Sức ép "phao cứu sinh"

04/09/2009

(VOV) - Ngành nông nghiệp lại đang chịu nhiều sức ép trước tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khi nổi lên vừa qua như "phao cứu sinh" giúp nền kinh tế ổn định và vượt qua khủng hoảng.

Đây cũng là nội dung của hội thảo “Vai trò của nông nghiệp trong khủng hoảng và tái cơ cấu nền kinh tế” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Việt Nam đã đối diện với 3 cuộc khủng hoảng kinh tế: Thứ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 80 của thế kỷ trước; thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 - 1998 do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á; và thứ ba là đợt khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra. Trong cả 3 lần khủng hoảng, nông nghiệp đều nổi lên như là "phao cứu sinh" giúp nền kinh tế trong nước ổn định và vượt qua suy thoái. Đặc biệt trong đợt khủng hoảng này, vai trò nông nghiệp càng nổi rõ hơn. Trong khi các lĩnh vực sản xuất khác sụt giảm, xuất khẩu giảm thì nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn có mức tăng khá; đặc biệt là gạo tăng tới gần 20% so với 6 tháng đầu năm ngoái, mang về 1,75 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, góp phần giúp nền kinh tế giảm nhập siêu.

 
 Nông nghiệp đang chịu "sức ép" từ nhiều phía

Trong những đợt khủng hoảng, nông nghiệp cũng chính là nơi thu hút lực lượng lao động bị mất việc làm ở thành thị, ở khu công nghiệp. Chính điều này đã góp phần giảm bớt sức ép thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là điểm khác biệt của nước ta so với các nước khác và cũng là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta ổn định trở lại sớm hơn so với các nước.

Tuy nhiên, chiếc "phao cứu sinh" này lại đang chịu áp lực rất lớn từ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng loạt diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhường chỗ cho khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu vui chơi giải trí, khiến hàng trăm nghìn nông dân đang đứng trước áp lực không có việc làm. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp không được đầu tư thích đáng, người nông dân cũng không được hưởng lợi nhiều từ sự gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp cũng đang làm cho nhiều nông dân chán nản, rời bỏ nông nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nông nghiệp sẽ khó có thể tiếp tục cứu nền kinh tế cho khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra lần sau khi mà việc mất đất diễn ra nhanh và đầu tư không thích đáng và với việc không có chính sách hẫp dẫn, thu hút người nông dân, doanh nghiệp vào nông nghiệp. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có sự đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, trong đó trọng tâm vào 3 việc chính: Xác định rõ vùng đất nông nghiệp năng suất cao để thâm canh, tăng năng suất, đào tạo lao động nông thôn và nâng cao năng lực quản lý của các cấp địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp. “Theo tôi, cần có những biện pháp mạnh mẽ như Trung Quốc: lấy nửa hecta đất nông nghiệp phải có ý kiến đồng ý của Quốc Vụ viện, của Chính phủ, chứ không phải là cấp tỉnh làm được việc đó. Họ hạn chế rất gắt gao và có những tiêu chí chặt chẽ. Điều quan trọng hơn là phải đầu tư cho giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội cho người nông dân. Điểm cuối cùng nữa là bộ máy chính quyền của chúng ta ở nông thôn cần được nâng cấp có hiệu quả hơn, phải công khai minh bạch hơn. Đây là những điều tôi mong là sẽ sớm tác động tích cực tới người nông dân” - TS. Doanh nói.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thời gian qua, việc phân cấp đầu tư mặc dù mang lại kết quả tốt nhưng vẫn có nhiều bất cập.  Nổi lên cả là các địa phương cạnh tranh trong thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư và thu hồi một diện tích lớn đất nông nghiệp làm khu công nghiệp. Điều đáng nói là ngay cả những địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn về nông nghiệp nhưng cũng ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp. Trước mắt có thể làm lợi cho địa phương nhưng về lâu dài và tổng thể của cả nước thì lại đang tiềm ẩn những nỗi lo diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là đảm bảo một phần diện tích đất nông nghiệp cho tương lai và hiện đại hóa ngành nông nghiệp; tăng cường hàm lượng công nghệ để gia tăng chế biến sâu cho các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm thị trường ổn định cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo tính toán của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nếu kích cầu với số tiền tương đương 1% GDP (tương đương 750 triệu đôla) cho nông nghiệp thì sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Trong khi nếu đầu tư cùng số tiền đó cho công nghiệp thì GDP cả nước chỉ tăng 0,64% và nếu cho dịch vụ sẽ chỉ tăng 0,94%. Rõ ràng kích cầu cho nông nghiệp là hiệu quả hơn cả về mặt kinh tế. Sở dĩ như vậy vì sức lan tỏa của ngành nông nghiệp cao hơn các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tăng cầu cho nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập của rất nhiều người dân có thu nhập thấp và có khuynh hướng tiêu dùng (tính bằng tỉ lệ tiêu dùng trên thu nhập) cao. Và quan trọng hơn, việc này sẽ làm tăng cầu của các ngành khác.

Theo Báo TNVN(Thanh Trường)

Tin khác