An ninh lương thực: Dự báo thị trường, bảo vệ nhà nông

21/08/2009

AGROINFO - An ninh lương thực là một vấn đề quan trọng, liên quan đến đời sống con người và quyết định sự tồn vong của toàn xã hội. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng khích lệ, nhưng hiện tại cũng có không ít rủi ro, thách thức…

Bước đột biến thời Đổi Mới

Từ năm 1965 đến 1989, mỗi năm Việt Nam phỉa nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực. Nhưng từ sau Đổi Mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất lớn. Từ năm 1990 đến 2008, sản xuất lương thực của Việt Nam liên tục tăng về diện tích và năng suất cây trồng. Việt Nam đã xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Dự kiến năm 2009, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo. Bình quân lương thực trên đầu người liên tục tăng, năm 2007 đã đạt 580,1kg/người/năm.

Với bối cảnh hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 50 triệu tấn lương thực, bao gồm: 36 triệu tấn thóc, 4 triệu tấn Ngô, 8 triệu tấn sắn và cac loại khác khoảng 2 triệu tấn.

Ông Dương Anh Tuyên: "Công tác dự báo thị trường hết sức quan trọng đối với an ninh lương thực..."

Về cơ bản, an ninh lương thực ở Việt Nam được đảm bảo. Tuy nhiên sự phân bố chưa đồng đều, nhiều vùng vẫn còn khó khăn, thiếu thốn.

Đứng trước những thách thức mới

Sự biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán xẩy ra trên diện rộng đã làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi. Theo dự báo của UNDP, Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng mạnh của việc mực nước biển dâng cao, làm ngập một diện tích lớn đất trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, còn nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và xuất hiện không có quy luật: Mưa đá, lũ quét, lốc xoáy, rét đậm. Tất cả những hình thời tiết này đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và sản xuất.

Trong nước, thị trường phân bón, thuốc trừ sâu, đầu vào khác cho sản xuất nông nghiệp đều tăng cao. Do đó, lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo giảm sút. Mặt khác, thị trường lúa gạo biến động phức tap. Người nông dân Việt Nam chủ yếu sản xuất ở quy mô hộ gia đình, thiếu thông tin và thiếu khả năng tự bảo vệ. Việc chế biến, bảo quản lúa gạo lại phụ thuộc vào các tổ chức kinh doanh, chế biến xuất khẩu gạo nên nông dân càng thêm bị động. Vì thế, giá trị của lúa gạo lại không thuộc về người sản xuất mà phụ thuộc vào trung gian, dịch vụ, các nhà xuất khẩu. Thị trường lúa gạo không ổn định là một nguy cơ bất ổn cho an ninh lương thực.

Diện tích trồng lúa ở Việt Nam đang giảm từ 4,2 triệu xuống 4,1 triệu do tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bên cạnh đó, nhận thức về an ninh lương thực của nhân dân chưa cao, dù Chính phủ đã xác định đó là quốc sách hàng đầu.

Dự báo thị trường là giải pháp hàng đầu

Chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định tình hình an ninh lương thực: Tuyên truyền, giáo dục, dạy nghề cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, thay đổi cơ cấu bữa ăn….

Cần rà soát lại các vùng nhân dân dễ bị tổn thương do thiếu lương thực, thực phẩm. Phải có cơ chế để đảm bảo an ninh lương thực cho các vùng này, không để nhân dân bất cứ đâu phải đói. Người nông dân cần được trao quyền tự chủ về an ninh lương thực, để tạo động lực ổn định sản xuất.

Giải pháp quan trọng nhất là Nhà nước phải dự báo được diễn biến của thị trường lúa gạo trong nước và trên thế giới. Có dự báo được thì mới đưa ra được chiến lược sản xuất dài hạn, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững. Bình ổn được thị trường mới bảo vệ được lợi ích chính đáng của người nông dân. Bảo vệ lợi ích của nông dân là phát triển một chiến lược an ninh lương thực bền vững.

Dương Anh Tuyên


Tin khác