Dư luận Trung Quốc về những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam

28/08/2008

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa đến lúc khủng hoảng. Việt Nam là quốc gia tương đối nhỏ, mức độ khống chế hành chính của Nhà nước tương đối mạnh nên dễ khống chế một số vấn đề kinh tế xuất hiện”…

Gần đây, dư luận và báo chí Trung Quốc đã có những nhận xét khách quan về mức độ ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Xin giới thiệu cùng bạn đọc lược thuật những ý kiến đó.

Tuần báo Nam Phương gần đây đã phỏng vấn ông Dương Chân - Hội trưởng Thương hội Trung Quốc tại Việt Nam về tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua. Đánh giá chung về thực trạng đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế này nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa đến lúc khủng hoảng: Theo lý luận kinh tế học, cần phải có mấy yếu tố cơ bản mới tạo thành khủng hoảng kinh tế. Hiện nay, ở Việt Nam, những yếu tố này vẫn chưa cấu thành hoàn chỉnh. Việt Nam là quốc gia tương đối nhỏ, mức độ khống chế hành chính của Nhà nước tương đối mạnh nên dễ khống chế một số vấn đề kinh tế xuất hiện”

Về tác động đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, ông cho biết các doanh nghiệp của Trung Quốc tại Việt Nam nhìn chung không bị ảnh hưởng lớn. Ông nói: “Một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu do chịu ảnh hưởng của việc tăng giá Việt Nam đồng nên có giảm sản xuất, cũng có trường hợp ngừng sản xuất nhưng ảnh hưởng tổng thể đối với doanh nghiệp không lớn”.

Về tình hình đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, ông cho biết: “Hiện nay, miền Bắc và miền Nam Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chưa gia nhập thương hội, doanh nhiệp tư nhân đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức mở nhà máy nhỏ, buôn bán nhỏ, hoặc tìm thị trường tiêu thụ”. Có lẽ vì lý do này mà Trung Quốc vẫn giữ vị trí khiêm tốn trong bảng xếp hạng các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về xu hướng đầu tư, ông cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư ngày càng nhiều. Tuy nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang xem xét lĩnh vực nên đầu tư và định vị lại phương hướng đầu tư. Lâu nay, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều vào các lĩnh vực dệt, quần áo, giải khát, xe máy. Trong thời gian tới, Trung Quốc có khả năng chuyển hướng đầu tư về lĩnh vực chế tạo thiết bị cơ khí do nhu cầu của Việt Nam hiện nay đối với thiết bị cơ khí tương đối lớn.

Nhận xét về môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay và tác động của biến động kinh tế lần này đối với môi trường đầu tư, ông Dương Chân cho rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có hạn chế: Phương thức quản lý và tổ chức một số hoạt động chưa chuyên nghiệp, hiệu quả. Ví dụ nhiều địa phương ở Việt Nam mở nhiều khu công nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả, mở nhiều Hội nghị triển lãm nhưng không có tính chuyên nghiệp. Các yếu tố sản xuất như thuế, nhân công, vật tư, nhiên liệu…tăng cao. Bên cạnh đó, bãi công hiện là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi “Tương lai nào cho kinh tế Việt Nam?”, ông Vương Khánh Ba - Tổng Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Tương lai đối với Việt Nam tương đối lạc quan”.

Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam, ông Vương Khánh Ba nói: Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam 5 tháng đầu năm đã đạt mức 25,3%. Nhập siêu thương mại của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, vẫn nhiều hơn một chút so với ½ GDP của Việt Nam năm ngoái. Việt Nam đồng tăng giá, tỷ giá hối đoái thị trường và tỷ giá hối đoái Nhà nước có mức chênh lệch khá lớn. Các chỉ tiêu nói trên nếu tiếp tục tăng sẽ dẫn đến kinh tế quốc dân Việt Nam xấu đi và ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Ông cho biết Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã áp dụng các biện pháp khống chế lạm phát và đánh giá những biện pháp này đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ông Vương Khánh Ba cũng cảnh báo rằng hiệu quả chuyển biến phụ thuộc vào mức độ thực hiện các biện pháp đó và điều này còn phải quan sát thêm.

Các biện pháp của Chính phủ như: (1) Chính sách tiền tệ: từng bước thắt chặt cán cân thanh toán, giảm tính lưu động của thị trường, tăng cường mức độ đối phó lạm phát; (2) Thông qua Quốc hội phê chuẩn, hạ thấp mục tiêu tăng trưởng GDP (3) Phối hợp với Ngân hàng khống chế lạm phát thông qua biện pháp vĩ mô (4) Cắt giảm chi tiêu công tới 10% (5) Điều chỉnh mức thuế đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu (6) Trợ cấp thu nhập thấp đã góp phần ổn định thị trường, giảm lạm phát. Theo ông, nếu mức độ khống chế vĩ mô tốt, các biện pháp này sẽ có hiệu quả.

Dưới đầu đề “Kiên định lòng tin, hợp tác cùng thắng”, Tờ Vân Nam nhật báo đã bình luận về quan hệ hợp tác kinh tế hiện nay giữa Vân Nam và Việt Nam. Tờ báo viết:

Gần đây, khi nói về tình hình kinh tế Việt Nam, có một số người cho rằng Việt Nam đang gặp khó khăn nghiêm trọng, giống như cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan 1997. Tình trạng này có thể gây ra hậu quả cho cả khu vực. Những người đưa ra quan điểm như vậy không phải là không có căn cứ, sự lo lắng của họ không phải là không có lý. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh suy nghĩ và nghiên cứu theo chiều sâu, xuất phát từ mục tiêu hợp tác cùng thắng giữa hai bên thì có thể thấy, Vân Nam và Việt Nam núi sông liền một dải, không gian hợp tác kinh tế và sự hỗ trợ lẫn nhau cũng rất lớn. Những khó khăn kinh tế hiện nay của Việt Nam so với mục tiêu hợp tác lâu dài cùng thắng giữa hai bên, thì những khó khăn đó chỉ là tạm thời. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Vân Nam - Việt Nam vẫn có không gian và tiềm năng phát triển lớn, vẫn có hy vọng lớn.

Mặt khác, Việt Nam gần đây đưa ra một loạt chính sách và biện pháp mạnh để kiểm soát tình hình và giải quyết những vấn đề và khó khăn đang gặp phải. Dù tình hình tiến triển thế nào thì chúng ta cũng cần thấy rằng, vượt qua khó khăn kinh tế lần này, Việt Nam có những lợi thế quan trọng sau đây: Một là, Việt Nam có Chính phủ mạnh; hai là, nhân dân Việt Nam có sức chịu đựng mạnh mẽ trước khó khăn, tin tưởng vào việc giải quyết khó khăn kinh tế lần này; ba là, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo chủ yếu trên thế giới, năm nay lại được mùa, có cơ sở để giải quyết những vấn đề dân sinh hiện nay; bốn là, yếu tố tâm lý của mọi ngươờ để chiến thắng cuộc khủng hoảng lần này tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 1997 ở Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, Vân Nam và Việt Nam có nhiều cơ sở và điều kiện tốt. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng ra bên ngoài, cần phải tính kế lâu dài, cần hết sức tránh mắc bệnh “cận thị”. Đối với những vấn đề khó khăn kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc cần coi đó là cơ hội tốt để rút ra bài học, đồng thời cũng qua đó để nhận thức thị trường Việt Nam một cách sâu rộng hơn, từ đó tìm ra đối tác hợp tác tốt, lĩnh vực hợp tác tốt, dự án hợp tác tốt. Các doanh nghiệp Trung Quốc cần phải biết cách sinh tồn và có lòng tin, không thể khi thị trường tốt hơn thì ở, còn khi thị trường gặp khó khăn thì tháo chạy. Bài báo kết luận: “Nếu như vậy, đợi khi thị trường tốt trở lại, muốn quay lại thị trường cũng khó. Nếu chúng ta kiên trì ở lại, cùng vượt qua khó khăn, một khi thị trường tốt trở lại thì cái mà chúng ta thu được là sự tin cậy và cùng thắng./.

Nguồn thông tin:ĐCSVN


Tin khác