1. Sản xuất – Tiêu thụ
Việt Nam: Năm 2024, năng suất hồ tiêu ở các vùng sản xuất chính của Việt Nam ở mức trung bình. Sản lượng hồ tiêu giảm nhẹ do diện tích trồng tiêu bị thu hẹp khi người dân chuyển sang một số loại cây trồng khác như: cà phê, bơ, sầu riêng…
Brazil: Năm 2024, dự kiến sản lượng hồ tiêu của Brazil sẽ giảm do hạn hán trong nửa cuối năm 2023 và lượng mưa giảm vào đầu năm 2024. Vụ thu hoạch của Brazil dự kiến sẽ diễn ra muộn hơn so với hàng năm, bắt đầu vào tháng 9 tại cả bang Para và Espirito Santo, gây ra tình trạng eo hẹp về nguồn cung. Người trồng tiêu cũng có xu hướng giữ lại sản phẩm chờ giá cao hơn, đặc biệt là ở Espirito Santo.
Ấn Độ: Lượng hồ tiêu tồn kho tại Ấn Độ đang ở mức cao do thu hoạch hồ tiêu tại các vùng sản xuất phía Nam của quốc gia này đã hoàn tất. Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu nội địa tăng đã góp phần vào sự lạc quan trên thị trường trong nước.
Indonesia: Theo Harrisspice, dự kiến thu hoạch hồ tiêu tại Indonesia sẽ bắt đầu vào tháng 7 với sản lượng tốt ở hầu hết vùng trồng trọng điểm. Mặc dù ước tính sản lượng tốt, nhưng có thể không ảnh hưởng nhiều đến giá vì các nhà đầu cơ đã cố gắng mua hết nguyên liệu có sẵn.
2. Xuất khẩu – Nhập khẩu
Xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu trong 5 tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm ở Việt Nam và Brazil, trong khi tăng mạnh ở Ấn Độ và Indonesia.
Xuất khẩu hồ tiêu của một số nước qua các tháng đầu năm 2024
Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế và Cơ quan Hải quan, Thống kê các nước
Brazil: Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 31.847 tấn hồ tiêu trong 5 tháng đầu năm 2024, trị giá 118,7 triệu đô la Mỹ, giảm 8% về lượng nhưng tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân là 3.728 đô la Mỹ/tấn, tăng 27,9%.
5 tháng đầu năm 2024, hồ tiêu của Brazil đã xuất khẩu sang 85 thị trường trên thế giới. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 5.181 tấn, chiếm 16,3% thị phần và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp đến là Morocco đạt 3.455 tấn, giảm 5%; Ấn Độ đạt 3.361 tấn, tăng 36,9%; Senegal 3.227 tấn, giảm 25,1%.
Campuchia: Theo báo cáo Cơ quan Hải quan Campuchia, trong 5 tháng đầu năm2024, xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia đạt gần 23 triệu USD, tăng mạnh 240% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam chiếm 80% khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của Campuchia, còn lại là các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.
Cơ cấu nguồn cung hồ tiêu cho thị trường Hoa Kỳ trong 5T/2023 và 5T/2024
Đơn vị: % theo khối lượng
Nguồn: Số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ
Hoa Kỳ: Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hồ tiêu của Hoa Kỳ trong tháng 4/2024 đạt 8.007 tấn, tăng 38,9% so với tháng 3/2024 và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu tiêu của Hoa Kỳ đạt 27.872 tấn với trị giá 130,53 triệu đô la Mỹ, tăng 24,5% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2024, chiếm 76% thị phần với khối lượng đạt 21.259 tấn, trị giá hơn 97,3 triệu đô la Mỹ, tăng 19,2% về lượng và tăng 21,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
EU: Nhập khẩu hồ tiêu của Liên minh Châu Âu có xu hướng tăng mạnh trở lại sau khi sụt giảm vào năm 2023. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Liên minh Châu Âu đã nhập khẩu 18.474 tấn hồ tiêu từ thị trường ngoài Liên minh Châu Âu trong 4 tháng đầu năm 2024 có trị giá 83,7 triệu đồng Euro, tăng 22,9% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quốc gia đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu vào Liên minh Châu Âu, chiếm 61,5% tổng khối lượng với 11.359 tấn, trị giá 48,5 triệu đồng Euro. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng 25,1% về lượng và 32,1% về giá trị.
Phạm Hằng/Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn/IPSARD;
Tổng hợp từ: https://vietnambiz.vn/bao-cao-thi-truong-ho-tieu-thang-52024-da-tang-cua-gia-tieu-se-cham-lai-2024624132514152.htm