Nhiều cây gỗ quý, nhiều cánh rừng bị lâm tặc triệt hạ, song các đơn vị quản lý bảo vệ rừng dường như làm ngơ?
Công an huyện Đăk Song (Đăk Nông) vừa bắt quả tang 7 đối tượng đến từ xã Nam Bình (Đăk Song) đốn hạ một cây dầu đỏ có đường kính gần 1,5m, dài gần 30m tại tiểu khu 1116 nằm trên địa bàn xã Thuận Hạnh (Đăk Song), thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Đăk Song. Theo anh Đặng Bá Hiển đội trưởng đội bảo vệ rừng - Công ty Lâm nghiệp Đăk Song, đây là cây đại thụ còn sót lại trong hơn 15.000 ha rừng do công ty đang quản lý. Cây dầu đỏ này nằm ngay Quốc lộ 14C, cách Đồng Biên phòng 765 chừng vài trăm bước chân. Thế nhưng nhóm lâm tặc dùng cưa máy đốn hạ, mang xe tải hạng lớn vào tận nơi để vận chuyển mà không ai hay biết (?).
Tại các tiểu khu 1116, 1105, 1099..., ngay hai bên đường, rừng bị đốn hạ tràn lan, cây cối nằm chỏng chơ, nhiều cây gỗ lớn vừa bị lâm tặc hạ xuống chưa kịp cưa xẻ, lá vẫn còn xanh, nhựa cây còn đang chảy. Đối diện với chốt bảo vệ rừng, của Công ty Lâm nghiệp Đăk Song, tiểu khu 1108, một khoảng rừng rộng hơn 7ha nằm xen giữa QL 14C với một nhánh của dòng suối Đăk Đam đã bị “cạo” sạch. Tại km 128 + 500 trên QL 14C, khoảng rừng khác rộng chừng 1ha đang bị lâm tặc hoành hành. Chúng dùng cưa máy đón từng cây gỗ. Hoạt động của lâm tặc diễn ra rất ngang nhiên mà không hề có sự ngăn cản nào.
Theo Công ty Lâm nghiệp Đăk Song, họ chỉ quản lý một phần nhỏ rừng sản xuất, còn phần lớn thuộc lâm phần của Bản quản lý rừng phòng hộ vành đai biên giới. Nhưng trụ sở của Ban lại nằm tận xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil. Chúng tôi đã nhiều lần đến trụ sở Ban nhưng đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Dọc QL 14C luôn có 3 chốt bảo vệ của các Đồn Biên phòng cũng như các chốt bảo vệ của Công ty Lâm nghiệp Đăk Song mà lân tặc vẫn có thể vận chuyển gỗ ngay giữa ban ngày? Dư luận lâu nay đã rất quan tâm, đặt câu hỏi phải chăng lâm tặc ngày càng liều lĩnh hơn hay thực ra chúng làm thưo một sự “chỉ đạo” nào đó?
(Nguồn: Báo Nông thôn Ngày nay)