Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ARD SPS)

12/02/2009

Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ARD SPS) gồm có một hợp phần trung ương và một Hợp phần tỉnh. Hợp phần tỉnh hỗ trợ các tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Lai Châu ở miền bắc Việt Nam và tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ở Tây Nguyên.

Tất cả các tỉnh này đều có đặc điểm chung nổi bật là canh tác nông nghiệp sườn dốc và đa số dân cư nông thôn có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc khác nhau- điều này hàm chứa một thách thức đặc biệt trong việc xây dựng các biện pháp thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nông dân này. Trong mỗi tỉnh có 2 đến 3 huyện nghèo miền núi được lựa chọn để triển khai các hoạt động thí điểm.

Mục tiêu phát triển của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là:

“Giảm tình trạng đói nghèo ở vùng nông thôn, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số, thông qua phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đặt trọng tâm vào các khu vực miền núi”

Mục tiêu trước mắt của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là:

“Phúc lợi của các hộ gia đình nông thôn miền núi tăng trưởng bền vững nhờ cải thiện công tác quản lý nguồn lực, hoạt động sản xuất và market-ing trong nông nghiệp, chú trọng tới nông dân nghèo miền núi, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào các dân tộc thiểu số”

Hợp phần trung ương của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường năng lực xây dựng chính sách dựa vào phân tích số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Hợp phần này kết nối với Hợp phần tỉnh thông qua tập trung phát triển các công cụ nghiên cứu và các nghiên cứu hỗ trợ liên quan trực tiếp đến sinh kế nông thôn trong 5 tỉnh thuộc Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hợp phần này sẽ hỗ trợ thành lập một “cơ quan tham mưu” tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các công cụ cần thiết (quản lý và thu thập số liệu tin cậy, các cơ chế phản hồi, các chiến lược phổ biến thông tin) nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và tư vấn chính sách liên quan đến miền núi, chú trọng đến 5 tỉnh thuộc Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chương trình cũng hỗ trợ các chủ đề nghiên cứu xuyên suốt với việc hình thành các tổ hợp nghiên cứu liên ngành của các viện nghiên cứu/các trường để nghiên cứu các vấn đề cụ thể về nông nghiệp và phát triển nông thôn có phản biện của các tổ chức nghiên cứu quốc tế và đại diện của 5 tỉnh thuộc Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hợp phần trung ương của Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chú trọng vào phối hợp và tăng cường:

• Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn

• Xây dựng chính sách trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, đặc biệt những bài học đúc rút từ các tỉnh hợp tác thực hiện Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

• Phản hồi từ cấp tỉnh và địa phương lên các nhà hoạch định chính sách quốc gia và cán bộ nghiên cứu về: i) tác động của các chính sách và khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, và ii) những thiếu sót theo cách nhìn của địa phương.

• Các nghiên cứu ứng dụng về các mô hình và phương pháp tiếp cận mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ở miền núi

• Phổ biến thông tin về canh tác miền núi và quản lý nguồn lực quốc gia từ nguồn đến cấp trang trại.

Việc thực hiện hợp phần sẽ đặc biệt lưu ý tới các yêu cầu trọng tâm về giới và tình hình đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số. Các vấn đề môi trường sẽ được gắn kết thông qua các hoạt động xây dựng năng lực và đào tạo về các vấn đề môi trường cùng với các đánh giá tác động môi trường cho các biện pháp, chương trình hỗ trợ cụ thể. Thêm vào đó, chương trình sẽ đưa các vấn đề về thay đổi khí hậu vào trong việc triển khai chương trình và hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược (SEA). Hợp phần sẽ hỗ trợ Bộ chuẩn bị chiến lược phòng chống HIV/AIDS cho khu vực nông nghiệp.

Hợp phần tỉnh của Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm hỗ trợ cho 4 tiểu hợp phần: (i) Khuyến nông dựa trên nhu cầu, thông tin và đào tạo cho nông dân, (ii) Sản xuất, bảo quản, chế biến và marketing, (iii) Lập kế hoạch địa phương và xây dựng năng lực và iv) Giao đất giao rừng (chủ yếu tại Tây nguyên). Ngoài ra, hợp phần còn có một số hỗ trợ cho các hoạt động chuẩn bị và hỗ trợ kỹ thuật.

Chiến lược cơ bản là cải thiện các dịch vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn dựa trên nhu cầu cung cấp cho nông dân thông qua việc thành lập các nhóm nhằm đảm bảo khả năng vươn xa tối đa và chú trọng phương pháp đào tạo giảng viên nguồn cũng như nông dân tập huấn cho nông dân. Hợp phần này cũng nhấn mạnh đến một loạt các vấn đề liên ngành như môi trường, sắc tộc, giới và HIV/AIDS.

Các nhóm mục tiêu trong các huyện được chọn sẽ tham gia vào chương trình thông qua quy trình lập kế hoạch bắt đầu từ các nhóm nông dân và từ cấp thôn bản. Hợp phần chú trọng đặc biệt đến việc đảm bảo rằng hệ thống dịch vụ sẽ sâu sát hơn nhu cầu của người nông dân. Do phần lớn các nhóm mục tiêu thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, chương trình sẽ đề ra nhiều biện pháp để đảm bảo rằng các rào cản về ngôn ngữ không cản trở họ tham gia chương trình và nhận được các dịch vụ dựa trên nhu cầu.

Một lĩnh vực quan trọng là sẽ tăng cường năng lực cho khu vực công để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trở thành các nhà cung cấp dịch vụ cho các nhóm, tổ chức của nông dân, như đào tạo và cung cấp các dịch vụ khuyến nông có tính chất kỹ thuật.

Những người nông dân địa phương đã sẵn có một kho tàng tri thức về canh tác nông lâm nghiệp và Hợp phần tỉnh sẽ gắn kết, tập hợp những tri thức đó để trở thành nguồn thông tin và bổ sung cho các khoá tập huấn. Điều quan trọng là các tri thức này sẽ phải được giảng viên tôn trọng để “kích hoạt” và “chuyển thể” những kiến thức này sao cho phù hợp với bối cảnh hiện đại.

Đầu vào của chương trình bao gồm bốn cố vấn quốc tế dài hạn về phát triển nông nghiệp và nông thôn, các tư vấn ngắn hạn và vốn hỗ trợ cho đào tạo tập huấn, vốn cho các quỹ phát triển xã thôn, khuyến nông, nghiên cứu, hỗ trợ và các thiết bị cơ bản. Tổng kinh phí cho năm năm là 230 triệu Curon Đan Mạch.

Chương trình sẽ có một Ủy ban Hỗn hợp theo dõi tiến độ chung của chương trình. Trách nhiệm quản lý chính sẽ thuộc về sáu Ban chỉ đạo.

Sẽ có tất cả năm Ban chỉ đạo cấp tỉnh, tại mỗi tỉnh có một Ban chỉ đạo tỉnh do một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban và một thư ký từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng thời sẽ có một Ban chỉ đạo hợp phần trung ương do một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Trưởng Ban và một Ban thư ký tại Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn.

Vốn sẽ được chuyển thông qua một tài khoản đặc biệt của Bộ Tài chính đến các cơ quan thực hiện trong giai đoạn đầu của một năm rưỡi. Sau đó, vốn này sẽ được chuyển qua hệ thống Kho bạc nếu đánh giá cho thấy có thể thực hiện qua hệ thống này

Chương trình hết sức chú trọng tới công tác theo dõi có sử dụng tối đa hệ thống hiện hành của Việt Nam, và khi thấy cần thiết phải sử dụng các biện pháp khác thì sẽ tiến hành thí điểm và kết hợp vào hệ thống của Việt Nam như mạng lưới trạm quan sát hộ gia đình.

Download Văn kiện tại đây


Nguồn: Văn kiện chương trình (ARD SPS) 2007 - 2012

Tin khác