Kết quả thí điểm và bài học kinh nghiệm trong xây dựng mô hình thí điểm cà phê chất lượng cao Việt Nam

27/11/2023

Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhân Robusta. Năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 3,9 tỷ USD. Cà phê Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng như tăng trưởng GDP ngành nông lâm thủy sản. Mặt khác, ngành cà phê đã tạo việc làm và thu nhập chính cho trên 500 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất cà phê Việt Nam là chất lượng cà phê còn thấp và không đồng nhất, chưa theo kịp nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là do cà phê Việt Nam hiện được sản xuất và tiêu thụ chủ yếu thông qua các chuỗi giá trị không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê chủ yếu thu mua thông qua trung gian. Phân loại chất lượng cà phê phổ biến sử dụng phương pháp phân loại cũ dựa trên kích thước hạt và tỷ lệ hạt đen vỡ. Phương pháp thu hái lạc hậu, chủ yếu hái tuốt chọn gồm cả quả xanh và quả chín nên chất lượng cà phê không đảm bảo. Nhằm góp phần vào nỗ lực chung trong phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại cà phê Việt Nam chất lượng cao” (Đề tài trong khuôn khổ Dự án khoa học công nghệ “Hoàn thiện công nghệ sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cà phê và xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao”) đã thực hiện xây dựng 04 mô hình thí điểm chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao tại tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng và Sơn La. Các hoạt động can thiệp của Đề tài tập trung vào (i) Thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cà phê theo cả chiều dọc và chiều ngang; (ii) Nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam thông qua tăng cường kỹ thuật sản xuất, sơ chế và chế biến cho các tác nhân tham gia mô hình (hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp); và (iii) Đẩy mạnh nhận diện thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao thông qua nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao của mô hình. Cụ thể, kết quả thí điểm, thách thức và bài học kinh nghiệm trong xây dựng mô hình chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao được trình bày dưới đây:

1. Kết quả thí điểm xây dựng mô hình chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao

 Về hiệu quả xã hội, nâng cao nhận thức cho hộ trồng cà phê về kỹ thuật canh tác, sơ chế và chế biến cà phê cho các hộ tham gia mô hình, đặc biệt là công đoạn thu hái, bảo quản sau thu hoạch và chế biến. Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ áp dụng phương pháp hái chọn của tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai được cải thiện đáng kể sau khi tham gia mô hình, lần lượt tăng từ 10,5% năm 2019 lên 37,9% năm 2020 và tăng từ 7,2% lên 25,8%. Các hộ thường vận chuyển cà phê sau thu hái về nơi chế biến trong thời gian ngắn hơn. Thời gian lưu trữ cà phê quá 12 giờ đối với cà phê chè hoặc 24 giờ đối với cà phê vối khi chế biến ướt và quá 12 giờ đối với chế biến khô cũng giảm đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ hộ lưu trữ cà phê quá 12 giờ đối với cà phê chè hoặc 24 giờ đối với cà phê vối khi chế biến ướt của các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk lần lượt giảm từ 9,1% xuống còn 0%; giảm từ 18,2% xuống 14,8% và giảm từ 14,7% xuống 6,5%. Tỷ lệ hộ lưu trữ quá 12 giờ khi chế biến khô của các tỉnh nêu trên lần lượt là giảm từ 28,6% xuống 7,7%; 26,5% xuống còn 11,1% và 21,2% xuống 10,9%. Bên cạnh đó, Đề tài cũng đã giúp nâng cao nhận thức về tiêu chí cà phê chất lượng cao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia mô hình. 

Về hiệu quả kinh tế, nâng cao lợi nhuận và giá trị gia tăng của hộ trồng cà phê. Kết quả cho thấy lợi nhuận bình quân thu được của các hộ trồng cà phê tham gia mô hình cao hơn so với hộ không tham gia mô hình khoảng 30% với lợi nhuận của hộ trong mô hình của Đắk Lắk đạt cao nhất (35,3%), theo sau là Gia Lai (31,5%), Lâm Đồng (29,0%) và Sơn La (9,6%). Giá trị gia tăng của hộ trong mô hình so với không tham gia mô hình của tỉnh Sơn La là cao nhất, cao hơn 27,6%, theo sau Đắk Lắk (22,4%), Gia Lai (20,9%) và Lâm Đồng (20,2%). Đặc biệt, thấy rằng sự hỗ trợ của Đề tài trong việc liên kết giữa hộ trồng cà phê, hợp tác xã với doanh nghiệp đã tạo ra những kết quả tích cực, tăng cường liên kết tiêu thụ đầu ra giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Tỷ lệ sản lượng bán trực tiếp từ hộ trồng cà phê tham gia mô hình cho doanh nghiệp/hợp tác xã đạt 46,5%, trong khi, hộ không tham gia mô hình là 37,4%. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có tỷ lệ sản lượng bán trực tiếp từ hộ trồng cà phê cho doanh nghiệp/hợp tác xã cao nhất với tỷ lệ của hộ trong mô hình là 60,5%, hộ không tham gia mô hình là 26,7%.

Về hiệu quả môi trường, giảm sử dụng phân bón hóa học, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ giảm thiểu khí phát thải và bảo tồn chất lượng đất trong canh tác cà phê, trong khi, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất. Cụ thể, lượng phân bón hóa học sử dụng của tỉnh Đắk Lắk giảm mạnh nhất, theo sau là Gia Lai và Lâm Đồng. Lượng phân bón hữu cơ của Đắk Lắk và Gia Lai tăng lần lượt là 37,9% và 38,9% so với trước khi tham gia mô hình.  Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh hoạt động tập huấn kỹ thuật cho hộ trồng cà phê, tỷ lệ các hộ tham gia mô hình áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm cũng cao hơn so với hộ không tham gia mô hình, tăng khả năng quản lý và sử dụng nước tiết kiệm nước tại các tỉnh Tây Nguyên trong canh tác cà phê. Tỷ lệ hộ tham gia mô hình áp dụng tưới tiết kiệm tại tỉnh Đắk Lắk đã tăng từ 3,8% năm 2019 lên 4,3% năm 2020.

Củng cố, tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân sản xuất cà phê, giữa các hộ nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. Kết quả cho thấy Đề tài đã tác động tích cực đến liên kết theo chiều dọc và chiều ngang. Về liên kết ngang, tại Sơn La, đã thành lập 02 nhóm nông dân tại Sơn La: nhóm nông hộ Hua La và nhóm nông hộ Chiềng Mung. Tại Gia Lai, đã hỗ trợ và củng cố nhóm nông hộ U Ê phát triển thành hợp tác xã thương mại và dịch vụ nông nghiệp Gla. Bên cạnh đó, Đề tài cũng có tác động tích cực đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã/tổ nhóm nông dân về kỹ năng quản trị và tiếp cận thị trường, đặc biệt là kỹ năng đàm phán hợp đồng. Về liên kết dọc, các tác nhân trong chuỗi giá trị đã có liên kết bền vững và chặt chẽ hơn trong sản xuất và thương mại cà phê thông qua 02 hình thức hợp đồng là hợp đồng cung cấp nguồn lực và hợp đồng tiêu thụ. Doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trong việc quản lý chuỗi, không cần phải làm việc với nhiều đầu mối thu mua, kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn cũng như tiếp cận được với nguồn sản phẩm cà phê chất lượng cao như trường hợp của Công ty Simexco Đắk Lắk đã thu mua cà phê chất lượng cao của Hợp tác xã Ea Tân (điểm SCA từ 7,5 – 8 điểm). Nhìn chung, cơ chế liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao nhất là mô hình Đắk Lắk và Gia Lai. Doanh nghiệp là thành viên trong Hội đồng quản trị của hợp tác xã, hỗ trợ thành lập hợp tác xã cũng như quản trị, vận hành, tập huấn và giám sát quy trình canh tác cà phê dẫn tới chất lượng cà phê cao hơn, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho hợp tác xã.

2. Thách thức trong xây dựng mô hình chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao

Trong quá trình thực hiện, Đề tài cũng nhận thấy một số rủi ro và thách thức trong việc phát triển mô hình liên kết sản xuất, thương mại cà phê chất lượng cao như sau:

Thực hành sản xuất cà phê chất lượng cao: Hộ trồng cà phê chủ yếu vẫn áp dụng phương pháp hái tuốt chọn nên chất lượng cà phê không được đảm bảo. Theo đó, để nâng cao chất lượng cà phê, hộ phải áp dụng phương pháp hái chọn, tuy nhiên, chi phí nhân công thực hiện phương pháp hái chọn rất cao, kéo theo chi phí tăng và lợi nhuận giảm, không đảm bảo thu nhập cho người trồng cà phê. Mặt khác, chưa có máy móc thu hoạch hiện đại phù hợp với địa hình vùng trồng cà phê tại Việt Nam. Ngoài ra, tăng cường bón phân hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn gặp trở ngại do nguồn cung các loại đầu vào này không sẵn có trên thị trường như các sản phẩm hóa học và các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường.

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cà phê chất lượng cao: Kênh phân phối cà phê chủ yếu vẫn thông qua thương lái và đại lý thu mua, chiếm 79,1% sản lượng. Bên cạnh đó, nhiều đại lý chỉ thực hiện mua xô nên khó kiểm soát chất lượng để đưa ra cơ chế thưởng giá đối với các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn hoặc chứng chỉ và không tách biệt được dòng cà phê chất lượng cao riêng.

Nhu cầu thị trường tiêu dùng cà phê chất lượng cao: Quy mô phát triển mô hình chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Tại thị trường trong nước, sản lượng tiêu thụ chỉ chiếm có 13% sản lượng cà phê. Đối với thị trường quốc tế, cần phải nắm rõ định hướng phát triển và thị trường mục tiêu của các doanh nghiệp cũng như năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

3. Bài học kinh nghiệm trong xây dựng mô hình chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao

Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp: Mô hình liên kết chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao với doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt chuỗi, tham gia thu mua cà phê thông qua hợp đồng với nông dân/tổ chức nông dân; Hỗ trợ kỹ thuật, quản lý người trồng thông qua tổ chức nông dân; Thống nhất quy chuẩn cà phê và giám sát chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp là nhân tố then chốt có tác động lớn đến sự thành công của mô hình. Trong liên kết, doanh nghiệp giữa vai trò đầu tàu, tìm kiếm thị trường, xác định phân khúc thị trường, mục tiêu hướng tới cho chất lượng sản phẩm và hỗ trợ người dân tuân theo các yêu cầu do thị trường đặt ra. Chỉ khi doanh nghiệp thực sự muốn xây dựng liên kết, làm việc với nông dân dựa trên tinh thần cầu thị và sự hiểu biết lẫn nhau, mô hình mới có khả năng thành công. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần nhận thức được rằng chỉ qua con đường liên kết chặt chẽ với người trồng cà phê mới có khả năng kiểm soát chất lượng cà phê đầu vào cho chế biến một cách tốt nhất. Doanh nghiệp cần cam kết rõ ràng và thực hiện đúng cam kết đối với người dân trong các hoạt động thu mua sản phẩm.

Vai trò quan trọng của hợp tác xã, đặc biệt là ban lãnh đạo hợp tác xã: Hợp tác xã giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy mối liên kết. Tuy nhiên, để thành công, cơ chế quản trị trong hợp tác xã cần minh bạch, cần tách bạch giữa quản lý và quản trị hợp tác xã. Hợp tác xã cần mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia thì mới khuyến khích được thành viên gắn bó với hợp tác xã. Một yếu tố nữa là vai trò của người quản lý hợp tác xã. Người quản lý hợp tác xã năng động, có trình độ, hiểu biết về thị trường, nhanh nhạy trong nắm bắt kỹ thuật sản xuất, nắm bắt yêu cầu của thị trường, có tư duy mở và động lực, cầu tiến sẽ giúp đẩy hợp tác xã phát triển. 

Lựa chọn đúng hộ trồng cà phê tham gia mô hình: Nông dân có nhiều chiến lược khác nhau trong sản xuất và dễ bị thay đổi bởi các tác động về giá, chi phí và lợi nhuận. Vì vậy, việc lựa chọn nông dân có chiến lược đầu tư lâu dài vào canh tác cà phê là yếu tố quan trọng để xây dựng được mối liên kết thành công. Bản thân người nông dân cũng mong muốn gắn bó với cây cà phê và nâng cao giá trị cho cây cà phê thông qua cách làm khác, nhưng cách làm đó phải được đánh giá và ghi nhận bằng giá trị thu lại cao hơn so với cách làm thông thường.

Cân bằng được lợi ích giữa các đối tác tham gia: Lợi ích giữa hộ trồng cà phê và doanh nghiệp cần phải được cân bằng tương đối: cả hai bên đều có lợi (win-win). Nông dân thu được giá trị cao hơn từ cà phê chất lượng cao trong khi doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến cà phê chất lượng cao. Việc xây dựng được thỏa thuận/hợp đồng và có cơ chế giám sát thực thi hợp đồng rất quan trọng.

 

Nguyễn Thị Thu Hà

Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng


Tin khác