TÌNH HÌNH XUẤT - NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN THÁNG 6/2024

15/07/2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và thị trường Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Xuất khẩu chung

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 6 năm 2024 của Việt Nam ước đạt 5,12 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó:

-                Giá trị xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt 15,76 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,4%;

-                Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 240 triệu đô la Mỹ, tăng 3,8%;

-                Giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đạt 4,36 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,9%;

-                Giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản đạt 7,95 tỷ đô la Mỹ, tăng 21,2%;

-                Giá trị xuất khẩu các sản phẩm đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) đạt 904 triệu đô la Mỹ, giảm 1,8%;

-                Giá trị xuất khẩu muối đạt 2,3 triệu đô la Mỹ, giảm 1,7%.

Ước giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 tới các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,6 tỷ đô la Mỹ; châu Phi tăng 17,1%, đạt 565 triệu đô la Mỹ; châu Á tăng 17,8%, đạt 13,9 tỷ đô la Mỹ; châu Âu tăng 32,8%, đạt 3,7 tỷ đô la Mỹ; và châu Đại Dương tăng 18,2%, đạt 405 triệu đô la Mỹ. Thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang các khu vực trong 6 tháng đầu năm 2024 như sau: châu Á chiếm 47,7%; châu Mỹ chiếm 22,5%; châu Âu chiếm 12,6%; châu Phi chiếm 1,9%; và châu Đại Dương chiếm 1,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và thị trường Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Xuất khẩu một số mặt hàng chính

Cao su: Xuất khẩu cao su tháng 6 năm 2024 ước đạt 150 nghìn tấn với giá trị đạt 238 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2024 đạt lần lượt 722 nghìn tấn và 1,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 5,8% về khối lượng nhưng tăng 4,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.519 đô la Mỹ/tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 63,7%, 8,8% và 3,8%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cao su tăng ở hầu hết các thị trường ngoại trừ thị trường Trung Quốc (giảm 8,8%) và Hà Lan (giảm 24%). So với cùng kỳ năm 2023, 2 thị trường có giá trị xuất khẩu cao su tăng mạnh nhất là Srilanca (tăng 6,3 lần) và Braxin (tăng 88,6%) .

Chè: Khối lượng và giá trị xuất khẩu chè tháng 6 năm 2024 ước đạt 15 nghìn tấn và 32 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm 2024 đạt 61 nghìn tấn và 108 triệu đô la Mỹ, tăng 26,7% về khối lượng và tăng 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá chè xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.760 đô la Mỹ/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Pakixtan (thị phần 30,9%), Đài Loan (thị phần 11,2%), và Trung Quốc (thị phần 8,9%) là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu chè tăng mạnh nhất ở thị trường Ba Lan (tăng 2,1 lần) và giảm mạnh nhất ở thị trường Irắc (giảm 66,3%).

Cà phê: Xuất khẩu cà phê tháng 6 năm 2024 ước đạt 85 nghìn tấn với giá trị đạt 382 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2024 đạt 902 nghìn tấn và 3,22 tỷ đô la Mỹ, giảm 10,5% về khối lượng nhưng tăng 34,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.570 đô la Mỹ/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 với thị phần lần lượt là 12,3%, 9%, và 7,7%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất là Philippin (tăng 2,4 lần). Bỉ và Angiêri là 2 thị trường có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm lần lượt là 15,8% và 2%.

Gạo: Khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 6 năm 2024 ước đạt 650 nghìn tấn và 416 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,68 triệu tấn và 2,98 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,4% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 636 đô la Mỹ/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Philippin là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 44,6%, đạt 1,83 triệu tấn và 1,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,6% về khối lượng và tăng 47,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Inđônêxia (tăng 2,3 lần); thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc (giảm 67,3%).

Rau quả: Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6 năm 2024 ước đạt 780 triệu đô la Mỹ, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,43 tỷ đô la Mỹ, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 64,5% thị phần, đạt 1,71 tỷ đô la Mỹ, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng ở 13 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính, với mức tăng mạnh nhất tại thị trường Đức (tăng 2,1 lần). Hà Lan và Malayxia là hai thị trường quan trọng có giá trị xuất khẩu giảm, với mức giảm lần lượt là 22,4% và 4,7%.

Hạt điều: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 6 năm 2024 ước đạt 65 nghìn tấn với giá trị xuất khẩu đạt 388 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2024 đạt 350 nghìn tấn và 1,92 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,9% về khối lượng và tăng 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.496 đô la Mỹ/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 26%, 18,9% và 7,9%. Giá trị xuất khẩu hạt điều tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường chính, với mức tăng mạnh nhất tại thị trường Nga (tăng 82,4%). Arập Xêút và Nhật Bản là 2 thị trường quan trọng có giá trị xuất khẩu giảm, với mức giảm lần lượt là 12,9% và 3,8%.

Hạt tiêu: Khối lượng và giá trị xuất khẩu hạt tiêu tháng 6 năm 2024 ước đạt 33 nghìn tấn và 163 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 142,3 nghìn tấn và 632,5 triệu đô la Mỹ, giảm 6,8% về khối lượng nhưng tăng 30,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.444 đô la Mỹ/tấn, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, ba thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ với tổng thị phần là 40,4%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng ở tất cả các thị trường, trong đó tăng mạnh nhất ở thị trường Hàn Quốc (tăng 2,9 lần).

Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 6 năm 2024 ước đạt 140 nghìn tấn và 66,4 triệu đô la Mỹ, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1,4 triệu tấn và 628,5 triệu đô la Mỹ, giảm 7,7% về khối lượng nhưng tăng 5,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 453,7 đô la Mỹ/tấn, tăng 14,7% so với cùng năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 90,6% thị phần, giảm 7% về khối lượng nhưng tăng 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Sản phẩm chăn nuôi: Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 6 năm 2024 ước đạt 45,3 triệu đô la Mỹ, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 240 triệu đô la Mỹ, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 64,2 triệu đô la Mỹ, giảm 2,4%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 82,4 triệu đô la Mỹ, tăng 20,5%.

Thuỷ sản: Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6 năm 2024 ước đạt 810 triệu đô la Mỹ, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,36 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm 48,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga (tăng 87,8%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Thái Lan (giảm 17,1%).

Gỗ và sản phẩm gỗ: Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 6 năm 2024 ước đạt 1,25 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,42 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tổng thị phần 79,3%. Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Ấn Độ (tăng 93,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Đài Loan (giảm 14,6%).

Nhập khẩu nông lâm thủy sản

Nhập khẩu chung

Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản tháng 6 năm 2024 của Việt Nam ước đạt 3,54 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 20,93 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 12,73 tỷ đô la Mỹ, tăng 5,8%; giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1,74 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,8%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản đạt 1,19 tỷ đô la Mỹ, giảm 6,5%; giá trị nhập khẩu lâm sản đạt 1,29 tỷ đô la Mỹ, tăng 19%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 3,95 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,3%; giá trị nhập khẩu muối đạt 18,8 triệu đô la Mỹ, giảm 9,8%.

Ước giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu chính của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 từ các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm thị phần 30,2%; châu Mỹ chiếm thị phần 26,2%; châu Âu chiếm thị phần 4,5%; châu Đại Dương chiếm thị phần 3,9% và châu Phi chiếm thị phần 2,3%. Giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam từ khu vực châu Á tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,3 tỷ đô la Mỹ; châu Mỹ tăng 22,6%, đạt 5,5 tỷ đô la Mỹ; châu Âu tăng 15,8%, đạt 950 triệu đô la Mỹ; châu Đại Dương giảm 41,5%, đạt 806 triệu đô la Mỹ; châu Phi giảm 37,3%, đạt 476 triệu đô la Mỹ.

Braxin, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Giá trị nhập khẩu từ thị trường Braxin chiếm 10%, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 9,3%, tăng 30,5%; và thị trường Hoa Kỳ chiếm 8,8%, tăng 4,4%.

Cán cân thương mại nông lâm thủy sản

Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt thặng dư 8,28 tỷ đô la Mỹ, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2024 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 6,66 tỷ đô la Mỹ, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 3,16 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,9%; và nhóm trồng trọt thặng dư 3,02 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,8 lần. Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 3,05 tỷ đô la Mỹ, tăng 26%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 1,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,8%; và muối thâm hụt 16,5 triệu đô la Mỹ, giảm 10,8%.

Xét theo mặt hàng cụ thể, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại ước tính 6 tháng đầu năm 2024 cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 6,16 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; cà phê thặng dư 3,14 tỷ đô la Mỹ, tăng 36,2%; hàng rau quả thặng dư 2,42 tỷ đô la Mỹ, tăng 35,3%; gạo thặng dư 2,31 tỷ đô la Mỹ, tăng 27%; tôm thặng dư 1,43 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,3%.

5 mặt hàng có thâm hụt thương mại ước tính 6 tháng đầu năm 2024 cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu thâm hụt 2,13 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước; bông các loại thâm hụt 1,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 9%; chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt thâm hụt 1,53 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,2%; ngô thâm hụt 1,17 tỷ đô la Mỹ, giảm 2,2%; lúa mì thâm hụt 827,6 triệu đô la Mỹ, giảm 3,6%.

 

Đỗ Văn Hảo, Ban Thị trường và Ngành hàng/Ipsard

Nguồn: Báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, MARD


Tin khác