Giấc mơ nhà khoa học

22/09/2009

AGROINFO - Tôi mơ ước một sớm mai tỉnh dậy, dùng bữa sáng bằng nông sản mà không lo chuyện thực phẩm ô nhiễm; ra đồng gặp những trang trại rộng hàng chục đến hàng trăm ha với những nông dân triệu phú; không một người nông dân nào đói nghèo...

Ngày Tết Độc lập, người ta thường mơ ước những điều tốt đẹp cho mình, cho đất nước. Còn tôi, xin dành phút mơ mộng của mình cho nhà nông...

Nông dân sẽ từ trung lưu  đến triệu phú?

 
 

PGS.TS Tạ Minh Sơn nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp VN. Ông đã tạo ra hơn chục giống lúa mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của hạt gạo Việt Nam. Trong số đó, có 8 giống lúa đã được công nhận là “giống lúa quốc gia” như X1, X19, X20, X21, X22, Xi12, Xi23 và NX30... Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Một sáng sớm của năm 2020, tôi lúc đó sẽ là một ông già 75 tuổi. Bước về xã Thụy Trình, Thái Thụy Thái Bình quê hương mình, tôi sẽ thấy ruộng lúa, ruộng rau liền thửa từ 10-20ha, không hề bón phân hoá học. Những ô thửa nhỏ một vài sào, con trâu đi trước cái cày theo sau và hình ảnh “bầm ra ruộng cấy bầm run” lúc đó sẽ chỉ còn trong “cổ tích”. Thay vào đó là những chiếc máy cày, máy bừa, máy gặt cỡ trung, cỡ lớn, một ngày có thể gặt hết hàng trăm hàng ngàn ha. Các kênh nước trong suốt vì chất thải các nhà máy đã được xử lý trước khi chảy ra môi trường... Các giống lúa lúc đó phần lớn sẽ do nhà khoa học Việt Nam tạo ra, giống lúa đều có cấy gen chống các bệnh bạc lá, khô vằn, đạo ôn và chống cả rầy nâu mà không cần xịt thuốc...

Đó là vài hình ảnh về một nền nông nghiệp chất lượng cao, năng suất cao và sạch từ môi trường đến sản phẩm theo mơ ước của tôi. Bữa ăn của nhà nông có bát cơm thơm và thức ăn đủ  dinh dưỡng (xứng đáng có đối với người làm ra hạt gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới). Trong từng ngõ nhỏ của làng, không còn một người trồng lúa nào nghèo đói nữa, vì lúc đó những người nông dân nhỏ lẻ đã vào các nhà máy hoặc đi làm nghề khác. Những nông dân bị lấy đất cho công nghiệp sẽ được có cổ phần trong nhà máy đóng trên đất của họ. Để tránh cảnh các ông chủ nhà máy mưu toan “thôn tính” các cổ phần nhỏ lẻ của từng nông dân, Nhà nước sẽ có quy định bảo vệ. Nếu nhà máy phá sản, đất đai được trả về cho nông dân chứ không để ông chủ mặc sức thế chấp, bán chác, đẩy nông dân ra rìa.

Tìm  “đũa thần” cho hoang mạc miền Trung

 
 Hoang mạc  khô cằn của Miền Trung...

Một trong những giấc mơ tâm huyết nhất của đời tôi là cải tạo hàng trăm ngàn ha đất sa mạc hoá, cằn cỗi vùng duyên hải miền Trung thành vùng nông nghiệp trù phú. Chúng tôi đã từng đến Ninh Thuận, Bình Thuận và chứng kiến hàng chục ngàn ha đất sa mạc hoá, chỉ có cát, xương rồng và vài loài cây dại. Ngay cả cỏ cũng rất cằn cỗi, đến nỗi phải đến 2ha mới đủ cỏ nuôi một con bò hàng ngày. Trồng cây xuống, cây chết vì thiếu nước, bởi dưới lớp đất cát ấy không có tầng đất “đế cày” nên không giữ được nước. Vậy mà lúc đó, chúng tôi đã mơ ước cải tạo “vùng hoang mạc” này thành những đồng cỏ xanh tươi, mỗi ha cỏ thu về 300-500 tấn cỏ, đủ nuôi 30-50 con bò, người dân ở đây không còn đói nghèo nữa... Viển vông ư? Không, hoàn toàn có cơ sở nếu xây dựng một cái hồ lớn dự trữ nước tưới, đào bóc 0,5m đất mặt lên, rải một lớp nilon xuống để thay lớp đất đế cày giữ ẩm rồi lấp lại trồng cỏ phía trên. Để tiết kiệm nước, sẽ áp dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt vào gốc. Và chúng tôi đã thực nghiệm thành công ở vùng núi đá Chim (xã Phước Nam, Ninh Phước, Ninh Thuận).

 
... có thể biến thành đồng cỏ xanh tốt

Sau đó, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh xây dựng dự  án xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao trên 100ha đất cằn. Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép, tôi làm Chủ nhiệm dự án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do “đời thường” khác nhau (xin đề cập vào lúc khác), dự án chỉ thực hiện nửa chừng rồi dừng lại, cho dù về mặt khoa học là khả thi.

 
Nuôi Đà điểu là một giải pháp của Miền Trung

Theo TS Tạ Minh Sơn, có thể cải tạo hoang mạc miền  trung thành đồng cỏ xanh tươi, người dân nơi đây có thể làm giàu bằng nuôi bò và đà điểu

Cần  “con mắt xanh” nhìn thấu giấc mơ  khoa học

Khi đi qua vùng khô cằn Ninh Phước, thấy cây nhãn rừng sống được nhưng quả không ăn được, tôi đã thửã ghép với nhãn xuồng cơm vàng, nhãn tiêu quế đường, nhãn tiêu lá bầu, tiêu da bò với nhãn rừng để ra loại nhãn mới, sống được ở vùng hoang mạc. UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư cho “giấc mơ” này tới 500 triệu đồng trong 5 năm, và đến 2006 thì đã thành công. Loại nhãn lai mới ăn ngon hơn cả nhãn ta, vì có được mùi thơm của nhãn rừng, vị ngọt của nhãn ta, năng suất hàng chục tấn/ha. Cây nhãn lai lại thấp lùn như cây nấm, cao chỉ khoảng 1-2m, rất tiện cho thu hái... Hôm tôi về thăm, một anh chàng người địa phương đã lao ra ôm chầm lấy tôi sung sướng: “Nhờ những ước mơ của bác mà em không còn nghèo nữa”. Nói cho đầy đủ, còn có sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương.

 
 Nghiên cứu giống lúa ở Đức Thọ - Hà Tĩnh

Tôi cũng rất thú vị với “ước mơ” của TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn). Đầu năm 2009, khi phóng viên NTNN hỏi ước mơ nào đối với ông là thú vị nhất, TS Đặng Kim Sơn đã trả lời: Đó là sáng mai, lãnh đạo cao cấp gọi tôi đến nói: "Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng của đất nước, thị trường nông sản là mặt trận phức tạp nhất, hãy trình lên bản kế họach xây dựng lực lượng phân tích dự báo, những gì các đồng chí cần sẽ được đáp ứng và phải chịu trách nhiệm làm bằng được. Không bao giờ để Tổ quốc bị bất ngờ...".

Ước mơ về một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại có thể thành hiện thực sau 10 hay 20 năm nữa, nhưng với điều kiện chúng ta phải tính từ bây giờ, phải tư duy thực sự từ bây giờ. Nếu không, giấc mơ đẹp cũng có thể trở nên hão huyền, hoặc quá lâu để thành hiện thực.

Hoàng Sơn ghi


Tin khác