Tái cơ cấu nên bắt đầu từ nông nghiệp

20/08/2009

(TuanVietNam) - Bài viết cảnh tỉnh một số nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt và giải pháp đi kèm trong giai đoạn dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các ý kiến và số liệu lấy từ cuộc hội thảo do Bộ NN và PTNT ngày 11/08 vừa qua.

Cẩn trọng với sự khuynh loát của Trung Quốc

GS Ari Kokko – Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) trong bài tham luận "Trung Quốc, Việt Nam và khủng hoảng toàn cầu" đề cập đến những nỗ lực của Trung Quốc qua gói kích cầu đưa ra vào tháng 11/2008 lên đến 4000 tỷ NDT, tương đương với 18% GDP nhằm thúc đẩy 10 ngành kinh tế chiến lược, bao gồm ô tô, may mặc, đóng tầu, hóa dầu, công nghiệp nhẹ, điện tử, kim loại không chứa sắt, sản xuất thiết bị và cung ứng. Một số ưu tiên khác là cắt giảm lãi suất, nới lỏng tín dụng, giảm thuế, trợ cấp tiêu dùng và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Gói kích cầu khổng lồ có vẻ như liệu pháp tâm lý hơn là thực tế, giải ngân trong quý IV/2008 và quý I/2009 chỉ là 230 tỷ NDT, trong khi tốc độ tăng trưởng từ 6% quý I/2009 lên 7% vào quý II/2009. Tuyên bố rằng kinh tế đã thoát khỏi khủng hoảng đã lan truyền với sự tăng lên sản xuất CN, đầu tư dài hạn, doanh thu bán lẻ, bán nhà và bán ô tô.

Thật khó có thể tin vào phép mầu của cây đũa thần chính sách tác động kỳ diệu vào thị trường nội địa khổng lồ đang suy giảm sức mua tới 50%. Có việc nhận ra ngay như xây dựng lại nhà cửa hạ tầng nơi bị động đất.
Nhưng để có việc làm mới cho những người từ thành phố trở về nông thôn thật không dễ dàng: từ việc tiếp cận tín dụng tạo nghề mới đến những cải thiện về an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng…

Một nghiên cứu xã hội của nhà khoa học Trung Quốc gần đây cho thấy khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực nông thôn và thành thị năm 2002 là 4.3 lần, còn 2007 là 3.3 lần. Duy trì hộ tịch nông thôn thành thị như một bằng chứng thiếu công bằng và hầu hết trẻ em không học hết lớp 9 tại nông thôn cho thấy hố sâu ngăn cách không dễ lấp kín bởi những chính sách tình thế.

Trung Quốc với giá trị xuất khẩu 1.430 tỷ USD, gấp 22 lần VN có ảnh hưởng gì tới VN khi chống đỡ cơn suy thoái? Có vài trăm triệu lao động từ nông thôn ra thành phố và vài chục triệu người thiếu việc làm, vậy họ có tìm cách xuất khẩu sang VN?

Rất có thể họ sẽ làm điều đó bằng những hợp đồng BT (*), nhưng hiện tại với vài vạn người thì những lo ngại này mang hàm ý khác. Xuất khẩu lao động thông qua hàng hóa giá rẻ có vẻ thực tế hơn. Cần có những nhìn nhận thực tế hơn khi tìm lý do khó khăn bên ngoài sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nguy cơ đầu tư duy ý chí vẫn rình rập

Bài viết "Sự phục hồi của nền kinh tế Việt nam sau khủng hoảng?" của GS David Dapice – Trường hành chính công John F Kenedy, Đại học Havard, Hoa Kỳ đề cập trực tiếp đến các vấn đề nội tại của VN.

Vốn là chuyên gia nhiều năm làm việc tại Indonesia và VN, rất gần gũi với các lãnh đạo Bộ NN &PTNT, diễn giả nhấn mạnh đến những cơ hội hiệu chỉnh lại các quan điểm đầu tư trong nước, đặc biệt là cân nhắc dừng các dự án đầu tư duy ý chí hay những ưu đãi vào khu vực kinh tế thiếu hiệu quả.

Lấy ví dụ về dự án sân bay quốc tế Long Thành tại Đồng Nai trị giá 4 tỷ USD công suất 25 triệu hành khách khi mở cửa vào 2015. Khả năng thực tế khó đạt 5-9 triệu vào năm 2025 và nếu có thì thêm 1 tỷ USD làm đường sắt, đường bộ nối với Tp HCM.

Nếu không vì những mục tiêu ẩn ý nên đầu tư vài trăm triệu USD nâng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất. Thực tế vốn vay sẽ phải trả nợ kép khi tốc độ tăng trưởng xấp xỉ với lãi suất vay và khả năng lạm phát tới 20% là có thật. Cũng như vậy, khi cân nhắc những khoản tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp NN vay cần đi cùng với điều kiện giám sát gia tăng phần đóng góp vào ngân sách NN và tạo ra số việc làm mới một cách chắc chắn.

Phát triển phải dựa vào nông nghiệp

Lấy bối cảnh đồng bằng Cửu Long, nơi có 17 triệu dân sinh sống, đây là nơi sản xuất gạo, cá, thịt, trái cây hơn là hàng hóa công nghiệp, ngoài ra còn có thực phẩm chế biến. Toàn bộ nguồn nông sản phụ thuộc vào khai thác đất và nước sạch. Nguy cơ nước biển dâng thêm 1m làm biến mất 1/2 diện tích canh tác và hiện tượng ngập mặt trên diện rộng. Từ đầu nguồn sông Mekong, các dự án thủy điện đang giữ lại phù sa và nguồn cá tự nhiên, đồng thời gia tăng nguy cơ khô hạn vào mùa khô. Việc phát triển CN thiếu thận trọng làm ô nhiễm nguồn nước, lại thêm việc khai thác sử dụng nước ngầm làm thoái biến nguồn nước sạch quý giá và hiếm hoi.

Khủng hoảng bắt nguồn từ những quốc gia tiêu thụ. Cư dân nghèo đi khiến thắt chặt chi tiêu và ca bài ca bảo hộ thị trường nội địa. Lấy ví dụ như thị trường Mỹ với cuộc tranh luận các basa và da trơn. Đúng sai phân giải sau nhưng thị phần giảm là có thật.

Việt Nam cũng có thể lên tiếng tại các diễn đàn quốc tế về chia sẻ tài nguyên, công bằng thương mại nhưng có những công việc có thể tự giải quyết ngay tại chỗ cho trước mắt hay lâu dài.

Ví dụ như chuyện cá ba sa, thay vì duy trì tranh luận các tiêu chuẩn an toàn, ngành thủy sản VN liên hệ với cơ quan kiểm định có uy tín quốc tế để phê chuẩn các quy trình sản xuất an toàn. Điều đó có nghĩa là mật độ ao nuôi giảm đi, xử lý nước thải tốt hơn, bớt sử dụng kháng sinh, giảm thuốc trừ sâu từ nguồn thức ăn sử dụng.

Không cần hoàn toàn sạch, VN có thể tạo dựng uy tín về chất lượng thực phẩm tốt hơn Trung Quốc đang bị tai tiếng do có chất độc hại nên rất khó bán hàng. Điều đó không chỉ giúp VN lấy lại thị phần trước mắt mà lâu dài cũng rất có lợi.

Tăng trưởng dài hạn của ĐBSCL vẫn là nông nghiệp (thủy sản) và chế biến nông sản. Nếu không, lao động trẻ tiếp tục trôi dạt về các thành phố lớn và tăng sức ép các vấn đề đô thị vốn đã quá tải. Phát triển NN không đồng nghĩa với giữ đất trồng lúa. Nhưng làm gì khi thanh niên số đông chưa được đào tạo (hoặc chất lượng đào tạo thấp).

Lao động từ vùng nông thôn ngày càng gia tăng, hàng chục triệu người đến tuổi lao động và phần lớn họ không dễ dàng tìm việc làm tại đô thị, đây là vẫn đề nhạy cảm và là vấn đề rắc rối trong tương lai.

Nguy cơ thiếu nước và phù sa với trồng lúa một vụ có thể thay bằng trồng cây ăn quả, loại cây cần ít nước hơn nhưng đem lại thu nhập gấp 10 lần trồng lúa, cây phong lan còn nhiều hơn nữa.

Có nhiều phương án đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, thoái biến môi trường, khủng hoảng kinh tế có tính thực tiễn ngay ở vùng nông thôn ĐBSCL, nhưng thật tiếc là có rất ít nghiên cứu thấu đáo. Ngay cả nghiên cứu tiên liệu còn hiếm chứ chưa nói đến những phương án phát triển hạ tầng khả thi.

Đất đai, tài chính, con người có là tài nguyên quý giá của đất nước tùy thuộc vào sự sắp xếp tài tình của các nhà lập kế hoạch dài hạn hay ngắn hạn hợp lý. Trong hội thảo nhiều thính giả VN đã đưa ra những câu hỏi thảo luận sâu sắc. Có rất nhiều câu hỏi được GS David DapiAce trả lời, đại ý là "Có rất nhiều câu trả lời tốt nhất là từ chính các bạn, vì vấn đề là của các bạn và đây là đất nước các bạn sinh sống và gắn bó lâu dài… "

Theo TuanVietnamnet (Trần Huy Ánh)

Tin khác