ĐăkNông: Cầu đào tạo nâng cao năng lực cán bộ chương trình các cấp và thực trạng cung dịch vụ đào tạo

09/01/2009

Tại Đắk Nông các cơ quan chính phủ, đặc biệt ở cấp tỉnh, vẫn đang trong quá trình thành lập hay kiện toàn tổ chức. Chỉ một số cán bộ đã có kinh nghiệm làm việc với các đơn vị, tổ chức tài trợ cũng như các công ty/tổng công ty lớn của tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian trước đây khi họ còn công tác ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, hệ thống quy định đối với việc giải ngân vốn, quy định về trách nhiệm giải trình và kiểm toán đã được chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức đầy đủ.

Bên cạnh đó, Đăk Glông lại là một huyện mới được thành lập với đội ngũ cán bộ tương đối trẻ tuổi và chưa được đào tạo.

Do hầu hết cán bộ tỉnh và cán bộ huyện Đăk Glông còn khá bỡ ngỡ với vị trí công tác của mình và thiếu kinh nghiệm nên có thể ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng thực hiện chương trình. Theo giả định, có thể giảm bớt ảnh hưởng này thông qua đào tạo rộng rãi cũng như thông qua hỗ trợ quản lý và hành chính. Trao đổi thông tin giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp phần cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để góp phần làm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trên và sẽ được thúc đẩy.

Các dân tộc thiểu số di cư từ phía bắc hầu như không giao thiệp với các cộng đồng khác và dân cư địa phương còn giữ khoảng cách thiếu cởi mở với họ. Họ khó có thể tham gia vào chương trình và đòi hỏi các phương pháp tiếp cận khác. Ngôn ngữ có thể là một khó khăn lớn do rất ít người có thể nói tiếng phổ thông và khó tìm được giảng viên có đủ kỹ năng ngôn ngữ cần thiết tại địa phương. Tuy nhiên có thể tuyển dụng một số giảng viên từ các tỉnh miền bắc nhưng điều này sẽ làm tăng chi phí đáng kể. Theo đề nghị, cần thực hiện một nghiên cứu nhỏ trước khi bắt đầu chương trình và mở ra một số cuộc trao đổi.

Việc thực hiện hợp phần tới đây đòi hỏi tất cả các hoạt động sẽ được gắn kết trong các hoạt động thông thường của tỉnh cũng như của các sở ban ngành. Kinh nghiệm cho thấy cách thức thực hiện này sẽ rất phức tạp và đòi hỏi rất cần phải có hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quản lý cho các cơ quan quản lý để có thể hoàn thành được các mục tiêu và đầu ra của hợp phần.

Năng lực quản lý và chuyên môn của các cơ quan ban ngành liên quan tại cấp huyện và cấp thấp hơn vẫn còn hạn chế. Hiểu biết và khả năng thực hiện một chương trình theo nhu cầu địa phương vẫn chưa được nắm bắt đầy đủ và có vẻ khác nhiều với các kinh nghiệm làm việc từ trước tới nay. Mặc dù một số cán bộ đã được tập huấn một số phương pháp đánh giá có sự tham tham gia trong các dự án trước, kỹ năng đánh giá nhu cầu có sự tham gia và kỹ năng lập kế hoạch phát triển thôn và hộ gia đình cho các nông dân địa phương vẫn còn khá mới mẻ. Do đó cần bổ sung một số hoạt động tập huấn ở các cấp cho các cơ quan quản lý hành chính và chuyên môn.

Tuy nhiên, các lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo địa phương hoàn toàn thấu hiểu tình hình và bày tỏ cam kết hỗ trợ các quy trình hướng theo nhu cầu nhằm cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng dân cư nghèo vùng cao.


(Trích báo cáo hợp phần tỉnh Đăk Nông)

Tin khác