Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Banker (của Anh) mới đây, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN Ajay Chhibber cho hay, độ mở cửa của thương mại VN lên tới 150%. Đây chính là chìa khóa dẫn tới thành công về tăng trưởng trong hơn một thập kỷ qua.
Theo ông Ajay, từ một nước phải nhập khẩu lương thực đến tận đầu những năm 90, Việt Nam đã nổi lên là một nước xuất khẩu nông sản lớn. Những hiệp định thương mại song phương, và việc gia nhập WTO đã đem lại nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn - khoảng 16 tỷ USD, hơn 20% GDP năm 2007. Việt Nam đã trở thành một nhà xuất khẩu các sản phẩm may mặc, công nghiệp nhẹ và gỗ lớn trên thế giới với nhiều lợi ích về công ăn việc làm cho nền kinh tế.
Trong bài viết của mình, ông Ajay đánh giá, trong 15 năm qua, Việt Nam đã là một trong những nước đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 16% năm 2006, với khoảng 34 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. "Tăng trưởng nhanh và liên tục, với tốc độ khoảng 7% đến 8% mỗi năm, là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nghèo", ông nhận định.
Nhưng điều làm cho Việt Nam khác với những nền kinh tế mới nổi khác, như Trung Quốc hay Ấn Độ, theo Giám đốc WB - là việc tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng hạn chế được tốc độ gia tăng bất bình đẳng. Hệ số Gini, một chỉ số xem xét bất bình đẳng thu nhập, chỉ tăng từ 0,34 năm 1993 lên 0,36 năm 2006 – thấp hơn các nền kinh tế mới nổi khác.
Không giống như các nước đang phát triển khác, tăng trưởng và giảm nghèo của Việt Nam đã diễn ra đồng đều cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Trong khi tỷ lệ nghèo đô thị thấp, khoảng 4% tổng số dân đô thị năm 2006, thì tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cũng đang giảm nhanh. Năm 1993, khoảng 2/3 dân số nông thôn bị coi là nghèo, nay con số này xuống còn 1/5.