Đối tượng thụ hưởng Dự án ARD-SPS Đăk Nông

08/01/2009

Các huyện Đắk Glông và Krông Nô được chọn cho các hoạt động thí điểm của Hợp phần cấp tỉnh, Chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hai huyện được lựa chọn đều thuộc khu vực miền núi; hoạt động canh tác nông nghiệp chủ yếu là canh tác sườn dốc và chăn nuôi gia súc. Ngoài hoạt động canh tác để tự tiêu dùng, hầu hết các hộ đều sản xuất các nông sản hàng hóa như sắn, ngô, cà phê và hồ tiêu.

Việc giao đất giao rừng mới chỉ được thực hiện rất ít và cũng chưa có nhiều thành công. Một phần nguyên nhân là do nông dân còn thiếu thông tin và chưa tham gia vào quá trình giao đất giao rừng, một phần khác là do nông dân vẫn chưa nắm rõ về quyền của mình cũng như chưa nhận thức được nhiều về cách sinh lợi từ đất rừng.

Tổng dân số huyện Đắk Glông là 27.300 người và huyện Krông Nô là 55,900 người. Hầu hết các hộ sống ở khu vực nông thôn và đều tham gia sản xuất nông lâm nghiệp. Hai huyện này là hai trong số những huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông. Đắk Glông là một huyện mới được thành lập, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn và chưa có cán bộ được đào tạo cần thiết.

Hiện chưa có các số liệu tổng hợp về tình trạng đói nghèo của hai huyện nhưng theo số liệu của một xã trong tại huyện Đắk Glông cho thấy tình trạng đói nghèo diễn ra không đồng đều giữa các nhóm dân tộc. Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ đói nghèo được xác định khoảng 55% số dân tộc nhập cư từ phía bắc và khoảng 45% trong cộng đồng dân tộc gốc địa phương. Chỉ có 10% dân số dân tộc Kinh rơi vào nhóm nghèo này.

Với 35% số dân là các dân tộc thiểu số gốc địa phương, chủ yếu là người Ma và Mnông; và thêm 40%% là các nhóm dân tộc nhập cư từ phía Bắc, chủ yếu là người H’mông, huyện Đắk Glông là huyện có tỷ lệ dân tộc gốc địa phương cao nhất và cũng là huyện có tỷ lệ dân tộc cao nhất trong tỉnh

Huyện Krông Nô có khoảng 14% dân số là dân tộc thiểu số gốc địa phương cùng với khoảng 28% là các nhóm dân tộc di cư từ phía bắc. Đây là huyện có tỷ lệ dân tộc cao thứ hai trong toàn tỉnh.

Sự phân bố các nhóm dân tộc thiểu số không đồng đều tại các xã- hầu hết ở mỗi xã đều có các cộng đồng dân cư gốc địa phương và cả cộng đồng dân tộc nhập cư. Số liệu từ huyện Đắk Glông cho thấy người Kinh có xu hướng tập trung ở một số xã nhất định.

Ở cấp thôn/buôn, cơ cấu dân số theo nhóm dân tộc ít khác nhau hơn và ở hầu hết mỗi thôn/buôn đều có một nhóm dân tộc chủ đạo. Nhìn chung, các thôn/buôn đều thực hiện tốt chức năng xã hội với cơ cấu tổ chức lãnh đạo hiệu quả và có sự cộng tác đắc lực của những người đứng đầu truyền thống và các cán bộ được chính quyền phân công. Các hoạt động của Hợp phần sẽ được triển khai trong khuôn khổ hệ thống tốt đó, chẳng hạn cách thức đưa ra các quyết định và xây dựng các kế hoạch hoặc thành lập các nhóm nông dân.

Tại các thôn/buôn thường có sự phân nhóm theo quan hệ họ hàng và tôn giáo- chương trình cần phải tránh làm gia tăng hiện trạng này.

Tại địa phương, các đối tác chính tham gia chương trình này bao gồm các hộ nông dân nghèo tại địa phương, chủ yếu là gia đình dân tộc thiểu số gốc địa phương, các cơ sở sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong vùng, các tổ chức đoàn thể ở các cấp, đặc biệt là Hội nông dân và Hội phụ nữ, và các Ủy ban Nhân dân của các huyện, xã và đại diện thôn bản tham gia vào chương trình.

Hiện nay, năng lực của các đối tác địa phương để tham gia hợp phần vẫn còn hạn chế. Kinh nghiệm lập kế hoạch và quản lý các nguồn lực theo nhu cầu thị trường cũng như việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu vẫn còn thấp và chưa có tính hệ thống. Mặc dù nhiều địa phương từ lâu đã hình thành những truyền thống quản lý các nguồn lực khá hoàn chỉnh nhưng những biện pháp quản lý này chưa được giới thiệu ra ngoài phạm vi thôn bản và chưa tính đến lợi ích thương mại hay các yếu tố thị trường.


(Trích Báo cáo hợp phần tỉnh Đăk Nông)

Tin khác