế nào để có được một mô hình tăng trưởng xanh bền vững? Theo PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Quyền Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước hết cần hiểu rõ khái niệm tăng trưởng để có một cách tiếp cận tối ưu nhất.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=510174


Tin khác