Từ một diện tích đất rất nhỏ, những người phụ nữ ở thị trấn Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã liên kết sản xuất (LKSX) để làm giàu. Họ còn tận dụng nguồn nước hồ Dầu Tiếng nuôi cá thương phẩm. Đến nay, cả 6 hộ trong tổ LKSX đều có thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
DIỆN TÍCH NHỎ, HIỆU QUẢ LỚN
Đến nhà chị Nguyễn Nguyên Quân (khu phố 3), tận mắt nhìn những hầm cá nhỏ xíu, mỗi cái chỉ trên dưới 30 m2 sau vườn, tôi ngạc nhiên hỏi: “Mỗi năm chị thu hoạch được bao nhiêu?”. Chị Quân trả lời: “Từ 2-3 lần, mỗi lần 18-20 tấn cá. Năm rồi tui lãi hơn 500 triệu”. Tôi tròn xoe mắt nhìn chị: “Cái hầm bé xíu thế này mà lãi hơn 500 triệu?”. Chị cười vang: “Em không tin thì sang các nhà khác trong tổ hỏi xem, nói dóc với em làm gì. Vài hôm nữa thu hoạch xuống xem thì biết”.
Rồi chị kể, lúc chưa vào tổ LKSX, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, nhà chỉ có 2,7 công đất, với diện tích nhỏ như vậy, làm nông nghiệp không thể nào khá được. Chị nghĩ thế. Nhưng chưa biết làm gì nên trước khi nuôi cá, chị trồng hoa màu, nuôi đủ thứ con mà vẫn không đủ sống. Chị xoay sang bán bánh mì, cũng chỉ đủ xoay sở bữa ăn hàng ngày cho gia đình, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Đến khi được các chị ở Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Dương Minh Châu đề nghị vào tổ LKSX nuôi cá, được mượn vốn làm ăn, chị rất phấn khởi. Sau khi được học tập mô hình nuôi cá, được vay gần 100 triệu, vợ chồng chị Quân bắt tay đào 10 hầm nhỏ, mua cá giống rồi ra công chăm sóc. Và, ngay từ vụ đầu tiên, chị đã có tiền trả cho ngân hàng, còn dư một ít để tái đầu tư.
Cuối năm 2011, chị Quân bán được gần 20 tấn cá lóc bông, với giá 52.000 đ/kg, trừ hết chi phí, còn lãi gần 500 triệu đồng! Các loại cá khác cho thu hoạch trên 100 triệu đồng nữa. Giữa năm 2012, giá cá lóc bông rớt xuống còn 40.000 đ/kg, nhưng khi thu hoạch chị vẫn lời hơn 150 triệu.
Ngoài ra, hầm cá trê và ba ba kéo lời “một khúc” hơn trăm triệu nữa. Đây là 2 hầm chị không phải tốn công, tốn tiền đầu tư, chỉ lấy cá dạt từ các hầm khác cho ăn. Chị nói: “Chưa tới 3 công đất mà làm dư nhiêu đó, tui thấy mãn nguyện lắm rồi. Trước đây, tui chưa bao giờ dám mơ cầm trong tay số tiền trăm triệu như vậy”.
|
Chị Quân cho cá lớn ăn… cá bé
|
Sát bên nhà chị Quân là nhà chị Nguyễn Thị Mỹ. Chúng tôi đến đúng lúc 2 chiếc xe tải đang đậu thu mua cá. Chị Mỹ than với chúng tôi trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt phân loại cá: “Năm ngoái thấy cá thác lác có giá, gần 200.000 đ/kg nên mình “mê”, nhảy vô nuôi, ai dè giờ rớt giá chỉ còn 60.000 đ/kg”.
Tôi hỏi chị lỗ bao nhiêu? Đưa tay áo quệt mồ hôi trên mặt, chị cười đáp: “Không lời như dự đoán thôi chứ không bị lỗ. Chuyến này mình chỉ nuôi có 1 hầm thác lác thăm dò thị trường thôi. Cá lóc bông vẫn đang hút hàng, mình có 6 hầm cá lóc bông nên đợt tới bán sẽ ngon hơn đợt này. Mình ít đất, chỉ có 1,7 công, nên được vậy là mừng rồi”.
Nhờ có những hầm cá này, vợ chồng chị không chỉ lo được cho hai con ăn học, mà còn có “của để dành” mỗi năm từ 50-200 triệu. Trước đây, cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân, làm tăng ca quần quật nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày, không dám nghĩ tới chuyện có dư để tích lũy. Kể từ khi được vận động vào mô hình “tổ nuôi cá”, chị Mỹ mới biết đến “làm ăn lớn”.
Với diện tích đất ít ỏi, vợ chồng chị tự đào 8 hầm nhỏ để nuôi cá. Cầm số vốn gần trăm triệu được vay, chị trở thành nhà đầu tư trên chính mảnh đất của mình. Từ khi nuôi cá đến giờ, chưa năm nào chị bị lỗ, mặc cho giá cả thị trường có đi lên xuống thất thường. Và chị đã chạm đến giấc mơ của mình là “cầm được trăm triệu trong tay”.
THÀNH CÔNG NHỜ NĂNG ĐỘNG
Ban đầu, các chị được Hội LHPN thị trấn ký ủy thác (bảo lãnh) cho vay vốn ở Ngân hàng NN-PTNT, ngoài ra, còn được hội bảo lãnh cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn dự án dành cho Phụ nữ nghèo…
Thời gian đầu vào “tổ nuôi cá”, các chị tập trung nuôi các loại cá nhanh được thu hoạch để gỡ vốn như cá trê, cá lóc đồng, cá rô. Sau khi có vốn, các chị đầu tư nuôi các loại cá có giá cao hơn. Hiện nay, hầu hết các gia đình đều đang nuôi cá lóc bông, vì loại cá này đang “hút hàng” trên thị trường. Tuy nhiên, họ vẫn dành ra một vài hầm nuôi ba ba, cá trê và một số loại cá khác.
“Phương châm của tui là không lời nhiều cũng phải có lãi ít chứ không để lỗ. Chính vì thế, tui bố trí 6 hầm nuôi cá lóc. Trong đó có 4 hầm cá lóc bông vì thấy thị trường cá lóc bông, cá lóc đồng vẫn đang ổn định. Bốn hầm còn lại tui nuôi ba ba và cá trê để tận dụng thức ăn thừa, cá dạt từ các hầm khác và phòng khi cá lóc mất giá”, chị Quân cười tính toán.
Chị Mỹ cũng có cùng quan điểm làm ăn “quyết không chịu lỗ”. Chị nuôi chủ yếu là cá lóc bông, nhưng vẫn để 2 hầm nuôi ba ba và lươn, “tạm nghỉ” nuôi cá thác lác. Mặt hàng nào có giá, các chị đều có hàng để đáp ứng. Các chị cho rằng, nếu ai cũng nuôi một loại, hễ rớt giá là “chết hội đồng” ngay. Làm nông thời nay cũng như đánh bạc, lúc thất lúc trúng, nên có phương án “phòng thủ” là chắc ăn nhất. Hễ loại nào có giá hơn thì phát triển rộng ra, ngược lại thì thu hẹp lại, không để bị phơi ao chịu lỗ.
Các gia đình đều tự mua máy xay thức ăn cho cá. Các chị không sử dụng cám công nghiệp, mà mua cá tạp, cá dạt từ các nguồn về xay ra cho cá ăn. Cá ăn thức ăn này lớn rất nhanh, có thể thu hoạch sớm hơn so với các hầm nuôi bằng cám công nghiệp từ 1-2 tháng. Nguồn thức ăn này cũng khá rẻ, chỉ từ 7.000 đ/kg trở xuống.
“Các chị trong tổ LKSX nuôi cá làm ăn rất hiệu quả. Từ lúc nuôi tới giờ chỉ có lời, không có lỗ. Ngay cả hồi giữa năm nay, thời điểm giá cá giảm mạnh, nhiều người phải phơi ao, vậy mà chị em vẫn có lời để đầu tư SX tiếp. Chúng tôi rất phấn khỏi và đang tính nhân rộng mô hình này ra”, chị Phạm Hải Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Dương Minh Châu.
|
Chị Quân cho biết, tận dụng nguồn thức ăn này, phần vốn đầu tư ban đầu giảm đáng kể, còn lời lại tăng lên kha khá. Trung bình cứ 4 ký thức ăn thu được 1 ký cá thành phẩm. Vì vậy, ngay cả khi thị trường “ngược đãi” người nuôi cá lóc bông, giá từ trên 50.000 đồng giảm chỉ còn 40.000 đ/kg, các chị ở tổ nuôi cá vẫn sống khỏe re.
Hàng ngày, các hộ nuôi cá dùng máy bơm, dẫn nước giếng hoặc nước hồ vào các hầm cá, rồi cho thoát ra kênh mương. Nước ra vào thường xuyên nên cá rất khỏe, không bị dịch bệnh, hao hụt không đáng kể. “Tụi tui cũng thường đi dự các lớp tập huấn, mua sách hướng dẫn nuôi cá để áp dụng kỹ thuật mới. Rồi đọc báo, xem tivi để biết thông tin thị trường. Làm nông bây giờ cũng phải tính dữ lắm mới “thắng” được chứ bộ”, vừa nói, chị Quân vừa tủm tỉm cười.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/100969/Lien-ket-san-xuat-lam-giau.aspx