Chương trình Nông thôn mới tại Việt Nam và các bài học kinh nghiệm thực tế từ phát triển phong trào Làng mới ở Hàn Quốc

07/07/2016

Từ ngày 5-8/7/2016, đoàn công tác của các chuyên gia Tập đoàn Phát triển Cộng đồng Nông thôn Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Nông thôn Hàn Quốc có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, nhân dịp này Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chương trình Nông thôn mới tại Việt Nam và các bài học kinh nghiệm thực tế từ phát triển phong trào Làng mới ở Hàn Quốc”.

Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010 -2015 đã tạo nhiều đột phá lớn, phát triển kinh tế hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn và thể hiện thực sự là một giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp nông thôn nông dân.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng IPSARD phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Tuy nhiên, theo ông Vũ Việt Hà - Phó Trưởng phòng Thông tin &HTQT, Văn phòng điều phối Nông thôn mới TW, giai đoạn này vẫn còn gặp nhiều tồn tại và vướng mắc như: Chênh lệch giữa các vùng, miền ngày càng xa; Phát triển sản xuất còn manh mún; thiếu mô hình liên kết theo chuỗi mang tính bền vững (chưa đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường); Thiếu cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện; Vướng mắc trong cơ chế quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cấp; Chất lượng đạt chuẩn của một số tiêu chí thiếu bền vững; Năng lực cán bộ còn hạn chế; Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc ở nông thôn...

Theo đó, Chương trình NTM từ 2016-2020 đề ra các mục tiêu chủ yếu sau: số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; Không còn xã dưới 5 tiêu chí; Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã; Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015.

Tại buổi làm việc, TS. Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng IPSARD đã đưa ra đề xuất Mô hình thử nghiệm Quỹ xây dựng NTM tại Việt Nam. Đề xuất hướng tới nâng cao vai trò tự chủ của chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM thông qua việc trao quyền quyết định hoạt động ưu tiên cho cộng đồng; tăng cường huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng và cư dân nông thôn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, khắc phục bất cập của cơ chế chính sách hiện hành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng NTM.. Mô hình thử nghiệm kỳ vọng sẽ bắt đầu được triển khai vào 2017-2018 với quy mô thí điểm 16 tỉnh thuộc 8 vùng kinh tế xã hội (2 tỉnh/vùng), 10 mô hình/tỉnh (10 xã): khác nhau về điều kiện tự nhiên (đồng bằng, ven đô, trung du, miền núi, ven biển), về mức độ giàu nghèo.

Đại diện Viện Nghiên cứu nông thôn Hàn Quốc thuộc Tập đoàn Phát triển Nông thôn Hàn Quốc 

Với kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Sang Bong Im - Viện Nghiên cứu nông thôn Hàn Quốc thuộc Tập đoàn Phát triển Nông thôn Hàn Quốc đã đưa ra một số gợi ý về đề xuất chính sách cho phát triển NTM tại Việt Nam như ổ định tài chính cho phát triển nông thôn; Tăng cường vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc phân bố lại các nguồn lực. Đồng thời thành lập các tổ chức phát triển chuyên môn hóa, phát triển chính sách hợp tác nông nghiệp và huy động nguồn đất cho nông nghiệp bằng tích tụ ruộng đất, đất nông nghiệp với cơ sở hạ tầng nhất là khu vực miền núi. Bên cạnh đó là việc thành lập khu công nghiệp tại khu vực ven đô và xung quanh các vùng trung tâm kết hợp phát triển các chương trình đào tạo nghề do các cơ quan chuyên ngành thực hiện.

Tập đoàn Phát triển Cộng đồng Nông thôn Hàn Quốc (KRC) là cơ quan hàng đầu Hàn Quốc về quản lý, xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn ở Hàn Quốc. KRC cũng là cơ quan quản lý điều hành việc xây dựng và phát triển thành công mô hình Làng mới (Sameaul Undong). KRC hiện đang hỗ trợ Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT và Viện Nghiên cứu Nông thôn Hàn Quốc thực hiện “Nghiên cứu về điều kiện thực hiện và đề xuất giải pháp thực hiện thành công Chương trình Nông thôn mới tại Việt Nam” nhằm góp phần tư vẫn thiết thực và hiệu quả hơn cho việc thực hiện Chương trình Nông thôn mới tại Việt Nam trong thời gian tới.

 


Tin khác