Tăng cường liên kết trong sản xuất hàng hoá

30/11/2005

Từ sau đổi mới, sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng đã có những bước phát triển đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào tăng thu nhập và tạo ra công ăn việc làm ở khu vực nông thôn. Giai đoạn 1988-2003, sản lượng lúa của vùng đã tăng từ 3 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn.
Từ sau đổi mới, sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng đã có những bước phát triển đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào tăng thu nhập và tạo ra công ăn việc làm ở khu vực nông thôn. Giai đoạn 1988-2003, sản lượng lúa của vùng đã tăng từ 3 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn. |Tuy nhiên, nông thôn đồng bằng Sông Hồng đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt của áp lực về dư thừa lao động, thu nhập tăng chậm, và sản xuất hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường trong bối cảnh công nghiệp hoá, đô thị hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhanh mạnh. Đứng trước các khó khăn nêu trên, câu hỏi đặt ra là những hướng đi nào thích hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của đồng bằng Sông Hồng? Có thể nói rằng, các câu trả lời đều có thể tìm thấy từ thực tiễn sinh động của địa phương.

 

Trong nhiều năm qua, dự án DIALOGS (do các tổ chức phi chính phủ châu Âu GRET, MdM, VECO, AFDI, HN) đã triển khai ở Hải Dương mô hình liên kết trong sản xuất chăn nuôi lợn. Thực tế triển khai ở Hải Dương cho thấy mô hình hợp tác xã (HTX) đã giúp nông dân chăn nuôi lợn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào chăn nuôi, tiếp cận dịch vụ vật tư đầu vào giá rẻ, trao đổi thông tin kỹ thuật, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là một kinh nghiệm hay trong qúa trình đi lên từ hộ tiểu nông lên sản xuất hàng hoá. Các bài tham luận và các phát biểu của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo địa phương, và nông hộ chăn nuôi trong buổi hội nghị ngày 29/11/2005 “Giới thiệu kết quả của dự án DIALOGS và thảo luận về tính bền vững của các hoạt động” tại huyện Nam Sách, Hải Dương, đều nhất trí về những thay đổi rất tích cực do qúa trình liên kết sản xuất tạo ra. Mô hình HTX chăn nuôi lợn ở Hải Dương thành công nhờ vào lợi thế kinh tế của sự hợp tác, tuy nhiên yếu tố quyết định, đặc biệt trong giai đoạn đầu là những hỗ trợ về mặt kỹ thuật của dự án DIALOGS trong các hoạt động từ việc phát triển bộ máy tổ chức như quản lý, tài chính, đến các vấn đề kỹ thuật như kỹ năng chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, y tế...Những sự hỗ trợ ban đầu này đã tạo nên nền tảng cho HTX hình thành và phát triển. Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề cần được thảo luận và tiếp tục phân tích làm rõ hơn nữa như:

1.      Vai trò của chính quyền địa phương trong việc duy trì và nhân rộng mô hình HTX;

2.      Đối phó của HTX với những thách thức trong giai đoạn phát triển tiếp theo;

3.      Vai trò của công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách trong việc tổng kết và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.

 

Những thông tin về dự án DIALOGS có thể tham khảo trên địa chỉ www.gret.org.vn

Phạm Quang Diệu


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC