Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, không chỉ với vai trò truyền thống cung cấp lương thực thực phẩm, lao động, nguyên liệu, lao động, thị trường… mà còn có những vai trò mới: làm động lực quan trọng cho tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho nông dân, là tấm đệm an sinh xã hội trước các cú sốc khủng hoảng kinh tế - tài chính.
|
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xu hướng đầu tư từ Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. |
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Đề án Tái cơ cấu ngành ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững xác định: doanh nghiệp tư nhân lớn trong và ngoài nước đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt chuỗi giá trị từ nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương nối kết chặt chẽ với chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Từ đó, một loạt chính sách được ban hành nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tạo ra một làn sóng đầu tư vào nông nghiệp.
Trong số các đối tác của kinh tế toàn diện với Việt Nam, Nhật Bản là đối tác chiến lược. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10/2015, Nhật Bản có 2.788 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 38,71 tỷ USD.
Tính riêng trong 10 tháng năm 2015, các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 258 dự án cấp mới và 137 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,486 tỷ USD, xếp vị trí thứ 3 trong 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Đối với thương mại song phương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản 10 tháng năm nay đạt gần 23,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 11,6 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng dệt may, dầu thô, thủy sản.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xu hướng đầu tư từ Nhật Bản đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong nông nghiệp công nghệ cao với ba lý do.
Thứ nhất, Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông sản khác nhau.
Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn, như ASEAN và Trung Quốc.
|
Lĩnh vực nông nghiệp được Nhật Bản ưu tiên hợp tác trong thời gian tới. |
Thứ ba cũng là điểm mấu chốt, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang tăng mạnh.
Trong thời gian vừa qua, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã sang tìm kiếm cơ hội và tiến hành đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn, có mô hình rau công nghệ cao tại Lâm Đồng; liên kết xuất khẩu xoài tại Đồng Tháp sang Nhật Bản; tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại Vĩnh Phúc; phát triển lĩnh vực đánh bắt, chế biến cá ngừ tại Bình Định; phát triển các mặt hàng nông, thủy sản như trái cây, tôm, cá tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian tới, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát nông nghiệp từ Nhật Bản tới Việt Nam và sẽ tổ chức các hội thảo kết nối kinh doanh. Tổ chức JICA đang xây dựng và triển khai một số dự án hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương ở cấp khu vực cũng như thế giới như AFTA, ASEAN+... đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn để thúc đẩy đầu tư và thương mại nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Đây là Hiệp định hội nhập đẳng cấp cao, có cam kết sâu và toàn diện nhất; trong đó về đầu tư, cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế, rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng, minh bạch hơn và có thể dự báo.
So sánh với Hiệp định Đối tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hiệp định TPP giúp cải thiện mở cửa thị trường đối với 38,4% số dòng nông sản, 64,8% số dòng thủy sản và 17,2% số dòng gỗ.
Về nông sản, phía Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan ngay đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Sau từ 5-6 năm sẽ xóa bỏ thuế quan cho các mặt hàng tiếp theo, đạt 88,5% kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Sau 15 năm: hơn 97% kim ngạch xuất khẩu nông sản được xóa bỏ thuế quan. Về thủy sản, có gần 65% xóa bỏ thuế quan ngay, đạt xấp xỉ 91% kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản.
Sau 5-7 năm sẽ có 73,65% dòng thuế về 0%, tương ứng 98,34% kim ngạch xuất khẩu. Sau 15 năm, 100% sản phẩm được xóa bỏ thuế quan. Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan ngay với 97% kim ngạch xuất khẩu và sau 15 năm sẽ xóa bỏ 100% dòng thuế.
Đây là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể, tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiệp định cũng tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Qua đây, Việt Nam có thể tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Tạo động lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế và môi trường chính sách; thúc đẩy tính minh bạch của môi trường chính sách.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan, nguồn lực tài nguyên, lao động Việt Nam và phát huy các lợi thế của doanh nghiệp Nhật so với Việt Nam về công nghệ và kỹ thuật.
Đồng thời, cũng là lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư Nhật Bản để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
|
Dây chuyền xuất gạo đặc sản của Doanh nghiệp tư Nhân Cỏ May, huyện Châu Thành. |
Với thế mạnh hiện có về công nghệ và tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể xem xét ưu tiên một số cơ hội/mô hình đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam như đầu tư trực tiếp vào các ngành công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào (máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu), công nghiệp phụ trợ (bao bì, thiết bị bảo quản, nhà kinh, nhà lưới…), chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm cho nông nghiệp.
Đầu tư phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp (công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí, công nghệ bảo quản và chế biến, công nghệ viễn thông, viễn thám, công nghệ thông tin…).
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có thể liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng cánh đồng lớn, liên kết với nông dân, hợp tác xã; xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh, tạo thương hiệu cho thị trường trong nước và quốc tế.
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam thuê lại hoặc theo hình thức đối tác công – tư trong các lĩnh vực: thủy lợi, hạ tầng lâm nghiệp, cảng cá, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai…
Để thúc đẩy thu hút đầu tư từ doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, Việt Nam cần có chính sách để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp như: tạo quỹ đất cho doanh nghiệp (bao gồm tổ chức nông dân trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp); hoàn thiện hạ tầng lưu thông như cảng, đường sá…
Bên cạnh vai trò và chính sách của Trung ương, chính quyền địa phương cần chủ động và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp tiến hành đầu tư thuận lợi.
Mặt khác, Việt Nam cần thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để kết nối với các doanh nghiệp đầu tàu Nhật Bản trong các hoạt động dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ./.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn