Điều này dẫn tới việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Theo ông Thắng, tình trạng đất đai nông nghiệp còn khá nhiều tồn tại, thiếu bàn đạp cơ chế cho sự phát triển thị trường đất đai. Cụ thể, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra chậm; thống kê không sát thực tế. Cơ sở dữ liệu đo đạc cắm mốc thiếu, không cập nhật....
Những điều này cản trở không ít đến sự phát triển của thị trường đất đai nói chung, khiến số lượng trang trại trồng trọt tăng chậm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn hạn chế.
- Nhưng chúng ta đang có nhiều cơ chế khuyến khích tích tụ ruộng đất, thưa ông?
Chúng ta hẳn đã nghe nhiều tới câu chuyện có cơ chế nhưng việc thực hiện trong thực tế lại không dễ dàng. Đơn cử như quy định địa phương sẽ đầu tư kinh phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp thuê tập trung, tích tụ đất nông nghiệp đã có, nhưng đến nay, nhiều địa phương chưa thực hiện được việc giải ngân do trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc như quy mô, diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ không thể đáp ứng điều kiện về diện tích hỗ trợ, quy định là tối thiểu 10 ha liền kề đối với cây lúa, 3 ha liền kề đối với cây ăn trái nên hầu hết các huyện không đủ điều kiện để đăng ký hỗ trợ từ chính sách này.
Mặt khác, theo quy định, về hồ sơ thì hợp đồng thuê đất phải có công chứng hoặc chứng thực. Thế nhưng, hiện đa số các hộ cho thuê đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng nên việc chứng thực hợp đồng thuê đất không thực hiện được.Điều này cho thấy, ngay chính những cơ chế tưởng như hỗ trợ cũng trở thành một lực cản không nhỏ.
- Ông có thể lý giải rõ hơn những “lực cản” này?
Thực tế ghi nhận những “rào cản chính sách” tập trung ở một số vấn đề như diện tích bình quân hộ duy trì ở mức thấp, < 0,5 ha/ hộ. Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao. Trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới, bình quân chỉ 0,25 ha/người.
Cùng với đó, mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. Cụ thể, chuyển nhượng đất nông nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 2% của giá chuyển nhượng là con số cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.
Quy định cũng không cho phép doanh nghiệp tư nhân trong nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo như đất ở. Thực tế, nhiều địa phương muốn hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nhưng cũng chưa có quy định rõ vai trò của nhà nước trong việc này.
- Vậy là những vướng mắc đối với thị trường đất nông nghiệp không chỉ liên quan đến cơ chế cho thuê, chuyển nhượng đất, thưa ông?
Đúng vậy! Doanh nghiệp chuyển nhượng, thuê đất đã khó khăn, muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng tiếp tục gặp khó. Hiện, chưa có quy định cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa các loại hình sử dụng đất nông nghiệp. Nghị định số 62/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 35 chỉ cho chuyển đổi 20% đất thủy sản, hạ thấp ko quá 120cm.
Quy định cụ thể về hướng dẫn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nhóm đất nông nghiệp sang đất cho chăn nuôi cũng đang thiếu vắng.
- Vậy theo ông tháo gỡ những “rào cản” này bằng cách nào?
Vướng mắc trong tích tụ đất đai trong nông nghiệp đã được nhắc tới từ lâu và theo tôi muốn thực sự hiệu quả, Dự thảo Luật Đất đai sẽ sửa đổi tới đây cần điều chỉnh các chính sách liên quan theo hướng bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Đồng thời, quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa. Đặc biệt giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Có vậy mới thu hút được doanh nghiệp.
Trong thời gian chờ sửa Luật, trước mắt, địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu/cụm/công viên/trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, HTX.
Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp, hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX thuê đất NN của các hộ nông dân. Doanh nghiệp sẽ thông qua cơ chế liên kết với các HTX để xây dựng các cánh đồng lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung.
- Còn mục tiêu dài hạn là hình thành được thị trường đất nông nghiệp, để đất đai trở thành hàng hoá, thưa ông?
Muốn hình thành thị trường đất nông nghiệp, song song với những yêu cầu kể trên, cần tiến hành định giá độc lập theo hướng giá trị tài sản đất và bất động sản gắn liền với quy hoạch vùng, tính tới cả vị trí và giá trị tương lai của mảnh đất. Xây dựng các tổ chức hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho nông dân trong các giao dịch về đất đai.
Xây dựng hệ thống quản lý đất điện tử cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch giúp minh bạch thị trường.
Đồng thời, xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo nhiều hình thức, bao gồm chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, hợp tác kinh doanh. Đấu giá quyền sử dụng đất các phần đất của Nhà nước chưa giao, chưa sử dụng để đất có chủ và được đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Quyền sử dụng đất cũng cần được trao đổi theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, khi đó mới giải quyết được bài toán nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu có để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
-Xin cảm ơn ông!
Theo Enternews.vn