Hội thảo: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá và hội nhập

16/04/2007

AGROINFO - Ngày 12 tháng 4 năm 2007, Viện Chính sách và Chiến lược PTNN & NT phối hợp với Báo Tia Sáng đã tổ chức Hội thảo Nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá và hội nhập.

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý trung ương (Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, v.v..), các chuyên gia về nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện các viện nghiên cứu, các địa phương (Vĩnh Phúc, Quảng Nam, v.v..) cùng một số doanh nghiệp trong nước.

Mở đầu buổi hội thảo, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược PTNN & NT trình bày báo cáo đề dẫn Phát triển nông thôn Việt Nam - Vấn đề và giải pháp. Theo TS. Đặng Kim Sơn, nông thôn Việt Nam hiện nay đang đối đầu với rất nhiều vấn đề khó khăn và yếu kém. Đó là vấn đề quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, khả năng hợp tác, liên kết, cạnh tranh yếu, chuyển dịch cơ cấu chậm. Tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động là phổ biến; chênh lệch về thu nhập và về điều kiện sống so với thành thị ngày càng lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất và sinh hoạt ngày càng trở nên nặng nề. Các hoạt động chuyển nhượng sử dụng và bồi hoàn đất đai vẫn chưa diễn ra theo đúng quy luật, còn gặp nhiều cản trở, v.v..

Nguyên nhân của tình trạng trên là do xuất phát điểm của nông thôn thấp kém; việc đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp vẫn chưa thỏa đáng; quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa phục vụ sát thực cho nông nghiệp, nông thôn; quản lý của Nhà nước còn nhiều bất cập; khả năng mặc cả trên thị trường của người nông dân còn thấp nên phải chịu nhiều thiệt thòi, v.v..

Những câu hỏi quan trọng được đặt ra mà chính sách phát triển nông thôn Việt Nam trong thời gian tới phải trả lời là: (1) Phát triển nông thôn Việt Nam đối phó với những thách thức gì? (2) Diện mạo, vai trò nông thôn tương lai ra sao? (3) Cuộc sống quyền lợi của người nông dân sẽ như thế nào? (4) Chúng ta nên xây dựng và vận dụng lý luận phát triển nông thôn nào và cần có chiến lược, chính sách cụ thể gì? (5) Cần lựa chọn ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nào? (6) Giải pháp vượt qua khó khăn trước mắt là gì? v.v…

Trước thực trạng trên, nghiên cứu cũng đưa ra bốn giải pháp. (1) Khoan sức dân, tiếp sức dân; thực hiện việc miễn thuế, phí, nghĩa vụ; hỗ trợ dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, phát triển khoa học công nghệ. (2) Xây dựng tổ chức nông thôn, đổi mới quản lý nhà nước, cải cách hành chính, đổi mới dịch vụ công, phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức cộng đồng, thu hút đầu tư về nông thôn. (3) Hỗ trợ nông dân khắc phục trở ngại, thiếu thốn; thực hiện xoá đói giảm nghèo, cung cấp nước sạch, điện, đường, trường, trạm, thông tin. (4) Cởi trói, xử lý các vướng mắc cho nông dân; cấp đất, giao quyền sản xuất, cấp tín dụng, phát huy dân chủ cơ sở, hỗ trợ đồng bào dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, phát triển nông nghiệp và nông thôn cần được xem là quốc sách nằm trong mọi chính sách của cả nước. Đặc biệt, chính sách phát triển nông thôn cần tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào quá trình thương mại hóa trong nền kinh tế quốc dân. Đây là một hiện tượng thực tế và là một nguyên nhân quan trọng chưa được nhìn nhận đúng mức trong việc tạo ra những thành tựu. Không nên “dạy” người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì mà nên hỗ trợ để họ ngày càng nâng cao được khả năng tham gia vào quá trình thương mại hoá của nền kinh tế. Bởi lẽ “Dạy” như trên, không biết ta có giỏi bằng nông dân không? (ngoại trừ một số vùng chậm tiến). Nếu may mà “dạy” trúng, không biết ta có lo được cho họ việc tiêu thụ đầu ra hay không? Hơn nữa không ai hiểu nông dân, hiểu những vấn đề của họ bằng chính họ.

GS. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cho rằng việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp thời gian tới cần phải thẳng thắn nhìn nhận với tinh thần cầu thị về những bài học thất bại của các chính sách phát triển nông thôn đã có. Trường hợp Thái Bình năm 1996 là điển hình cho sự khủng hoảng trong xã hội nông thôn hiện đại của Việt Nam. Những vấn đề của nông thôn tại Thái Bình sau 10 năm vẫn còn nguyên vẹn, chúng chỉ bị biến dạng đi và diễn ra những hình thức “tinh vi” hơn mà nếu chúng ta xem thường và không có sự chuyển biến kịp thời, ngay lúc này, trong chiến lược và chính sách thì mức độ khủng hoảng còn sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Tiếp tục dòng phân tích này, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, trường hợp Tây Nguyên cũng là một trong những bài học điển hình cho sự thất bại của các chính sách phát triển nông thôn vốn không tính tới và không được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm kinh tế-xã hội và văn hóa riêng của mỗi vùng, miền. Từ sau năm 1975, khi tiến hành các chính sách kinh tế-xã hội mới tại các vùng đất thuộc địa bàn sinh sống truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, chúng ta hầu như hoàn toàn không có sự tìm hiểu, nghiên cứu về các mô hình thể chế kinh tế-xã hội và văn hóa đã và đang tồn tại của đồng bào dân tộc thiểu số. Và vấn đề là ở chỗ dường như hiện nay chúng ta vẫn chưa có sự thay đổi căn bản trong chính sách phát triển nông thôn tại Tây Nguyên để có được sự phát triển bền vững tại địa bàn này.

!!GS. Đào Thế Tuấn lại đặt ra câu hỏi về khả năng mặc cả của người nông dân trên thị trường, đặc biệt trong điều kiện thiếu các tổ chức hợp tác thực sự của người nông dân. Với tình trạng giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động như hiện nay, phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi rằng liệu Việt Nam có còn khả năng là nước xuất khẩu lương thực, như gạo, trong thời gian tới nữa hay không? Đâu là mục tiêu thực sự của chính sách phát triển nông thôn? Chẳng hạn, trong chính sách xóa đói giảm nghèo, phải chẳng chúng ta đầu tư giúp người nghèo cải thiện đời sống của họ thông qua các chính sách hỗ trợ nhỏ giọt về nông nghiệp là cách làm bền vững? Liệu giúp người nghèo thoát ra khỏi nông nghiệp có phải là cách xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững nhất hay không? ,v.v…

Từ nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm về chính sách phát triển nông thôn trên thế giới, nhà nghiên cứu Việt Phương cho rằng hòan toàn có cơ sở để xây dựng mô hình nông thôn mới ở Việt Nam với những đặc trưng là:

- Khai thác hợp lý và nuôi dưỡng các nguồn lực toàn thế giới về sinh thái cho thế hệ ngày nay và mai sau;

- Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao thông qua việc vận dụng các công nghệ cao về quản lý, sinh học,;

- Có sự tham gia chủ động, tích cực của các chủ thể nông thôn gồm: lao động nông thôn, chủ trang trại, hội nông dân, các tổ chức phi chính phủ, nhà nước, tư nhân, v.v.. trong mọi quá trình ra quyết định về chính sách phát triển nông thôn;

- Có môi trường đầu tư thuận lợi, không can thiệp thô bạo vào đời sống nông thôn;

- Phát triển công nghệ sinh học;

- Thông tin minh bạch, thông suốt và hiêu quả giữa các tác nhân có liên quan; phân phối công bằng.

v.v…

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh yêu cầu đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp, nông thôn trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để làm được điều này, theo tiến sỹ Doanh, cần phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn – “doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông thôn”. Quá trình này đang diễn ra chưa mạnh mẽ và còn gặp nhiều khó khăn và cản trở. Mặt khác, cũng cần có cơ chế, chế tài rõ ràng trong việc xử lý mối quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân. Kinh nghiệm chính sách của Hàn Quốc là nông dân được tham gia mua cổ phần, đóng bảo hiểm trong các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (có sử dụng đất nông nghiệp) thay vì đền bù ngay lạp tức bằng một khoản tiền lớn. Điều này sẽ làm giảm độ “sốc” cho người nông dân khi họ chưa tìm ra được một phương thức hoạt đọng kinh tế mới thay cho hoạt động nông nghiệp truyền thống.

Đại diện tỉnh Quảng Nam, Bí thư tỉnh ủy-Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Ngọc Hoàng nêu lên đặc điểm riêng của tỉnh và định hướng chiến lược phát triển nông thôn mới của địa phương dựa trên khai thác những tiềm năng về du lịch, trong đó chính sách khai những giá trị của nông thôn để phát triển du lịch và dịch vụ. Điều này có nghĩa là bản thân nông thôn có những khả năng để có thể khai thác, phát triển mà chúng ta có thể vẫn chưa thấy được hết. Mặc dù vậy, nguy cơ đánh mất các giá trị văn hóa nông thôn, cả về giá trị vật thể và phi vật thể vẫn còn rất cao và điều này ảnh hưởng ngược lại tới chính dân cư nông thôn.

Tổng kết buổi hội thảo, ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cho rằng, nông thôn Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc « bể râu », từ cách mạng ruộng đất cho tới tập thể hóa, hợp tác hóa trước đây, từ “khoán 100”, “khoán hộ” cho tới tích tụ ruộng đất, đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay nhưng xem ra vấn đề căn bản nhất trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn là vấn đề sở hữu và quy hoạch đất đai nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được giải quyết một cách thoả đáng. Các chính sách phát triển nông thôn trong các giai đoạn trước đây cũng mới chỉ chú ý đến khía cạnh kinh tế-nông nghiệp của phát triển nông thôn mà chưa xem xét nông thôn như một xã hội tổng thể. Công tác hoạch định chính sách phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay cần phải được dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học liên ngành, và đặc biệt cần phải được thảo luận một cách rộng rãi để tiếp thu được nhiều ý kiến khác nhau.

Chính vì vậy, chủ đề và nội dung của cuộc hội thảo sẽ tiếp tục trong thời gian tới với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân khác, đặc biệt là đối tượng hưởng lợi chủ yếu-người nông dân. Những ý kiến đóng tâm huyết của các chuyên gia, các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham dự hội thảo lần này là một cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển nông thôn sắp tới.


Ngô Vi Dũng - Trần Lan Phương (Agroinfo)

Tin khác