Nông nghiệp gặp nhiều thách thức lớn với TPP

21/12/2015

Các chuyên gia tiếp tục lên tiếng cảnh báo rằng ngành nông nghiệp Việt Nam nếu không nhanh chóng thay đổi sẽ bỏ lỡ những lợi thế và cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại.

Tại buổi Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 17-12 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định rằng nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng khi hội nhập, nhưng các thách thức là rất lớn và khó vượt qua nếu không tích cực và chủ động thay đổi.

Để tận dụng được những cơ hội do TPP mang lại, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải kết hợp nhiều yếu tố như thay đổi phương thức sản xuất, liên kết hộ dân thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp và đặc biệt, cần phải quảng bá sản phẩm nông sản thông qua những phương thức mới như thương mại điện tử.

Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức

Tại hội thảo, ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), cho hay, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một loạt các loại thuế xuất nhập khẩu sẽ về 0%, điều này sẽ tạo thuận lợi cho nhiều mặt hàng nông sản như cao su, chế biến gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả tươi thâm nhập thị trường nước ngoài.

TS Trần Công Thắng - PVT Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (thứ 2 từ trái sang) chủ trì Phiên thảo luận 2 tại Hội thảo

 

Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu những mặt hàng nguyên liệu như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…trong khối TPP với giá rẻ hơn do thuế nhập khẩu sẽ về 0%. Tuy nhiên, hiện thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng này đã rất thấp nên kỳ vọng sau TPP, giá thành thức ăn chăn nuôi sẽ giảm sâu là khó.

Hiện nay, mặt hàng đáng lo ngại nhất khi tham gia TPP là sản phẩm chăn nuôi như thịt bò, thịt gà, thịt heo dù việc giảm thuế đối với ngành này có lộ trình.

“Mặc dù hiện nay kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này không lớn do người tiêu dùng Việt vẫn có thói quen sử dụng thịt tươi sống, nhưng nếu không thay đổi phương thức sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì rào cản tự nhiên này cũng sẽ giảm đi, đặc biệt là khi giới trẻ có xu hướng sử dụng thịt đông lạnh mua từ siêu thị”, ông Thắng nói.

Hiện nay, dù thuế nhập khẩu vẫn cao, ví dụ như thịt bò, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng qua từng năm; năm 2005, kim ngạch nhập khẩu thịt bò chỉ khoảng 3 triệu đô la Mỹ, nhưng năm 2014 đã lên tới 100 triệu đô la Mỹ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đồng Tháp, cho hay để đón đầu cơ hội từ TPP, Đồng Tháp đã thực hiện sớm đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc ưu tiên phát triển các mặt hàng như lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt... Đồng thời, Đồng Tháp cũng liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức của Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand để tổ chức lại sản xuất.

Tuy nhiên, nông nghiệp Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế, như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, thị trường tiêu thụ không ổn định; trình độ và công nghệ sản xuất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài; năng lực của các hợp tác xã còn yếu, khó khăn trong việc thiết lập mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nắm được thông tin về hội nhập…

Chuyên gia Nhật, Đức “hiến kế” cho nông nghiệp Việt Nam

Tại hội thảo, ông Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng để vững vàng hội nhập, bên cạnh việc đảm bảo tốt hơn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thực sự thay đổi một số khâu cơ bản như sản xuất, chế biến, phân phối.

Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, khoảng 0,62 héc ta/hộ gia đình. Do vậy, nông dân khó có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Thông thường, đối tượng trung gian giữa người nông dân và thị trường thu lợi nhiều nhất. Do đó, phải giải quyết bằng cách tổ chức hiệu quả để nông dân có thể tham gia vào các hợp tác xã, nhà ngoại giao Nhật nói.

Ở khâu chế biến, hiện nay chưa có nhiều cơ hội để các hộ nông dân, các cơ sở chế biến có thể tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, ví dụ chưa phân biệt rõ nét sản phẩm cấp trung hay cấp cao nhằm bán hàng ở phân khúc thị trường phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng như thủy sản hay rau quả tươi khi vận chuyển xa thì bị hỏng do cơ sở hạ tầng hạn chế, chưa có container làm lạnh để có thể vận chuyển sản phẩm.

“Muốn sản phẩm có giá trị gia tăng cao, điều này phải được sớm khắc phục”, ông Nagai Katsuro nói và cho biết thêm, mặt hàng nông sản Việt Nam bên cạnh việc đóng gói, dán nhãn mác cẩn thận, chất lượng đảm bảo, điều cần thiết nữa là phải được xây dựng thương hiệu.

Ở một góc độ khác, theo ông Björn Koslowski, Phó Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho hay một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam cần lưu ý là làm tốt hơn khâu thương mại điện tử.

Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng website bằng tiếng Anh để có thể tiếp thị cho các đối tác nước ngoài. Trên đó, các thông tin về doanh nghiệp phải chân thực, đầy đủ, rõ ràng.

Ông Björn Koslowski kể lại, đã có những trường hợp, doanh nghiệp Đức muốn hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam nhưng không có cách nào để tìm kiếm được thông tin đầy đủ về doanh nghiệp mà phải thông qua những khâu trung gian. Điều này khá bất tiện.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần kết nối với các trang mạng bán hàng quốc tế như Alibaba, tích cực tham gia các hội chợ quốc tế, ông nói.

“Khi đã có đơn hàng, điều doanh nghiệp phải chú ý là kịp thời phản hồi thông tin cho khách hàng”, ông Bjorn Koslowski nhấn mạnh và cho hay, đây là điều cơ bản để doanh nghiệp có thể hội nhập hiệu quả.

Theo Saigontimes


Tin khác