Ở thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngành nông nghiệp đã cơ bản được sắp xếp đổi mới và chuyển sang hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Đến hết 2008 các DNNN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, cơ điện và tư vấn chuyên ngành nông nghiệp sẽ cơ bản hoàn thành chương trình cổ phần hoá. Sau quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN đến giai đoạn này hình thành hai hệ thống: Hệ thống doanh nghiệp do nhà nước tiếp tục đầu tư 100% vốn và Hệ thống các công ty cổ phần, hình thành do cổ phần hoá DNNN.
Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp do nhà nước đầu tư 100% vốn đang hoạt động chủ yếu là các nông lâm trường quốc doanh (NLTQD) và các công ty nông lâm nghiệp chuyển đổi từ NLTQD hoặc có NLTQD được sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Các DNNN này có đặc điểm chung là chưa có thay đổi cơ bản về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và sở hữu, đang từng bước chuyển dần sang theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Sau khi được sắp xếp lại, với số lượng trên 500 doanh nghiệp độc lập, các NLTQD và công ty nông lâm nghiệp là lực lượng quan trọng trong ngành nông nghiệp góp phần vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế cả nước.
Để định hướng cho DNNN và các công ty cổ phần hình thành do cổ phần hoá DNNN ngành nông nghiệp ổn định và phát triển trong giai đoạn mới, cần xem xét đánh giá đúng thực trạng khó khăn, thuận lợi, cơ hội và thách thức để tìm ra các giải pháp phù hợp.
I- Hệ thống các DNNN ngành nông nghiệp:
DNNN ngành nông nghiệp hiện đang còn tồn tại là hệ thống doanh nghiệp có đặc thù riêng, vì tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai và một số doanh nghiệp còn đang được giao thực hiện nhiệm vụ công ích nên việc sắp xếp, đổi mới triển khai sau các DNNN ở các ngành, các lĩnh vực khác. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, DNNN ngành nông nghiệp đang còn nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm được khắc phục mới có thể hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp ở ngành khác trong quá trình tham gia hội nhập.
1- Thực trạng DNNN ngành nông nghiệp.
1.1- Thuận lợi.
Các DNNN hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước, nhiều năm tồn tại trong cơ chế bao cấp, đã và đang còn được hưởng chính sách ưu đãi hơn so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong quá trình sắp xếp, đổi mới, mặc dù chưa chuyển đổi sở hữu (chưa chuyển thành công ty cổ phần) nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi như các DNNN thực hiện cổ phần hoá, đó là:
- Ưu đãi về đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: lao động không đáp ứng yêu cầu của phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh với quy mô, trang thiết bị và công nghệ mới đều được giải quyết chế độ thoả đáng, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động và có cơ hội thu hút nguồn nhân lực mới có chất lượng cao hơn;
- Ưu đãi về đầu tư;
- Ưu đãi về tài chính: được xem xét giải quyết các tồn đọng về tài chính tạo điều kiện lành mạnh hoá về tài chính cho doanh nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới.
1.2- Một số khó khăn, bất cập chủ yếu của DNNN ngành nông nghiệp hiện nay là:
- Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động chưa được đổi mới phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và yêu cầu đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động phát triển trong địa bàn nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, gắn với vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
- Vốn đầu tư bằng tiền cho doanh nghiệp thực tế là nhỏ, lao động nhiều, trang thiết bị sử dụng trong sản xuất đã rất lạc hậu và công nghệ còn yếu kém.
- Hậu quả của cơ chế quản lý kinh tế cũ còn để lại nhiều tồn tại, chủ yếu do trình độ và năng lực tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh của cán bộ quản lý NLTQD chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, một số cán bộ vừa thiếu năng động lại vừa có quan điểm luôn trông chờ bao cấp của nhà nước, không cập nhật được kịp thời các thông tin đổi mới và thiếu am hiểu về kinh tế thị trường.
- Nhiều NLTQD, công ty nông lâm nghiệp chưa gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến dẫn đến sản xuất kinh doanh không ổn định, chất lượng và thương hiệu sản phẩm hàng hoá chưa được quan tâm đầu tư thoả đáng.
- Tư liệu sản xuất chủ yếu của DNNN ngành nông nghiệp là đất đai, tuy có diện tích lớn nhưng quá trình quản lý sử dụng đất đai ở nhiều doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến việc đất đai bị xâm lấn, tranh chấp kéo dài xảy ra ở nhiều doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm đang để lại nhiều hậu quả xấu.
2- Đề xuất một số giải pháp để giải quyết khó khăn tồn tại cho doanh nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh gia nhập kinh tế quốc tế.
DNNN ngành nông nghiệp đứng trước khó khăn, tồn tại và bất cập như trên, nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ không dễ vượt qua. Nhà nước và bản thân các DNNN ngành nông nghiệp cần sớm xác định các giải pháp để khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách tạo điều kiện cho DNNN hoạt động có hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Một số giải pháp chủ yếu được đề xuất là:
2.1- Đẩy nhanh và cụ thể hơn quá trình đổi mới về mô hình tổ chức và xác lập cơ chế hoạt động phù hợp cho các DNNN ngành nông nghiệp (chủ yếu là các NLTQD, công ty nông lâm nghiệp chuyển đổi từ NLTQD theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ), đảm bảo cho các doanh nghiệp này được đổi mới như các DNNN ở các ngành và lĩnh vực khác đã thực hiện, tạo điều kiện cho DNNN ngành nông nghiệp có mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp, bình đẳng và tự chủ theo quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và tham gia hội nhập. Một số đề xuất tiếp tục hoàn thiện mô hình DNNN ngành nông nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp là:
- Giai đoạn 2008-2010: hoàn thành việc chuyển đổi các NLTQD, công ty nông lâm nghiệp đang được tổ chức và hoạt động theo Luật DNNN thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Đảm bảo cho các NLTQD, công ty nông lâm nghiệp bình đẳng về luật pháp với các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế.
- Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế chính sách đảm bảo cho các DNNN ngành nông nghiệp, chủ yếu là các công ty nông lâm nghiệp thực sự hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và đạt được hiệu quả cao hơn trên cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng đã có.
- Từng bước nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức các DNNN ngành nông nghiệp, các công ty nông lâm nghiệp để sau năm 2010 có thể tiến hành chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp hội tụ đủ điều kiện.
2.2- Để kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới sâu hơn đối với DNNN ngành nông nghiệp, trước hết cần có sự chuẩn bị đầy đủ về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp. Thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng định kỳ, tập huấn thường xuyên nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực pháp lý và các yêu cầu cần thiết cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý của hệ thống doanh nghiệp đặc thù này, tạo điều kiện cho họ và doanh nghiệp có thể tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong cơ chế thị trường.
2.3- Cần sớm có chính sách phù hợp, giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai ở các NLTQD, các công ty nông lâm nghiệp, tạo điều kiện pháp lý cho các DNNN ngành nông nghiệp quản lý sử dụng đất được nhà nước cho thuê để sản xuất kinh doanh thực sự có hiệu quả.
2.4- Cần tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, gắn công nghiệp chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá quá trình sản xuất kinh doanh ở các DNNN ngành nông nghiệp.
2.5- Khuyến khích và tạo điều kiện cho DNNN ngành nông nghiệp tham gia các tổ chức liên kết cộng đồng theo ngành hàng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu hàng hoá cho doanh nghiệp và sản phẩm của từng doanh nghiệp.!!
II- Hệ thống các Công ty cổ phần hình thành do cổ phần hoá DNNN ngành nông nghiệp:
Đến hết năm 2008, trong lĩnh vực nông nghiệp các DNNN hoạt động chế biến, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, cơ điện và tư vấn chuyên ngành sẽ cơ bản được cổ phần hoá xong và chuyển thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp với cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
1- Thuận lợi.
Các DNNN sau khi chuyển đổi sở hữu chuyển thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp hầu hết là các doanh nghiệp đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong và sau khi chuyển đổi như:
- Ưu đãi về đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: lao động không đáp ứng yêu cầu của phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh với quy mô, trang thiết bị và công nghệ mới đều được giải quyết chế độ thoả đáng, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo lại lao động và có cơ hội thu hút nguồn nhân lực mới có chất lượng cao hơn;
- Ưu đãi về đầu tư;
- Ưu đãi về tài chính: được giải quyết các tồn đọng về tài chính, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn sau khi chuyển đổi sở hữu.
2- Khó khăn, thử thách.
Tuy nhiều DNNN sản xuất chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã được chuyển thành công ty cổ phần hoạt động có hiệu quả do tác động của chính sách ưu đãi, nhưng khi hết thời gian được hưởng ưu đãi, thuận lợi giảm dần, một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn do không chủ động được về nguyên liệu. Trong đó nguyên nhân rất quan trọng là do doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu phù hợp dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh không ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh bấp bênh, chất lượng và thương hiệu sản phẩm hàng hoá chưa có điều kiện để đầu tư thoả đáng. Thực tế những năm vừa qua đã có một số doanh nghiệp bị phá sản vì không khắc phục được khó khăn do thiếu nguyên liệu, kể cả doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu cũng có trường hợp lâm vào tình trạng này do thiếu nguyên liệu.
3- Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.
Công ty cổ phần hoạt động sản xuất công nghiệp (chế biến, bảo quản và kinh doanh xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản) muốn có hiệu quả cao phải chủ động được về nguyên liệu. Bài học rút ra từ Chương trình mía đường, rau quả, nông lâm sản (cao su, cà phê, gỗ, giấy...) đã khẳng định doanh nghiệp nào chủ động được khâu nguyên liệu thì doanh nghiệp đó sản xuất chế biến, kinh doanh xuất khẩu ổn định và phát triển, doanh nghiệp nào không chủ động được khâu nguyên liệu thì doanh nghiệp đó sản xuất kinh doanh trì trệ, thua lỗ, thậm chí dẫn đến phá sản.
Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, đối tượng chủ yếu đang sản xuất nguyên liệu nông, lâm, thuỷ sản phục vụ cho các nhà máy chế biến công nghiệp là nông dân.
Với đặc điểm hộ nông dân tự tổ chức sản xuất trên diện tích được giao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình nên khó tạo ra được sản phẩm hàng hoá có số lượng lớn. Mỗi hộ nông dân có diện tích đất sản xuất được giao thường là nhỏ và manh mún, một số hộ có vốn đã tự tổ chức đầu tư sản xuất theo nhu cầu tự phát của thị trường nhưng kết quả không cao do tổ chức chưa hoàn thiện, khối lượng hàng hoá không đủ sức cạnh tranh, không tạo dựng được thị trường tiêu thụ ổn định và không có bảo hiểm phòng tránh rủi ro. Việc các hộ tự dồn điền đổi thửa để lập ra các trang trại có quy mô diện tích lớn hơn, thuận tiện hơn cho đầu tư sản xuất hàng hoá nhưng triển khai cũng khó khăn do thiếu vốn và không chủ động được trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy việc tổ chức cho hộ nông dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ đất đai, được tiến hành sản xuất trên chính mảnh đất của mình để vươn lên làm giàu là yêu cầu cấp bách, đồng thời cũng là cơ hội mà các doanh nghiệp, các công ty cổ phần hoạt động sản xuất chế biến nông lâm thuỷ sản cần tìm ra giải pháp tác động hỗ trợ phù hợp. Việc hỗ trợ hộ nông dân phát triển sản xuất trên chính mảnh đất của mình vừa là giải pháp phát triển sản xuất bền vững của doanh nghiệp, vừa là biện pháp thực hiện hỗ trợ trực tiếp góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân trong bối cảnh mới.
Để người nông dân làm ra sản phẩm hàng hóa từ chính mảnh đất của mình, đáp ứng được yêu cầu thị trường, trước hết họ phải là thành viên của một tổ chức sản xuất gắn kết hài hoà giữa cung và cầu một cách bền vững, đồng thời là tổ chức có điều kiện để phòng tránh các rủi ro trong sản xuất.
Mô hình tổ chức doanh nghiệp gắn được sản xuất chế biến với vùng nguyên liệu bền vững và có hiệu quả phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu sau đây:
- Có diện tích đất phù hợp với nhu cầu sản xuất nguyên liệu cho khâu chế biến và tiêu thụ.
- Có điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào các khâu canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm sản xuất ra sản phẩm có số lượng và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Tạo được cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua việc tạo điều kiện cho hộ nông dân được tiến hành sản xuất trên chính mảnh đất của mình và nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và đổi mới chính quê hương mình.
Thực tế mô hình trang trại hình thành do hộ nông dân tự động dồn điền đổi thửa là các mô hình có quy mô nhỏ, tổ chức chưa hợp lý nên kết quả chưa cao. Các công ty cổ phần hoạt động sản xuất chế biến nông lâm thuỷ sản có công suất lớn, cần có vùng nguyên liệu với số lượng và chất lượng cao, nên sớm đột phá trong việc xây dựng các mô hình tổ chức mới đáp ứng các yêu cầu nêu trên.
Ví dụ doanh nghiệp đang hoạt động chế biến kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản chủ động xây dựng mô hình tổ chức mới là mô hình Công ty cổ phần sản xuất nguyên liệu nông lâm thuỷ sản. Công ty cổ phần được thành lập có ngành nghề chính là sản xuất nguyên liệu nông lâm thuỷ sản cung ứng cho nhu cầu chế biến theo Phương án sản xuất kinh doanh được thông qua khi thành lập. Cổ đông sáng lập công ty cổ phần mới bao gồm:
- Doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất chế biến nông, lâm, thuỷ sản là cổ đông sáng lập chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển của công ty cổ phần mới thành lập, góp vốn bằng tiền đầu tư cho các khâu như xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất cung ứng giống, vật tư, thiết bị, quy trình sản xuất và công nghệ sản xuất mới phục vụ sản xuất nguyên liệu;
- Các hộ nông dân có đất được dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cũng là cổ đông sáng lập công ty cổ phần mới thành lập. Khi đó, trong công ty cổ phần này, hộ nông dân vừa là cổ đông, vừa là người lao động trực tiếp sản xuất trên mảnh đất mà mình dùng làm vốn góp, trực tiếp làm ra sản phẩm hàng hoá theo quy trình và kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần, không còn lo ngại tình trạng tiêu thụ bấp bênh hoặc bị ép giá đối với sản phẩm do mình làm ra nữa.
Với quan điểm như trên, các doanh nghiệp đang hoạt động chế biến có nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu là nông, lâm, thuỷ sản cần gắn với vùng nguyên liệu có thể nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình công ty cổ phần với điều kiện trong thành phần cổ đông sáng lập có hộ nông dân là cổ đông góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Nếu thực hiện thành công mô hình này thì các doanh nghiệp chế biến (đường, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, thuỷ sản, gỗ, giấy... ) sẽ có điều kiện xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định vững chắc, gắn bó chặt chẽ với nông dân, tạo được mô hình doanh nghiệp gắn chặt giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa nông dân sản xuất nguyên liệu với công nhân chế biến, hỗ trợ cho nông dân làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn phát triển.