Hậu WTO của ngành Nông nghiệp

09/08/2006

TS. Đặng Kim Sơn: Cần một hướng đi mới
Theo phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển tại Quốc hội (kỳ họp thứ 9), đoàn đàm phán WTO của Chính phủ VN đã cân nhắc các lợi ích trước khi đưa ra các cam kết mở cửa thị trường nông sản, đảm bảo không để xảy ra khủng hoảng trong sản xuất nông nghiệp... Ông có tán thành nhận định trên? Vì sao?
TS. Đặng Kim Sơn: Cần một hướng đi mới
Theo phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển tại Quốc hội (kỳ họp thứ 9), đoàn đàm phán WTO của Chính phủ VN đã cân nhắc các lợi ích trước khi đưa ra các cam kết mở cửa thị trường nông sản, đảm bảo không để xảy ra khủng hoảng trong sản xuất nông nghiệp... Ông có tán thành nhận định trên? Vì sao?|

Đàm phán là một quá trình mà các bên đấu tranh, đánh đổi giữa nhân nhượng và đòi hỏi. Thông thường, đối với các quốc gia phát triển, vấn đề bảo hộ nông nghiệp luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Bởi vậy, vòng đàm phán Doha, sau một thời gian dài nỗ lực, vẫn chưa đi đến kết quả. Trong bối cảnh đó, nhiều người lo lắng về các cam kết mở cửa thị trường nông sản mạnh mẽ của VN là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, lời phát biểu của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là có căn cứ. Trong thực tế, nông nghiệp VN đối với nông sản thô vẫn áp dụng mức thuế nhập khẩu không cao, mức trợ cấp cho xuất khẩu nông sản xưa nay vẫn ở mức thấp vì nước ta còn nghèo, khả năng trợ cấp của Chính phủ còn hạn chế. Ngay cả đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp cũng thấp hơn nhiều so với mức cho phép của WTO. Đa số mặt hàng có mức thuế giảm nhiều là những mặt hàng VN không có lợi thế nên sẽ không xảy ra cạnh tranh đối đầu trên quy mô lớn với sản xuất trong nước (ví dụ hoa quả ôn đới, sản phẩm chăn nuôi, sữa, nông sản chế biến,…). Đó là lý do để tin rằng sẽ không xảy ra khủng hoảng trong sản xuất nông nghiệp ngay khi VN bước vào WTO.

Cam kết trong đàm phán mở cửa thị trường liên quan mật thiết tới cơ quan làm chính sách như Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Đến nay ông đã được cung cấp đầy đủ về các cam kết của VN liên quan lĩnh vực nông nghiệp?

Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có các văn bản cam kết đa phương và đang thu thập các bản cam kết song phương. Phải đợi đến khi có đầy đủ các thông tin này thì mới có thể hình dung được một cách khách quan các tác động của mở cửa thị trường đối với lĩnh vực nông nghiệp VN. Nhìn chung, điều mà chúng tôi lo lắng không phải là những "cú sốc" ban đầu do giảm thuế và hạ thấp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nông sản, mà là về giai đoạn tiếp theo, khi số lượng lớn nông hộ nhỏ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh, phát triển dịch vụ và ngành nghề, họ sẽ phải đương đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn hẳn có thể đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngay cả thị trường nông thôn.

Một mối lo ngại khác là tương lai của hệ thống phân phối lưu thông vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Người nông dân chỉ có thể sản xuất an toàn và có lợi khi hệ thống cung ứng này hoạt động một cách ổn định, đáng tin cậy với mức chi phí hợp lý. Công việc này vốn được giao cho các tổ chức của Nhà nước, tập thể hay cộng đồng với mục tiêu cân đối hài hòa giữa mục đích lợi nhuận và mục đích xã hội. Thật đáng ngại cho người nông dân sản xuất nhỏ nếu khoảng trống to lớn trong lĩnh vực lưu thông, phân phối ở nông thôn hiện nay trong tương lai bị thay thế bởi các DN áp dụng mọi thủ đoạn kinh doanh quyết liệt chỉ nhằm mục đích lợi nhuận.

Một thách thức nữa là khả năng cạnh tranh của 14 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ trong nông nghiệp nếu không thoát khỏi tình trạng quy mô sản xuất manh mún với kỹ thuật, công nghệ lạc hậu như hiện nay. Trong tương lai, một phần lớn tài nguyên đất, nước, lao động, vốn… sẽ nhanh chóng rút ra khỏi nông thôn, chuyển sang công nghiệp hóa và đô thị hóa. Khi giá đầu vào tăng, nông nghiệp VN không thể cạnh tranh bằng mức giá đầu ra rẻ như hiện nay. Nếu không tích tụ được đất đai, vốn để chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao thì nông nghiệp VN sẽ phải đương đầu với khủng hoảng trong tương lai.

Khi hàng rào thuế quan và phi quan thuế chắc chắn hạ xuống, các khoản trợ cấp xuất khẩu nông sản bị xoá bỏ ngay lập tức, ông có lo ngại về sự mất cân bằng ở một khu vực nào đó trong sản xuất nông nghiệp?

Trước mắt, đương nhiên có một số lĩnh vực VN không có lợi thế cạnh tranh sẽ lập tức chịu thua thiệt như mía, đường, ngô, một số sản phẩm chăn nuôi… Nhóm người sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là người nghèo và những người không có ưu thế. Rõ ràng cần phải lường trước những khó khăn này và có phương án chuẩn bị từ việc chuyển đổi sản xuất cho những vùng chuyên canh những mặt hàng sẽ gặp khó khăn đến đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho những vùng khó khăn. Trong đó, việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội để điều tiết lại cho những vùng, những nhóm người khó khăn từ những vùng, những nhóm được hưởng lợi của quá trình hội nhập là rất cần thiết.

Phát biểu trên báo chí gần đây, ông cho rằng cần đổi mới cách phát triển nông nghiệp – nông thôn. Ông có thể phân tích kỹ hơn vấn đề này?

Theo tôi, trong nông nghiệp, cơ cấu đầu tư cần được chuyển mạnh từ tập trung cao để phát triển sản xuất sang tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ các công đoạn sau thu hoạch. Giải pháp kỹ thuật cần chuyển dần từ phát triển những hệ thống sản xuất thâm canh nhằm tăng năng suất sang phát triển một nền sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao. Về tổ chức sản xuất và kinh doanh, đồng thời với việc khuyến khích hình thức liên kết ngang, cần thúc đẩy mạnh các hình thức liên kết dọc theo chuỗi ngành hàng để gắn người sản xuất với người chế biến và người kinh doanh, nhằm đảm bảo các dòng vốn, thông tin, hàng hóa và dịch vụ luân chuyển đều đặn và hiệu quả nối mọi tác nhân của từng ngành sản xuất thành một khối thống nhất.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, trong chuỗi hình thành giá trị sản phẩm, khâu nghiên cứu sản xuất chiếm 30%, khâu sản xuất chiếm 30%, phân phối chiếm tới 40%. Thực tế cho thấy, nhà phân phối đang quyết định công việc của nhà sản xuất và đặt hàng cho sản xuất, nhất là các nhà phân phối toàn cầu. Cũng nghiên cứu trên chỉ ra, hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng của người dân; VN hiện có khoảng 9.000 chợ thì có 75% là chợ nông thôn, chỉ có 25% chợ ở thành thị. Nhiều chợ đang xuống cấp, buôn bán ế ẩm, tiểu thương gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh với siêu thị ngày càng khốc liệt. Hàng bán lẻ qua siêu thị mới chiếm 10% so với 40% qua hệ thống chợ và khoảng 44% qua các cửa hàng truyền thống.

Về động lực thúc đẩy quá trình phát triển nông thôn, cần chuyển từ huy động ngoại lực của đầu tư Nhà nước và viện trợ quốc tế sang huy động nội lực của chính cư dân nông thôn và của mọi thành phần kinh tế đầu tư về nông thôn…

(Nguồn tin: NNVN)


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC