Hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ thông tin – Trường hợp ngành hàng Gà

30/06/2016

Ngày 30/06/2016, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao VSATTP, GTGT và BVMT trong sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ thông tin – Trường hợp ngành hàng Gà”.

Dự án “Nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ thông tin – Trường hợp ngành hàng Gà” được thực hiện bởi Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hướng tới mục tiêu nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ thông tin.

Tại Hội thảo, bà Trương Thị Thu Trang - Quyền Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (thuộc IPSARD) đã đại diện nhóm nghiên cứu, trình bày báo cáo về “Nghiên cứu chuỗi giá trị và thị trường tiêu dùng”. Nghiên cứu được thực hiện trên 3 địa bàn chính là Hà Nội, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả chính thu được từ nghiên cứu cho thấy tiềm năng phát triển tốt của ngành hàng gà, đặc biệt là sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc do phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng thị trường.

Bà Trương Thị Thu Trang trình bày Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị và thị trường

Công nghệ QR code được sử dụng trong hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ thông tin là điểm đặc biệt và được nhấn mạnh với điểm mạnh có thể chứa nhiều thông tin, dễ dàng truy xuất thông tin (bằng smartphone) nhưng do chưa phổ biến tại Việt Nam nên còn khá lạ lẫm với người tiêu dùng. Do vậy, cần có những biện pháp tuyên truyền thích hợp về công nghệ này đói với người tiêu dùng.

Ông Phan Van Dần - Chuyên gia IT (thuộc IPSARD) trình bày về Hệ thống truy xuất nguồn gốc

“Muốn ngành hàng gà nói riêng và các ngành hàng động vật nói chung phát triển tốt trong thời kỳ Hội nhập thì việc truy xuất được nguồn gốc là tất yếu. Tuy nhiên, muốn truy xuất được nguồn gốc thì tất các khâu trong chuỗi giá trị phải liên kết chặt chẽ với nhau, và tác nhân chính để duy trì chuỗi phải là doanh nghiệp. Ngoài ra, chính quyền, đặc biệt là chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham gia tích cực vào quá trình kiểm soát chất lượng và nguồn cung động vật sống. Cần quy hoạch khu giết mổ tập trung và tuyệt đối cấm việc vận chuyển động vật sống trên địa bàn tỉnh, thành phố”. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trường IPSARD tổng kết.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn tổng kết Hội thảo

Kết quả của dự án được đánh giá cao bởi các chuyên gia là kết quả khích lệ đối với nhóm nghiên cứu. Những tham luận của các chuyên gia tại Hội thảo sẽ được nhóm nghiên cứu tổng hợp và đưa vào bản kiến nghị chính sách của dự án nhằm mục tiêu nhân rộng, phát triển mô hình của dự án.


Tin khác