GS. Peter Timmer nhận Giải thưởng kinh tế Leontief 2012

22/09/2011

Viện phát triển và môi trường toàn cầu thuộc Đại học Tufts (GDAE) sẽ trao giải thưởng Leontief năm 2012 cho Giáo sư C. Peter Timmer - Đại học Harvard và GS. Michael Lipton - Đại học Sussex vvì những đóng góp to lớn để giải quyết"Khủng hoảng lương thực toàn cầu và Tương lai của ngành nông nghiệp”.

Ông Neve Goodwin, đồng giám đốc của GDAE cho biết: “cơn khủng hoảng lương thực hiện nay là dấu hiệu sớm của một trong những thách thức lớn nhất đối với kinh tế, nhân đạo và môi trường trong thời đại của chúng ta”. “ Michael Lipton và C.Peter Timmer là những “người khổng lồ”trong lĩnh vực chính sách lương thực và nông nghiệp. Nghiên cứu và các bài viết của họ đã đưa ra định hướng quan trọng về nhận thức cũng như những cơ sở thực tiễn cần thiết để giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt”.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 3/4/2012 tại Medford, Đại học Tufts.
Giải thưởng Leontief cho những đóng góp nổi bật trong lý thuyết kinh tế được trao cho các nhà kinh tế có công trình nghiên cứu, như công trình nghiên cứu của Viện và của Leontief, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, nhằm thúc đẩy nhận thức toàn diện về các quá trình kết hợp giữa xã hội và môi trường. Giải thưởng năm 2000 được trao cho John Kenneth Galbrianth và Amartya Sen, người đã dành được giải Nobel.
Giải thưởng Leontief mang tênNhà kinh tế lỗi lạc Wassily Leontief (1906-1999), ông không chỉ nổi tiếng với phương pháp “input-output”  (nhờ đó ông được giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 1973), mà còn có nhiều ảnh hưởng trong một lĩnh vực quan trọng khác trong sự nghiệp của ông nhờ những đóng góp về khoa học luận và phương pháp luận kinh tế.
GS. Timmer  là một nhà khoa học, người bạn thân thiết với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), và có quan hệ gần gũi với nông nghiệp Việt Nam.
GS.Peter Timmer tại một buổi làm việc với IPSARD
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) xin chúc mừng GS. Timmer đã vinh dự được nhận giải thưởng danh giá mang tên Nhà kinh tế Leontief năm nay. Giải thưởng này không chỉ mang lại vinh dự cho cá nhân Giáo sư mà là sự khích lệ hơn nữa của Hệ thống giải thưởng trên thế giới nhằm phát triển và tôn vinh khoa học về kinh tế Nông nghiệp.
 
GS. Timmer là chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế nông nghiệp và kinh tế phát triển với số lượng lớn đóng góp nghiên cứu khoa học và uy tín quốc tế thông qua các hoạt động cố vấn chính sách phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực cho chính phủ các quốc gia Đông và Đông Nam Á. Năm 1992, GS. Timmer nhận Huân chương Danh dự cao nhất (Bingtang Jasa Utama) của Cộng hòa Indonesia, tôn vinh những đóng góp của ông cho chính sách an ninh lương thực của quốc gia này. Giáo sư C.Peter Timmer đã giảng dạy trên 40 năm tại các trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ: Đại học Harvard (1967 - 1972), (1977 - 1998); Đại học Stanford (1968 - 1975), (2007 - 2008); Đại học Cornell (1975 - 1977); Đại học California (1998 - 2003).
GS. Timmer hiện đang cố vấn chiến lược hoạt động cho Bill & Melinda Gates Foundation trong hai lĩnh vực: phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.
Trong lần tới thăm Việt Nam vào năm 2008, GS. Timmer gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo nông nghiệp Việt Nam, các nhà nghiên cứu và quy hoạch chính sách đầu ngành. Đây là thời điểm thế giới đối diện với khủng hoảng lương thực, thị trường gạo Việt Nam đang có nhiều biến động. GS. Timmer khi đó đã nhận định giá gạo tuy đang tăng cao nhưng sẽ nhanh chóng đảo chiều. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã thực hiện các điều chỉnh chính sách.
Từ 11/11/2011, GS. Peter Timmer hỗ trợ các đồng nghiệp nghiên cứu Việt Nam thúc đẩy Sáng kiến Chính sách Nông nghiệp và Lương thực Việt Nam- VIFAP (www.vifap.org). Ông hiện đang dành thời gian cho VIFAP với vai trò Chủ tịch Danh dự của Sáng kiến này.
Thời gian qua, GS. Peter Timmer nhiều lần sang Việt Nam để tham gia các Hội thảo khoa học cũng như tập huấn, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Lần sang Việt Nam gần đây nhất của ông là tại Hội thảo bàn tròn “Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam” diễn ra ngày 9/3/2011 tại Hà Nội do IPSARD tổ chức. Tại đây, thêm một lần nữa GS. Peter Timmer khẳng định rằng: “Sẽ không có khủng hoảng lương thực, thậm chí đây còn là dấu hiệu tốt cho Việt Nam”. Sau 6 tháng, đến nay, những dự báo của ông hoàn toàn đúng với thực tiễn.
 
Phòng Truyền thông &ĐTCS - AGROINFO

 


Tin khác