Vẫn nan giải 'bài toán' nhân lực cho HTX

01/12/2023

Có một thực tế nan giải thường thấy ở các HTX hiện nay là thiếu nhân lực, nhân lực “già hóa” trong khi đó lại khó tuyển thêm được nhân lực mới đã qua đào tạo. Điều này khiến cho nhiều HTX khó khăn trong phát triển sản xuất, mở rộng quy mô thị trường...

Đây là một trong những vấn đề nổi cộm được các đại biểu HTX nêu ra tại Diễn đàn phát triển mô hình kinh tế HTX - Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững vừa được Tạp chí Kinh doanh tổ chức. Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hà Nội, cho biết: “HTX chúng tôi tự hào có đến 7 kỹ sư nhưng nguồn nhân lực thực tế vẫn còn rất khó khăn. Với HTX thì việc mời được các bạn trẻ đã đào tạo chuyên ngành về làm việc là rất khó. Dù đã đưa ra mức lương 10 triệu trở lên nhưng vẫn không thể thu hút được”. 

Thiếu nhân lực trẻ, nhân lực trình độ cao

Chia sẻ rõ hơn, ông Thám cho biết, HTX hiện đang triển khai rất nhiều hình thức áp dụng công nghệ, đổi mới trong canh tác nông nghiệp như hệ thống nhà lưới có tưới tiêu tự động, hệ thống cảnh báo thời tiết, hệ thống truy xuất nguồn gốc… Tuy người dân rất nhiệt tình, mong muốn tiếp cận khoa học để phát triển nhưng còn hạn chế rất nhiều về nhận thức, kỹ năng, cần người có kiến thức hướng dẫn, giúp đỡ.

"Điều đáng nói, toàn bộ diện tích 17,8 ha canh tác và nhà máy 500m2 chỉ có 7 kỹ sư nông nghiệp quản lý, không thể chăm lo, hướng dẫn hết được. Chưa kể, mong muốn mở rộng thị trường, tiếp cận thương mại điện tử của HTX cũng mới chỉ là ý tưởng, cứ tính rồi lại thôi bởi không biết phải triển khai như thế nào, nắm bắt thị trường ra sao khi không có những nhân lực trẻ có chuyên môn marketing năng động, sáng tạo hỗ trợ", ông Thám nói. 

-4195-1701167874.jpg

Ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT, Tổng GIám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn phát biểu tại diễn đàn.

Bên cạnh vấn đề thiếu nhân lực trẻ, có trình độ việc nhân lực ngày càng “già hóa” cũng khiến các HTX khó đi lên bền vững. Những cán bộ có tuổi dù tâm huyết với công việc nhưng lại thiếu đi sự sáng tạo, bứt phá, không chỉ vậy họ thường gặp khó khăn trong nắm bắt thị trường, tiếp cận với khoa học công nghệ,... 

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngô Bắc (Quảng Bình) cho biết: “Hội đồng quản trị của HTX gồm 3 thành viên thì đều đã ở vào tuổi ngoài 60. Mặc dù trên thực tế, thực trạng “già hóa” đội ngũ quản lý HTX, nhất là các HTX nông nghiệp dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sổ sách kinh doanh... Tuy nhiên, đặc thù của HTX chủ yếu làm các dịch vụ về nông nghiệp nên rất khó giao lại cho đội ngũ trẻ và người trẻ thường không mấy mặn mà”.

50% cán bộ HTX chưa qua đào tạo

Thực tế thì câu chuyện thiếu nhân lực không chỉ ở HTX của ông Thám và ông Nghị mà diễn ra ở hầu khắp các HTX trên địa bàn cả nước. Qua rà soát của Bộ NN&PTNT cho thấy mới chỉ có khoảng 20% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 30% có trình độ sơ cấp và trung cấp và còn khoảng 50% cán bộ HTX chưa qua đào tạo.

Ông Ngô Gia Hồng Đức, giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, cho biết: Riêng đối với các HTX thuần trồng lúa, độ tuổi trung bình của đội ngũ quản lý khoảng 48-52 tuổi và đang có sự “già hóa”.

Lý giải về điều này, ông Đức nói rằng, đối với các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa, độ tuổi của HĐQT gần như được xem là tiêu chí “cứng”, bởi các HTX này liên quan đến an ninh lương thực, an ninh xã hội và các công việc ích lợi khác tại thôn, xóm. Giám đốc, HĐQT các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa vì thế thường phải là người có kinh nghiệm, có uy tín và nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình đều lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX. Bình quân mỗi năm có từ 12-15 lớp với hơn 1.000 học viên từ 300 HTX tham gia với đủ thành phần từ kế toán, kiểm soát cho đến đội ngũ quản lý, HĐQT các HTX.

Đánh giá về tình trạng nhân lực hiện nay ở các HTX, giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan: “Nhìn chung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cả nước chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, thiếu người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao.”

Nguyên nhân khó thu hút nhân lực trẻ, nhân lực trình độ cao được các HTX đưa ra là do tồn tại quan niệm làm việc trong HTX thu nhập không bảo đảm. Ngoài ra, những định kiến về môi trường nông nghiệp như vất vả nhưng khó phát triển, không được cọ xát, không hiện đại cũng là lý do khiến các lao động ngần ngại không ứng tuyển vào công việc tại các HTX.

Giải pháp nào để nhân lực trẻ về 'đầu quân' cho HTX?

Theo các chuyên gia, để thu hút được những người trẻ, những người đã qua đào tạo tới làm việc tại các HTX thì điều thiết yếu cần làm là thay đổi nhận thức của họ, giúp họ hiểu biết đầy đủ hơn về mô hình kinh tế tập thể hợp tác, HTX. 

Vì vậy, hoạt động tuyên truyền về những điểm tích cực, lợi ích của mô hình HTX; đưa ra những dẫn chứng thiết thực về các HTX theo mô hình mới, hiện đại; hay tích cực truyền thông về những HTX đạt thành tựu tốt, thu nhập cao... là những cách làm hiệu quả để thu hút người trẻ quan tâm đến HTX.

Thực tế vài năm trở lại đây, có một số HTX do những người trẻ 8X, 9X làm chủ, vận hành hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tiêu biểu như dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, du lịch sinh thái… Những mô hình như vậy rất nên được quảng bá, tuyên truyền lan rộng để được biết đến nhiều hơn nữa, tạo sự đổi mới trong tư duy về mô hình kinh tế hợp tác với xã hội nói chung và người trẻ nói riêng. 

Trở lại với Diễn đàn phát triển mô hình kinh tế HTX - Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, trao đổi với các HTX, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, để giải bài toán nhân lực trẻ, có trình độ thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bài bản. “Các trường, viện nên nghiên cứu, phát triển những mã ngành, nghề nghiệp đào tạo nào đó để có thể hình thành ra thế hệ sau có nhiều kiến thức, kỹ năng hơn đối với việc phát triển mô hình HTX.“ bà Vân nói.

Người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam nói rằng, việc đào tạo hiện nay dù có nhưng chưa hiệu quả và chưa đi vào thực chất, chính điều đó đã khiến HTX trong suy nghĩ của sinh viên dường như vẫn là con số 0. “Chúng ta đào tạo, bồi dưỡng không thiếu nhưng vẫn chưa “vào bài”. Bộ ngành nào, địa phương nào cũng có thể đào tạo nhưng chưa biết đào tạo theo chuẩn ra sao, bồi dưỡng theo tiêu chí nào", bà Vân nói đồng thời yêu cầu liên minh HTX cần quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để khắc phục tình trạng trên.

Nhận định vấn đề nhân lực trẻ, nhân lực chất lượng cao cho HTX chưa thể được giải quyết nhanh chóng trong 'một sớm một chiều'. Do vậy, lãnh đạo liên minh HTX đề nghị, trong bối cảnh khó tuyển nhân lực trẻ thì các HTX không thể ngồi im chờ đợi mà cần chủ động chú trọng đào tạo, phát triển thêm nguồn nhân lực hiện có.

"Việc định kỳ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giám đốc HTX về các kiến thức quản trị, xây dựng kế hoạch, liên kết doanh nghiệp, tham gia thị trường… cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục", bà Vân nhấn mạnh.

Bích Tâm


https://vnbusiness.vn

Tin khác