Bí quyết thành công trong chuyển đổi ruộng đất ở Tứ Xã

29/03/2007

Sau khi dồn đổi ruộng đất, nhân dân xã Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ) đã huy động hàng trăm ngày công làm mới và mở rộng hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng Sau khi dồn đổi ruộng đất, nhân dân xã Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ) đã huy động hàng trăm ngày công làm mới và mở rộng hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài gần 24.700m, khối lượng đào đắp trên 80.530m3; làm mới 42 cống. Nhờ đó, phương tiện cơ giới có thể đến tận chân ruộng để phục vụ sản xuất và thu hoạch.

Trên cánh đồng màu của hợp tác xã (HTX) Thạch Vỹ, anh Chử Văn Chung (khu 22) đang khẩn trương thu hoạch nốt những cây rau mùi cuối vụ. Anh cho biết: “Bà con ai cũng biết sau khi dồn đổi ruộng đất sẽ có nhiều thuận lợi trong canh tác, việc đưa máy móc vào sản xuất và áp dụng tiến bộ kỹ thuật sẽ dễ dàng hơn nên rất tin tưởng và ủng hộ chủ trương này”. Gia đình chị Hoàng Thị Hương (khu 20) trước đây có 11 thửa ruộng, ở nhiều khu khác nhau, nay dồn lại còn 7 thửa, tiện lợi và dễ dàng trong khâu chăm sóc nên năng suất, sản lượng cây trồng cũng cao hơn.

Là xã thuần nông vùng chiêm trũng, Tứ Xã có 2.288 hộ với 513, 85ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn diện tích ruộng đất không bằng phẳng, độ phì nhiêu khác nhau lại manh mún (toàn xã có 23.967 thửa, bình quân mỗi hộ 10 - 12 thửa). Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 2004, lãnh đạo xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch dồn đổi ruộng đất tự nguyện trong dân, trước mắt thí điểm ở HTX Thạch Vỹ. Năm 2005, xã tiếp tục triển khai ở HTX Vân Hùng, tiến tới quy mô toàn xã. Đến nay, xã đã hoàn thành kế hoạch dồn đổi ruộng đất trong nông nghiệp với tổng diện tích hơn 405ha, tổng số thửa sau khi dồn đổi giảm 49,3%, bình quân chỉ còn 5, 3 thửa /hộ, 423 m2/thửa. Đất quỹ công ích 5% ở các khu vực đã tập trung về một chỗ, nhiều hộ tự nhận một khu có quy mô 3.000 - 5.000m2. Để có được thành công này, xã đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) gồm 28 thành viên và các tiểu ban chỉ đạo của HTX. BCĐ các cấp đã triển khai kế hoạch và thống nhất quan điểm lấy khu hành chính là đơn vị trực tiếp dồn đổi và xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất ở khu vực mình, trên cơ sở thảo luận bàn bạc dân chủ trong dân. Các đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tham gia dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ nhận đất về một chỗ để thuận tiện cho sản xuất.

Trong quá trình triển khai, xã đặc biệt coi trọng vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên. ở khu 11, HTX Vân Hùng, nhờ nắm rõ tình hình ruộng đất canh tác và những băn khoăn, vướng mắc của bà con nên BCĐ đã xây dựng kế hoạch dồn đổi hợp lý, quy hoạch hệ thống giao thông - thủy lợi và lấy ý kiến thống nhất của xã viên trước khi triển khai trên thực địa. Do đó, khu đã hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất đạt hơn 65%, cao nhất xã.

Thông qua công tác tuyên truyền, qua các buổi họp dân, BCĐ xã nắm bắt được tâm lý băn khoăn của nhân dân là khi dồn đổi sẽ có sự xáo trộn về địa hình ruộng đất, chất đất tốt – xấu, xa nguồn nước gây khó khăn cho sản xuất để có sự điều chỉnh phù hợp. BCĐ đã quy hoạch, xây dựng và mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng, đảm bảo chủ động nguồn nước tưới đến tất cả các chân ruộng, phục vụ cho sản xuất kịp thời vụ; kinh phí và nhân lực đào đắp do nhân dân tự lo. Cũng nhờ công tác chuyển đổi ruộng đất, nhiều mô hình sản xuất theo hướng chuyên canh đã xuất hiện ở Tứ Xã, hứa hẹn những vụ mùa no ấm.

www.kinhtenongthon.com.vn


Tin khác