1. Thị trường thế giới
Giá cà phê trên thị trường thế giới trong tháng 5/04 biến động mạnh và theo chiều hướng tăng cao so với tháng 4/04 mặc dù mức khởi điểm của đầu tháng có phần thấp hơn (69,75 UScent/lb đối với cà phê arabica trên thị trường NewYork và 716 USD/tấn cà phê robusta trên thị trường London so với mức tương ứng 74,1 UScent/lb và 737 USD/tấn của ngày 1/4/04). |Tuần cuối cùng của tháng 5/04, giá cà phê đã tăng mạnh trên cả hai thị trường NewYork và London. Mức đóng cửa ngày 28/5 đối với cà phê arabica là 85,55 UScent/lb (1901 USD/tấn) - mức cao nhất trong gần 4 năm qua (kể từ tháng 7/2000) và cà phê robusta là 800 USD/tấn, cao hơn nhiều mức tương ứng 69 UScent/lb (1533 USD/tấn) và 697 USD/tấn ngày 28/4/04.
Trong tháng 5/04, thị trường cà phê chịu tác động của nhiều nhân tố đan xen, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Ý kiến thống nhất của đại đa số các nhà khí tượng học về hiện tượng El Nino trong năm nay không quá khắc nghiệt, khả năng sương giá ở Braxin lớn đã củng cố nhu cầu mua trên thị trường, ảnh hưởng tích cực tới giá.
Tuy nhiên, triển vọng về một vụ mùa bội thu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam và Braxin cùng với vụ thu hoạch sắp bước vào thời kỳ rộ ở Indonesia đã kìm hãm phần nào đà tăng giá của thị trường. Những biến động tiền tệ với sự sụt giá mạnh của đồng real so với đồng đôla cũng là nguyên do khuyến khích các nhà sản xuất tăng cường nguồn cung trong nửa đầu tháng 5/04. Việc chính phủ Braxin điều chỉnh tăng sản lượng thu hoạch niên vụ 2004/05 từ 35,8 triệu bao lên 38,3 triệu bao 60 kg đã gây ra những tác động tiêu cực dù rằng mức dự báo này còn thấp hơn nhiều so với con số dự kiến 43-45 triệu bao của các thương nhân. Tất cả những nguyên nhân này khiến cho giá nửa đầu tháng 5 chững lại, thậm chí có những thời điểm giảm xuống còn khoảng 700 USD/tấn so với cà phê Robusta.
Sự phục hồi và tăng trưởng mạnh nhất của thị trường cà phê thế giới thể hiện ở tuần cuối cùng của tháng 5. Lo ngại về thời tiết lạnh giá sẽ gây thiệt hại cho vụ cà phê tới của Braxin là nguyên nhân chính tạo nên nhu cầu mua mạnh của các nhà đầu cơ và các quỹ hàng hoá. Một đợt không khí lạnh nhất đã tràn qua vùng trồng cà phê của Braxin trong ngày giao dịch cuối tuần, song chưa có báo cáo nào cho biết xảy ra thiệt hại vì sương giá.
Mặc dù chưa có dấu hiệu đe doạ sẽ xảy ra sương giá gây hại ở Braxin trong ngắn hạn song nhu cầu mua của các quỹ và các nhà đầu cơ đã được đẩy mạnh vì quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới này chuẩn bị bước vào mùa đông. Ngoài ra, hầu như mọi người không ai muốn chỉ giữ một lượng nhỏ cà phê trong kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn thường lệ (thị trường London và NewYork sẽ đóng cửa ngày 1/6 nhân ngày lễ tưởng niệm). Và rất có thể trong tuần giao dịch mới với diễn biến thời tiết bất lợi ở Braxin, nguồn cung cà phê lại càng khan hiếm hơn.
2. Thị trường trong nước
Kể từ đầu niên vụ này (10/2003) đến hết tháng 4/2004, nước ta đã xuất khẩu được 531.000 tấn cà phê, tăng 30,5% so với niên vụ trước. Mức tăng này chủ yếu là nhờ xu hướng giá tăng trên thị trường thế giới.
Cùng với sự biến động của giá thế giới, giá cà phê của Việt Nam cũng dao động mạnh và theo chiều hướng tăng dần trong tháng 5/04. So với mức khởi điểm cao của đầu tháng 4/04 (640 USD/tấn), giá cà phê robusta loại 2, 5% hạt vỡ và đen xuất khẩu của đầu tháng 5/04 thấp hơn hẳn, chỉ vào khoảng 620 USD/tấn (ngày 4/5). Mặc dù vậy, do tác động tích cực từ phía thị trường thế giới, giá của tuần cuối tháng 5 đã phục hồi và tăng cao trở lại, đạt 660 USD/tấn ngày 31/5/04.
Tại Đắc Lắc, giá cà phê nhân xô vối thu mua tại cổng trại tăng mạnh từ 9.100 đồng/kg đầu tháng 5 lên 9.600 - 9.650 đồng/kg ngày 31/5, cao hơn mức 9.400 - 9.450 đồng/kg đầu tháng 4/04. Giá thu mua của các đại lý và các công ty xuất khẩu cao hơn, khoảng 9.650-10.300 đồng/kg các loại, tăng 200-500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Mức chênh lệch giá giữa các đại lý, các công ty không lớn, thể hiện sự đồng đều giữa các địa điểm thu mua.
Tuy phản ứng chậm hơn trước biến động giá thế giới nhưng thị trường cà phê trong nước theo khá sát tình hình thị trường thế giới. Vì thế những nhân tố khiến cho giá trên thị trường thế giới biến động cũng được xem là nhân tố tác động chính tới thị trường cà phê trong nước. Giá thế giới tăng cao trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5/04 đã giúp giá trong nước nhích lên.
Do vụ thu hoạch đã kết thúc từ tháng 1 nên lượng cà phê xuất khẩu hiện nay cũng đang giảm dần. Hiện tại, khối lượng cà phê còn khoảng 20-25% tổng sản lượng thu hoạch. Điều đó có nghĩa là lượng tồn kho tối đa đạt 175.000 tấn (khoảng 2,9 triệu bao 60 kg), trong đó 50.000 tấn sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
3. Nhận định và dự báo
Dự kiến trong tháng 6 này, giá cà phê có thể sẽ còn duy trì ở mức cao do Braxin, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất, đang bước vào mùa đông. Lượng mưa nhiều bất thường trong tháng 5 tại các khu vực trồng cà phê chủ yếu của Braxin đang làm gián đoạn công tác thu hoạch của nước này và điều đó sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn hàng.
Tuy nhiên, giá sẽ không đột ngột tăng mạnh như đầu thập kỷ 90 hay tuần cuối tháng 5/2004 vì các dự báo ngắn hạn đều cho rằng tại vành đai cà phê Braxin chưa có dấu hiệu của sương giá gây hại. Mặc dù mùa đông của Braxin năm nay được sánh ngang với giá lạnh của những năm 1994 và 2000 nhưng thị trường cà phê thế giới hiện còn chịu sự chi phối của nhiều nước sản xuất lớn khác nên kịch bản xảy ra trong năm 1994 khó có thể tái diễn. Biến động giá của thị trường có khả năng sẽ giống với những gì đã diễn ra trong năm 2000. Ngoài ra, triển vọng thu hoạch lớn tại các nước sản xuất chính như Indonexia và Việt Nam sẽ khiến cho quá trình phục hồi giá sau 4 năm giảm mạnh do dư thừa cung bị chậm lại. Hơn thế nữa, nguồn dự trữ của các nhà rang xay và các nước sản xuất vẫn lớn nên triển vọng tăng giá đột biến có thể không diễn ra và mức tăng không được duy trì dài hạn.
Trước những thông tin nhiều chiều này, các nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê Việt Nam cần tập trung theo dõi diễn biến ở Braxin vì xuất khẩu cà phê của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường lớn. Vụ này, Braxin có thể gặp khó khăn do thời tiết có nhiều bất lợi và đây sẽ là một cơ hội cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, sự tăng giá này chưa vững bởi những thông tin về vụ cà phê mới chưa được dự báo chính xác. Bên cạnh đó, rất có thể đây là đối sách của người mua và những nhà đầu cơ do lo ngại về tình hình thời tiết tại Braxin. Do vậy, các doanh nghiệp cũng như nông dân trồng cà phê không nên bán ra ào ào, đến khi giá lên cao hơn lại không còn hàng để bán
Ban biên tập: MA.Phan Sỹ Hiếu, MA.Trần Thị Quỳnh Chi, BA. Lê Hồng Vân