Kết quả giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

01/12/2023

Ngày 14/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2022/QH15 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời với ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ngày 30/10/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có báo cáo tóm tắt kết quả giám sát đối với việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia.

1. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 39.632 tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư phát triển là 30.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng. Ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ngoài chính sách chung, Chương trình còn có 06 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Kết quả giám sát cho thấy, kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu: “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”. Tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cơ bản giữ ổn định như giai đoạn trước. Hệ thống văn bản thực hiện từ Trung ương đến địa phương được ban hành tương đối đầy đủ, có đổi mới, cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, có cách làm hay, mô hình tốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc và đúng theo quy định. Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo báo cáo của Đoàn giám sát, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 còn tồn tại nhiều bạn chế:

(1) Hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện của Trung ương và địa phương còn nhiều, ban hành chậm, chưa đồng bộ, còn có vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

(2) Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.

(3) Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

(4) Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới;

(5) Cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của các Chương trình mục tiêu để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả.

2. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, gồm 07 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (trọng tâm là 74 huyện nghèo và 52 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo). Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Ngân sách thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia được thông qua tại các Nghị quyết của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư (tỷ đồng)

Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát cho thấy, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững lại tập trung vào các “lõi nghèo” khó khăn nhất của cả nước. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện. Đến tháng 9/2022, là Chương trình đầu tiên trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương. Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra; bước đầu cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Các địa phương đã sử dụng nguồn lực của Chương trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Tuy vậy, việc ban hành văn bản của Chương trình vẫn chậm so với quy định. Một số văn bản đã ban hành có khó khăn vướng mắc, địa phương kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung. Việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; Giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (đến 31/01/2023) đạt 35,63% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch. Việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo còn chưa thực chất. Tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Bên cạnh đó, trong công tác giảm nghèo nói chung, còn có tình trạng một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc để phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã “chạy theo thành tích” giảm nghèo đa chiều nhưng trên thực tế nhiều tiêu chí quan trọng về chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất, bền vững sau khi đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình...

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số, kết quả giám sát cho thấy, quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước…”. Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Đến tháng 6/2023, các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình cơ bản đã hoàn thành với khối lượng khá lớn, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành khoảng 58 văn bản, ở mỗi địa phương ban hành từ 40-50 văn bản liên quan. Tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3.4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình. Mặc dù vậy, Đoàn giám sát đã chỉ rõ, việc ban hành các văn bản quản của Chương trình còn chậm. Mô hình chỉ đạo, điều hành còn bất cập, chưa được kiện toàn, đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Đến tháng 6/2023 vẫn còn 21 tỉnh chưa thành lập tổ công tác. Việc phân bổ vốn Trung ương chậm, dẫn đến đối tượng thực hiện của một số chính sách, ở một số địa phương có sự thay đổi, không còn phù hợp. Kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn, do đó, Chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025. Theo báo cáo, Chương trình đến nay đã đạt và vượt nhiều  chỉ tiêu đề ra, xong trên thực tế, Đoàn giám sát nhận định: đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của Chương trình rất khó khăn.

https://quochoi.vn/content/tintuc/publishingimages/301020230854-z4830563023930_a71e95cb5c2561867d783953f7b31496.jpg

Ảnh: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (nguồn: quochoi.vn)

3. Đánh giá chung

Đánh giá chung về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Đoàn giám sát nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kế thừa và phát huy giá trị, thành tựu của giai đoạn trước, kết quả triển khai các Chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện.

Ban Chỉ đạo chung các Chương trình đã kiện toàn thống nhất 01 Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ và các bộ, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và riêng từng Chương trình. Thông qua hoạt động giám sát, cán bộ các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương nhận thức được thực chất, đầy đủ hơn về thực trạng các Chương trình, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh kết quả đạt được, các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác.

Hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét; Còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện Chương trình; Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu  đặt ra; Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 03 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp; Việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình chưa kịp thời; Tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán, làm cho các cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước không được phát huy hiệu quả trên thực tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội, các Chương trình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đoàn giám sát đã phân tích rõ nguyên nhân khách quan, bảy nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng từ tình hình kinh tế chung của thị trường thế giới; biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập, mức sống người dân. Thay đổi nhân sự, bộ máy tổ chức Ban Chỉ đạo Chương trình cả ở Trung ương và địa phương đã phần nào ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

Bảy nguyên nhân chủ quan Đoàn giám sát chỉ ra, đó là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung ba Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội là thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phân cấp cho địa phương và nhiều yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dưng văn bản, chính sách còn hạn chế. Việc phối hợp của một số cơ quan, Bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Cả ba Chương trình đều gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên rất cần cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù. Cách tiếp cận xây dựng các Chương trình chưa thực sự phù hợp, được thiết kế phức tạp gồm nhiều chính sách, dự án, tiểu dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực cùng chủ trì thực hiện với khoảng gần 100 chính sách.

Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư ba Chương trình mục tiêu quốc gia có giao Chính phủ xây dựng chính sách, cơ chế quản lý đặc thù, nhưng lại yêu cầu thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác. Điều này làm cho Chính phủ và các địa phương khó thể chế hóa, quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo cơ chế đặc thù. Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành các Chương trình còn chậm, nhất là chưa xây dựng, triển khai kịp thời hệ thống giám sát, đánh giá quản lý, điều hành các Chương trình; hệ thống thông tin, dữ liệu, báo cáo từ địa phương đến Trung ương chưa đồng bộ, đầy đủ, minh bạch.

Trách nhiệm cụ thể thuộc về Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, mà chủ yếu là các cơ quan chủ chương trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc), các bộ, ngành liên quan (nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính). Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm thẩm tra, giám sát, đôn đốc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Chương trình.

Đoàn giám sát đã nêu một số kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đối với địa phương.  Một số điểm chính là:

- Thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện

- Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi.

- Hoàn thiện bộ máy, tổ chức quản lý thực hiện các Chương trình;

- Thiết lập hệ thống đánh giá, giám sát, báo cáo phù hợp;

- Chỉ đạo nghiên cứu, định hướng xây dựng nội dung, cơ cấu, chính sách đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2031./.

 

Nguyễn Ngọc Luân - Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp


Tin khác