Nâng cao chuỗi giá trị cà phê để tăng giá trị xuất khẩu

15/07/2024

Những năm gần đây, mặc dù ngành hàng cà phê của nước ta có những bước phát triển nhanh chóng cả về diện tích và sản lượng, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính là do là phê xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, sản xuất chủ yếu là giống cà phê Robusta có giá thấp, thiếu vốn đầu tư tái canh và chế biến sâu cà phê. Vì vậy, để để tăng giá trị xuất khẩu, ngành cà phê phải hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – thương mại sản phẩm cà phê, gắn liền với xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê chất lượng cao. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho cả doanh nghiệp và người nông dân để đầu tư tái canh và chế biến sâu cà phê chất lượng cao.

Những tồn tại và thách thức trong việc tăng giá trị xuất khẩu cà phê

Trên thị trường thế giới, dòng Arabica có giá thành cao hơn Robusta nhưng Việt Nam lại mạnh về cà phê Robusta.

Trên thị trường quốc tế, giá trung bình của dòng cà phê Arabica gần gấp đôi so với Robusta và dự báo vẫn sẽ duy trì tới năm 2025. Theo nguồn từ Statista, trong năm 2024, giá cà phê trên thị trường quốc tế của dòng Arabica là 111.848 đồng/kg so với 61.008 đồng/kg của dòng Robusta.Tuy nhiên, dòng cà phê Arabica chỉ chiếm khoảng 5% trong sản lượng cà phê của Việt Nam qua các năm.  

Nguồn: USDA

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

Do vậy, để cà phê Việt Nam có thể tăng giá trị xuất khẩu và dễ dàng xâm nhập vào các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ thì Việt Nam có thể cân nhắc tăng diện tích trồng cà phê Arabica ở các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Thiếu vốn cho tái canh cà phê

Cà phê Robusta phần lớn tập trung ở Tây Nguyên, đã tạo ra thu nhập cho nhiều nông dân. Hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149 ha, vượt so với diện tích quy hoạch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 53.000 ha. Hơn 30% cây cà phê hiện tại có tuổi từ 20-30 năm, sản lượng đang giảm dần theo mỗi mùa. Hầu hết cà phê từ 17-25 năm tuổi cho năng suất trung bình hàng năm là 1,2 tấn mỗi hécta, chỉ bằng 50% năng suất trung bình của cả nước. Chi phí trung bình để trồng lại một hécta cà phê là 120-150 triệu đồng. Đây là một vấn đề lớn đối với nông dân, vì hơn 91% nông dân thiếu vốn, khó thu xếp vốn trong những năm đầu tái canh (Ths. Nguyễn Minh Hiền, 2022). Nguyên nhân do thu nhập của hầu hết nông dân phụ thuộc vào thu hoạch cà phê và thặng dư không đáng kể. Khi tái canh, phải mất ba năm để cây cà phê ra quả. Các hộ trồng cà phê quy mô nhỏ có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nguồn lực vật chất hạn chế, có ít vốn để đầu tư.

Chưa kể, quá trình tái canh cà phê phải mất ít nhất 5 năm, trong đó có 2 năm cho cải tạo đất, 3 năm cho kiến thiết cơ bản, cũng khiến nông dân khó có đủ kiên nhẫn khi bài toán cơm áo gạo tiền đều phải dựa vào nguồn thu từ cây cà phê. Vấn đề lớn khác là nông dân không có đủ thông tin về các công nghệ cần thiết và các giống cà phê mới. Họ tái canh với hạt giống và cây con có khả năng kháng sâu bệnh thấp, dẫn đến số lượng cây chết trong một hoặc hai năm đầu sau khi trồng thường cao.

Việc tái canh cây cà phê không được như tính toán và mong đợi sẽ làm cho sản lượng giảm mạnh trong thời gian tới. Theo nhiều chuyên gia thì tài chính, nguồn giống và kỹ thuật canh tác đang là những rào cản khiến quá trình tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chưa đạt được như kỳ vọng. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 20 - 30% nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng dành cho tái canh cà phê. Trong khi nguồn giống kém chất lượng vẫn là vấn đề nhức nhối bởi có đến 30 - 40% nông dân vẫn sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, 2019).

Tỷ lệ chế biến thấp và thách thức về tài chính cho việc đầu tư chế biến sâu cà phê

Trong chuỗi giá trị toàn cầu của cà phê, gồm Sản xuất nguyên phụ liệu - Trồng trọt - Chế biến thô sơ và rang xay - Marketing và phân phối sản phẩm, thì Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu trồng trọt, sản xuất. Trong khi đó, khâu này chỉ đóng góp khoảng 10% trong chuỗi giá trị.

Nếu bán cà phê bột và cà phê hòa tan sẽ có giá trị cao hơn nhiều lần so với bán cà phê nhân. Theo các chuyên gia, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân. Mỗi kg cà phê nhân được bán giá khoảng 2 Đô la Mỹ. Một ly cà phê đã chế biến của các hãng, trên thị trường cũng có giá khoảng 2 Đô la Mỹ. Một kg cà phê nhân có thể chế biến được 50 ly cà phê. Một tấn cà phế chế biến sâu có thể lãi bằng 200 tấn cà phê nhân. Cứ 1,6 kg cà phê nhân thì được 1 kg cà phê viên (capsules). Nếu thu mua cà phê nguyên liệu loại tốt với giá 80.000 đồng/kg - cao gấp đôi giá cà phê hạt bình thường, nhưng thành phẩm có thể được bán với giá từ trên dưới 1 triệu đồng/kg. Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp.Thực tế thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm, khoảng 23% trong 2 năm qua với nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đang phát triển phần ngọn và chưa quan tâm giải quyết phần gốc. Do vậy, chúng ta cần chung tay để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng, tăng giá trị cà phê thông qua chế biến.

Để trở thành một thương hiệu cà phê rang xay hoặc hòa tan thì lại phụ thuộc vào trình độ công nghệ. Khâu chế biến cuối cùng là rang xay và phối trộn đòi hỏi có công nghệ cao. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong nước là phải đầu tư công nghệ chế biến sâu cà phê. Để đầu tư một nhà máy tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng với công nghệ hiện đại, có công suất khoảng 3.000 tấn/ năm thì cần tới hàng chục triệu đô la Mỹ, chưa kể chi phí tiếp thị, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm. Đặc biệt là việc tiếp cận, xâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu, tổ chức thành chuỗi sản xuất để bảo đảm từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đòi hỏi phải là những doanh nghiệp lớn, có bề dày kinh nghiệm. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vừa không đủ tiềm lực tài chính, vừa không đủ kinh nghiệm và các bí quyết mang tính đặc thù.

Bên cạnh đó, thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận cho khoản đầu tư này cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp ái ngại trong điều kiện doanh nghiệp không mạnh về vốn tự có mà phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Hiện cả nước chỉ có rất ít doanh nghiệp đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất cà phê như cà phê bột, cà phê hòa tan. Do vậy, yêu cầu về nguồn vốn đầu tư cho công nghệ để chế biến các sản phẩm cà phê chất lượng cao phải trở thành một phần trong chiến lược dài hạn.

Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cây cà phê

Thúc đẩy hoạt động cung cấp tín dụng cho những hộ gia đình sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên, từ đó giúp họ có thể tiếp cận được với nguyên liệu và các công nghệ sản xuất hiện đại.

Kể từ năm 2015, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Đề án, các chương trình, hướng dẫn mở rộng cho vay cà phê, đặc biệt là cho vay tái canh trong điều kiện diện tích cây già cỗi ngày càng gia tăng. Nguồn vốn tín dụng cần cho vay tái canh cà phê là rất lớn, ước tính gấp 10 lần quy mô chương trình cho vay tái canh 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, gánh nặng cho vay đang đặt chủ yếu lên vai Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Quá trình cấp tín dụng tái canh cà phê đang gặp nhiều khó khăn cả về phía cung và phía cầu. Trong khi phía cung đến từ việc thủ tục vay vốn các hộ cần nằm trong danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân thì phía cầu lại đến từ bản thân các hộ đang quan sát thấy lợi nhuận từ cà phê đang giảm đi trước mắt do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như chi phí cơ hội của việc trồng cà phê đang gia tăng do lợi ích từ trồng hồ tiêu đang tăng mạnh. Chính vì điều này khiến cho sự hấp dẫn của việc trồng cà phê giảm. Do đó, cần tăng cường nguồn vốn cho vay cà phê thông qua mở rộng đối tượng cho vay hoặc điều chỉnh gói cho vay theo hướng linh hoạt hơn như cho phép diện tích đất trồng xen canh cà phê với cây khác được tiếp cận tín dụng.

Đẩy mạnh tốc độ tái canh cây cà phê

- Về kỹ thuật

Khi thực hiện việc tái canh thì quy trình kỹ thuật cần phải được tuân thủ hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt, không thể làm nóng vội. Để tái canh cà phê hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh đến tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng trong đất khi trồng, đầu tư mới vườn sản xuất giống lai.

- Về tín dụng

Về biện pháp đẩy mạnh tín dụng cho tái canh, theo đề xuất của ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân Agribank, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi quy định theo hướng nâng mức cho vay tối đa lên 200 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh và 100 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê. Cùng với đó, nâng thời hạn cho vay từ 08 năm lên 10 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 06 năm đối với phương pháp ghép cải tạo.
- Về tiếp cận nhu cầu

Vào 31/03/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án Số 1178/QĐ-BNN-TT tái canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cụ thể như sau:

+ Trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha.

+ Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha.

+ Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Tuy nhiên thì hiện tại tốc độ tái canh ở các địa phương đang chậm hơn so với mục tiêu được đặt ra của đề án. Bởi vậy, các địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền cũng như hỗ trợ về mặt tài chính dài hạn để các hộ sản xuất có thể thực hiện được công việc tái canh cây cà phê.

Bộ cũng cần đứng ra làm đầu mối phối hợp liên kết giữa các nhà (Nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp) thực hiện tiêu thụ cà phê cho hộ trồng cà phê thông qua hợp đồng, chuỗi liên kết giá trị nhằm đảm bảo phát triển cà phê ổn định, bền vững.

Tăng cường hàm lượng chế biến trong các sản phẩm cà phê xuất khẩu

- Đầu tư mạnh cho chế biến sâu

Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê.

Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của quốc tế;

Cần đẩy mạnh sự hiện diện của các sản phẩm cà phê qua chế biến của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Xây dựng thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam trên trường quốc tế

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực.

Tăng cường tham gia các hội chợ quốc tế, cũng như tổ chức các hội chợ lớn cho các sản phẩm cà phê Việt Nam.

Nguyễn Việt Dũng/ Ban Chính sách và Chiến lược/Ipsard

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                Mỹ Hạnh, Thanh Nhàn. Liên kết chuỗi giá trị cà phê Việt Nam chất lượng cao. Nông Nghiệp Việt Nam.

2.                Mộc Minh. (2023). Xuất khẩu thứ 2 thế giới: Cà phê Việt chưa có thương hiệu tầm cỡ và bỏ trống gia tăng giá trị. VnEconomy.

3.                ThS. Nguyễn Minh Hiền. (2022). Những thách thức của việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.Tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp.

4.                TS. Trần Huy Tùng, ThS. Trương Hoàng Diệp Hương. (2022). Tăng cường chính sách, chương trình tín dụng nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên. Tạp chí thị trường Tài chính Tiền tệ.

5.                Lê Thủy. (2015). Tái canh cây cà phê: Không dễ!. Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

6.                Ngọc Thủy. (2023). Chế biến sâu để nâng tầm giá trị cà phê Việt. Tạp chí Kinh tế nông thôn.

7.                Phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Thư viện pháp luật.

 

 


Tin khác