Hội thảo “Các công cụ đánh giá tác động của hội nhập đến đói nghèo, sinh kế và quản lý rừng”

15/11/2006

Ngày 10/11/06, hội thảo “Các công cụ đánh giá tác động của hội nhập đến đói nghèo, sinh kế và quản lý rừng” đã được tổ chức tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT, số 6 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng hoàn thiện đề cương nghiên cứu tác động của hội nhập đến sinh kế của người dân và công tác quản lý rừng ở các địa phương miền núi. Tham dự hội thảo có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này và các cán bộ của Viện.

TS. Đặng Kim Sơn đã mở đầu hội thảo bằng bài trình bày về “Các phương pháp Phân

tích Chính sách”. Theo ông, công tác phân tích chính sách hiện nay vẫn tồn tại nhiều sai lầm. Sai lầm đầu tiên giống như câu chuyện “Thầy bói xem voi”. “Cách phân tích như vậy sẽ đưa đến những kết luận phiến diện và những đề xuất nông cạn”. Từ kinh nghiệm của mình, TS Sơn nhận thấy: “những cán bộ nghiên cứu của Viện không có sự linh hoạt, uyển chuyển trong sử dụng các phương pháp phân tích. Điều này khiến các kết quả và đề xuất đưa ra không chính xác. Hơn nữa, nhiều cán bộ “lao vào đám chính sách cũ, hoặc đưa ra những mục tiêu bay bổng, không thiết thực, tạo ra hiện tượng đầu voi, đuôi chuột. Trong nhiều nghiên cứu, mục tiêu, nội dung và kết luận trái ngược nhau”. Để tránh những sai lầm trên, theo ông, cần phải xác định rõ các giả thuyết khoa học, xác lập rõ quan hệ nhân quả và lựa chọn đúng phương pháp nghiên cứu.

Tiếp theo, các đại biểu cùng thảo luận về các phương pháp đánh giá tác động với bài trình bày của ThS. Phùng Đức Tùng. Ông Tùng cho biết, các phương pháp đánh giá tác động được nghiên cứu và phát triển bởi Rubin (1974) và sau đó được các nhà nghiên cứu khác phát triển thêm (Heckman, Angist). Hầu hết các nghiên cứu tác động hiện nay đều kết hợp giữa phân tích định lượng và định tính. Phân tích định lượng phù hợp với đánh giá nguyên nhân-kết quả, và có thể đưa ra được kết luận cho toàn bộ Chương trình. Bên cạnh đó, phương pháp định tính lại có thể mang lại các nhận định sâu về nhận thức của đối tượng hưởng lợi, các nguyên nhân đằng sau các kết quả rút ra từ phân tích định lượng.

Hội thảo kết thúc với bài trình bày của TS. Phạm Mạnh Cường, Viện Điều tra-Quy hoạch Rừng, Bộ NN&PT NNNT, về phương pháp thu thập và xử lý thông tin trong đánh giá tác động của hội nhập kinh tế đến quản lý rừng. Theo TS. Cường, việc thu thập các số liệu về tài nguyên rừng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như: số lượng thông tin lớn, phạm vi rộng, và khó tiếp cận. Hiện nay nhiều nghiên cứu đã ứng dụng “Viễn thám” trong thu thập thông tin. “Viễn thám” được hiểu là công nghệ dùng để thu nhận thông tin/số liệu, đo đạc dữ liệu về các thuộc tính của hiện tượng, vật thể thông qua cá thiết bị ghi nhận mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng quan sát. Hiệp hội Lâm nghiệp Hoa Kỳ cho rằng: “Ứng dụng ảnh vệ tinh và các công nghệ liên quan là một trong 10 sự tiến bộ hàng đầu của lĩnh vực lâm nghiệp trong vòng hơn 10 năm qua”.


Nguyễn Thu Trang

Tin khác